Mai một làng nghề đúc đồng truyền thống Phú Lộc Tây

Nằm nép mình bên dòng sông Cái, làng nghề đúc đồng truyền thống Phú Lộc Tây (thị trấn Diên Khánh, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa) đã tồn tại hơn 200 năm. Trước sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế thị trường, làng nghề đúc đồng ở Phú Lộc Tây đang gặp nhiều khó khăn, nguy cơ mai một ngày càng hiện hữu.

Từ năm 1988, HTX đúc Cao Thắng giải thể. Từ đó, các nghệ nhân tự chuyển đổi nghề, chỉ còn lại rất ít người có tâm huyết theo nghề. Năm 2003, thực hiện chủ trương khôi phục và phát triển các làng nghề của Phòng Công thương huyện Diên Khánh, HTX đúc đồng Phú Lộc được thành lập với 20 hộ xã viên tham gia ban đầu. Đến nay, HTX Đúc đồng Phú Lộc có 8 lò đúc với 40 hộ làm nghề đúc đồng, gia công sản phẩm.

Mai một làng nghề đúc đồng truyền thống Phú Lộc Tây ảnh 1Công đoạn tạo khuôn quan trọng để cho ra một mẫu mã đồ đồng.

Ông Biện Cư, nghệ nhân đúc đồng Phú Lộc Tây cho biết, đối với nghề đúc đồng để tạo ra một sản phẩm đòi hỏi người thợ phải trải qua 3 công đoạn chính như sau: Đầu tiên người thợ phải tạo khuôn mẫu bằng đất sét, sau đó làm cốt và mang khuôn đi nung với rơm, củi.

Trong thời gian nung khuôn, người thợ thực hiện song song việc nấu đồng. Sau đó, khi khuôn được nung chín thì đồng cũng vừa trong, thực hiện rót đồng ở nhiệt độ nóng chảy vào khuôn. Phải mất ít nhất từ 10 đến 12 giờ đồng hồ mới nấu được một mẻ đồng.

Đây là một công đoạn khó phải nhờ kinh nghiệm của đôi mắt và khả năng phán đoán của nghệ nhân. Có hai cách nung phế liệu đồng, trước đây dùng hai bể thổi lửa than hoa như lò rèn, hoặc đun bằng dầu nhớt; về sau chuyển đổi bằng khí đốt Oxygen. Khi nung nhiệt độ lửa phải lên tới 1.000 độ thì đồng mới nóng chảy. Công đoạn cuối cùng gia công cho đồng trở nên đẹp và bóng loáng.

Trong đó, công đoạn tạo khuôn là công đoạn vô cùng quan trọng, quyết định rất lớn đến chất lượng và sự thành công của sản phẩm. Bởi khi tạo khuôn cần chọn những loại đất sét dẻo, có sợi có thể liên kết các khối đất lại với nhau để tạo thành một mẫu khuôn đúc.

Theo đó, các họa tiết trên khuôn để tạo nên một sản phẩm đồng cũng cần sự khéo léo của nghệ nhân.Thế nhưng, hiện nay những nghệ nhân biết làm khuôn chỉ đếm trên đầu ngón tay, chỉ còn 10 hộ gia đình biết làm khuôn; các nghệ nhân biết làm những mẫu khuôn đúc tỉnh xảo như ông Trần Lâu, Biện Phi Khanh, Trần Ni, Trần Hồ, Biện Cư, Huỳnh Thànhngày một lớn tuổi.

Bởi khi học đúc đồng phải trải qua thời gian 3 – 5 năm mới có thể tự gia công được,cho nên lớp trẻ không mấy ai mặn mà với nghề đúc đồng truyền thống, thường đi làm những công việc khác kiếm kế sinh nhai.

Mai một làng nghề đúc đồng truyền thống Phú Lộc Tây ảnh 2Người dân đang chăm chút cho nồi lò được ra sản phẩm đẹp mắt.

Cùng trong nỗi băn khoăn, lo lắng làng nghề có nguy cơ thất truyền của những người thợ đúc đồng, ông Nguyễn Văn Nhường – Chủ nhiệm HTX đúc đồng Phú Lộc tâm sự, trước đây người dân sản xuất nhiều mặt hàng phục vụ nông nghiệp và công nghiệp như tượng Bác Hồ, vành xe đạp, lưỡi cày, soong nồi, chân đèn,…. Nhưng nay chỉ còn sản xuất bộ chân đèn là chính.

Đối với một bộ sản phẩm chân gồm: 2 cây đèn, 2 chiếc đài đựng nước, 1 lư cắm nhang và 1 cổ bồng đựng trái cây. Giá mỗi bộ bán được từ 2 – 4 triệu đồng, tùy theo kích cỡ lớn nhỏ mà giá khác nhau.Mặt hàng bán ra có tính chất thời vụ, không thường xuyên, liên tục như trước.

Mặt khác, một phần do không có mặt bằng sản xuất tập trung, thiếu thị trường nên các hộ đúc đồng chủ yếu hoạt động theo phương thức cầu nối giữa thị trường với hộ sản xuất, sản xuất nhỏ lẻ, mang tính tự phát, thiếu sự định hướng.

Theo đó,trước “cơn lốc” đô thị hóa, dường như những sản phẩm có nguồn gốc truyền thống không thể trụ nổi trước những sản phẩm được sản xuất từ máy móc công nghệ cao với nhiều mẫu mã đẹp, chất lượng đảm bảo, sản xuất đồng loạt.

Mai một làng nghề đúc đồng truyền thống Phú Lộc Tây ảnh 3Công đoạn cuối cùng để hoàn thiện một sản phẩm đồng đúc.

Hơn nữa, giá phế liệu đồng, chất đốt ngày càng tăng cao; nhưnghiện nay người ta ưa chuộng những đồ làm bằng sứ, nhựa, gỗ mỹ nghệ được sản xuất theo dây chuyền công nghệ hiện đại.

Chính vì vậy, công tác lưu giữ và phát triển làng nghề truyền thống rất cần sự quan tâm của thế hệ trẻ; cũng như sự hỗ trợ, định hướng của các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.

Việc bảo tồn và phát triển làng nghề có ý nghĩa quan trọng trong việc giữ gìn những nét đẹp cội nguồn dân tộc cho các thế hệ mai sau.

Theo Gia Hân/phapluatplus.vn

Theo Đời sống
back to top