Trang trại lợn có hệ thống phát nhạc của ông Phương.
Cho lợn xem phim, nghe nhạc
Anh Nguyễn Vũ Phương cho biết, thường các trại nuôi lợn lớn với quy mô cả trăm con, để nhận biết và xử lý những con nào đang lên giống, vào mỗi buổi sáng, chủ trại dắt một con lợn giống đi một vòng quanh trại. Con giống này với hình dáng, tiếng kêu và thứ mùi tỏa ra rất đặc trưng.
Khi đó, những con lợn nái trong chuồng đã tới thời kỳ lên giống ngay lập tức sẽ bật nhổm dậy. Giá một con lợn giống rất đắt, ít nhất từ vài chục đến cả trăm triệu đồng.
Với quy mô những trại nhỏ như trại của gia đình anh, việc mua và sử dụng chưa hết công suất phối giống của một con lợn giống sẽ rất tốn kém và gây lãng phí.
Nếu anh xách máy chiếu phim 3D đi một vòng quanh chuồng lợn nái, trong đó chiếu đoạn phim một con lợn giống đi lại, phát ra tiếng kêu thì chắc chắn sẽ giải quyết được khâu nhìn. Khi đó, chỉ việc cho lợn giống vào phối giống là thành công.
Ngoài ra, anh Phương còn cho lợn nghe nhạc với đủ các thể loại từ cải lương đến nhạc tẻ, thậm chí xem cả các chương trình thời sự. Anh cho biết, cứ mỗi lần mở đài, nghe nhạc là lợn im phăng phắc, quên cả giờ ăn.
Anh Phương làm như vậy vì muốn thay đổi “khẩu vị” cho đàn lợn, mỗi khi có tiếng nhạc hay tiếng người thì đàn lợn luôn cảm thấy an tâm giống như có ông bà chủ ở nhà. Chúng sẽ có được cảm giác được quan tâm, không bị đói. Khi chúng thư thái, vị giác sẽ tiết ra nhiều hơn, thúc đẩy chúng ăn nhiều hơn, béo nhanh hơn.
Mục đích cuối cùng là sẽ cho ra chất lượng thịt tốt hơn. Qua tìm hiểu, đọc tài liệu, anh Phương được biết có một cửa hàng bán thịt lợn ở nước Áo bán thịt lợn được nghe nhạc, chất lượng thịt cao hơn hẳn so với thịt lợn thông thường và giá bán cao hơn nhiều.
Anh hy vọng sẽ có một ngày, những con lợn được nghe nhạc, xem tivi của anh được công nhận là giống lợn chất lượng cao, thơm ngon hơn hẳn so với thịt lợn thông thường.
Âm thanh hỗn tạp tác dụng ngược
Ông Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam cho biết, đối với vật nuôi sinh sản, yếu tố di truyền chỉ chiếm 10%-30%, tác động của các yếu tố khác như thức ăn, nước uống, chăm sóc, môi trường… sẽ ảnh hưởng rất lớn.
Còn đối với vật nuôi lấy thịt thì yếu tố di truyền cao hơn, đến 40%-50%. Âm thanh nhẹ nhàng sẽ khiến vật nuôi không bị stress, thoải mái và phát triển tốt. Trên thế giới người ta cho bò nghe nhạc cũng vì vậy.
Thế nhưng âm thanh kiểu tin tức thời sự, nhạc sàn nhạc nhảy ầm ầm với nhiều cường độ hỗn tạp pha trộn nhau thì chưa chắc đã có tác dụng tốt, thậm chí còn khiến con vật stress, hoảng sợ, mệt mỏi, gây ra những tác dụng xấu.
PGS.TS Nguyễn Huy Đạt, nguyên Giám đốc Trung tâm Chăn nuôi và Huấn luyện gia cầm cho biết, trong công nghệ giết mổ, khoa học đã chứng minh được rằng những con lợn bị đánh đập nhiều trước khi giết mổ sẽ tiết ra chất có hại làm giảm chất lượng thịt, thời gian bảo quản thịt không được lâu.
Kể cả ở những gia cầm như gà, vịt, ngan, ngỗng cũng như vậy. Bởi thế mà ở nhiều nước trên thế giới, người ta cố gắng tạo những điều kiện sống tốt nhất cho động vật được thoải mái. Như vậy chúng sẽ không sinh ra những chất có hại trong thịt.
Trong thịt lợn có một chất men mà người ta vận dụng vào trong cơ chế chọn giống để lựa chọn những con có thể kháng được chất đó.
Theo các chuyên gia, việc cho lợn nghe nhạc, xem tivi về bản chất không có hại, tạo ra một môi trường sống tốt cho lợn cũng là điều đáng khuyến khích, nhưng người chăn nuôi nên cân nhắc bài toán kinh tế, vì để chứng minh hiệu quả thực sự về chất lượng thịt giữa lợn nuôi thông thường với lợn nghe nhạc là rất khó.
Theo PGS.TS Nguyễn Huy Đạt, khi chăn nuôi mà sử dụng nhiều thuốc kháng sinh, các hoocmon tăng trọng, thức ăn không đảm bảo, chuồng trại không vệ sinh… thì không thể có chất lượng thịt tốt được dù lợn có được nghe nhạc du dương suốt ngày. Hơn nữa, chi phí cho lợn nghe nhạc tính vào giá thành không phải là nhỏ, nên muốn có thịt sạch, hãy tập trