Mất ăn, mất ngủ vì chim yến
Tại một căn nhà 3 tầng trên đường Vườn Lài (Phường An Phú Đông, Q.12), phần gác trên cùng được dùng để làm nhà nuôi yến với các tấm tôn màu xanh dựng lên như chiếc hộp, khoét lỗ và đặt máy phát âm thanh dụ yến. Vào sáng sớm hoặc chiều tối, khu vực này trở nên ồn ào bởi tiếng kêu của chim yến về tổ. “Yến bay về thành đàn, phát ra âm thanh rất ồn, cộng thêm âm thanh từ máy phát dụ chim yến khiến nhiều người không khỏi nhức đầu. Chưa kể phân chim đầy trên nóc nhà, đồ đạc nhiều lúc không dám phơi ngoài trời vì phân chim yến rơi dính vào. Trời mưa không dám hứng nước mưa để uống vì trên nóc nhà toàn phân chim yến rất dơ” – anh Nguyễn Văn Bình – một người dân sống trong khu vực than thở.
Một nhà nuôi chim yến trong khu dân cư đường An Phú Đông 3 (khu phố 5, phường An Phú Đông, Q.12, TP.Hồ Chí Minh). Ảnh: MINH QUÂN
Tương tự, chị Trần Thị Vân (Q.12 ) phản ánh có một hộ dân trên đường An Phú Đông 3 (khu phố 5, Phường An Phú Đông, Q.12) nuôi chim yến và mở máy dụ chim, tiếng kêu rất to suốt từ 5h sáng đến 18h mỗi ngày. “Từ khi họ nuôi, chúng tôi rất khổ khi người già, trẻ nhỏ không thể nào nghỉ ngơi được vì tiếng chim yến từ loa phát ra lớn. Người dân ở đây đã nhiều lần phản ánh, nhưng vẫn chưa thấy cơ quan nào đưa ra hướng xử lý. Các cơ sở nuôi yến vẫn tồn tại, còn người dân sống gần thì ngày đêm liên tục bị “tra tấn” bởi âm thanh phát ra từ loa” – chị Vân- bức xúc.
Theo ghi nhận, tại Q.12, các nhà nuôi yến tập trung nhiều ở Phường An Phú Đông với tổng số có thể lên đến 30-40 nhà yến. Các hộ nuôi yến ở ở đây chủ yếu là nuôi trên tầng lầu cao, nằm trong khu dân cư, nhà ở lân cận sát nhau.
Trong khi đó, nhiều người dân ở Phường Hiệp Bình Chánh (quận Thủ Đức) cũng phản ảnh tình trạng cơ sở nuôi chim yến trong các khu dân cư mở máy phát tiếng chim yến để dẫn dụ chúng về ở, làm tổ, đã làm ảnh hưởng đến mọi người, nhất là người già và trẻ nhỏ sống gần khu vực nuôi chim. Không chỉ vậy, phân của chim yến rơi đầy mái nhà, sân thượng làm ô nhiễm môi trường xung quanh khu dân cư. “Việc này làm ảnh hưởng đến giờ giấc nghỉ ngơi và học hành của gia đình tôi cũng như mọi người xung quanh. Hàng xóm có góp ý với người nuôi chim yến nhưng vẫn không thay đổi” – anh Đại – sát vách nhà nuôi yến, nói.
Đề xuất cấm nuôi chim yến tại 21 quận, huyện
Tính đến cuối năm 2017, TPHCM đã có hơn 500 nhà nuôi chim yến, tại 19 quận, huyện. Trong đó, huyện Cần Giờ là nhiều nhất với hơn 230 nhà, đứng đầu toàn TPHCM cả về quy mô và sản lượng. Nuôi chim yến mang lại siêu lợi nhuận nên có nhiều hộ gia đình cải tạo nhà đang ở, kho, xưởng hoặc xây nhà mới với phần trên thiết kế nuôi chim yến, còn phần dưới để ở. Trước việc nuôi chim yến tự phát, những chuyên gia nuôi yến ở TP cảnh báo, không phải ngôi nhà gọi yến nào cũng thành công. Coi chừng mất tiền đầu tư vì giá thành đầu tư mỗi nhà yến tốn khoảng 1 – 2 tỉ đồng.
Chim yến bay trên một nhà yến nằm trên đường Vườn Lài (phường An Phú Đông, Q.12, TPHCM). Ảnh: MQ
Theo anh Diễn, (Q.3, TPHCM) – chuyên tư vấn và đang nuôi yến ở các tỉnh miền Tây, việc nuôi chim yến có mối quan hệ tỉ lệ thuận với bảo vệ môi trường. Nhà yến phải xây xa TP và các khu vui chơi, giải trí, xa sân bay, chủ yếu ở vùng nông thôn, hải đảo, ven đô, nơi có chim yến sinh sống. Việc nuôi yến cần có giấy phép xây dựng, giấy kiểm dịch thú y. Có quy định cụ thể về mức độ ồn khi mở băng gọi chim (phải dưới 40 decibel), về vệ sinh, mùi hôi của phân chim, sự ẩm ướt do phun sương và bụi lông chim khi đàn chim quá đông.
Một cán bộ Chi cục Thú y TPHCM, cho biết, hiện chỉ có huyện Cần Giờ là được phép nuôi yến, còn lại nuôi ở nơi khác là chăn nuôi trái phép. “Tuy nhiên, với trách nhiệm của mình, chúng tôi chỉ có thể xử lý về lĩnh vực thú y, dịch bệnh, còn việc cho phép nuôi yến thuộc thẩm quyền của chính quyền các cấp. Về phần mình, chúng tôi kiểm tra các cơ sở nuôi về mặt thú y, giám sát, yêu cầu họ cam kết đảm bảo các vấn đề về thú y. Hiện tại ngành nông nghiệp thành phố đang tiến hành làm kế hoạch trình UBND thành phố phê duyệt quy hoạch vùng nuôi yến” – người này cho biết.
Hiện Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn TPHCM đang đề xuất cấm nuôi chim yến ở 21 quận huyện trên địa bàn. Theo quy hoạch đang được đề xuất, quận 9, huyện Cần Giờ và huyện Củ Chi sẽ trở thành vùng nuôi chim yến của TPHCM. Tất cả những quận huyện còn lại được đề xuất cấm nuôi chim yến. Cụ thể là sẽ không cho xây mới nhà nuôi chim yến và chỉ cho phép tồn tại những nhà nuôi có khả năng khai thác tổ yến trên 1 kg/tháng.
Lâm Đồng: lúng túng với chim yến
Tuy không phải là vùng đất có truyền thống nuôi yến, nhưng thời gian gần đây, một số khu dân cư ở huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng bỗng chốc mọc lên hàng trăm ngôi nhà yến. Mặc dù lo sợ tiếng ồn và dịch bệnh, song, chính quyền vẫn lúng túng vì chưa biết phải quản lý mô hình mới này như thế nào.
Việc nhiều nhà yến mọc lên giữa khu dân cư cũng khiến chính quyền và nhiều người dân e sợ: “Buổi chiều, đến giờ yến về tổ là cả xóm điếc tai vì tiếng kêu tự nhiên của yến cộng với âm thanh phát ra từ mấy cái loa ở những ngôi nhà yến”. Anh Tiến – một người dân ở tổ dân phố 7, thị trấn Madaguôi bức xúc.
Trao đổi với phong viên, ông Nguyễn Duy Quyến, phó Chủ tịch UBND thị trấn Madaguôi, huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng cho biết: “Chúng tôi cũng ngại vấn đề tiếng ồn và nhất là nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Tuy nhiên, do là một ngành mới nên chúng tôi chưa biết quản lý theo văn bản nào”. Theo ông Quyến, hiện nay, chính quyền chỉ quản lý về mặt xây dựng. Tức là chỉ cưỡng chế nhà nào xây dựng trên đất nông nghiệp hoặc xây dựng không đúng như giấy phép. Còn việc xây nhà yến trên đất xây dựng thì không có lý do gì để xử lý. Theo ông Hà Mạnh Hoan, Chánh văn phòng UBND huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng nghề nuôi yến là nghề tự phát và chưa được chính quyền khuyến khích phát triển. Bên cạnh đó, trước khi mở rộng nghề nuôi chim yến ở địa phương, cần có những nghiên cứu chuyên sâu về hiệu quả nghề này.
Theo Minh Quân – Khương Quỳnh (Lao động)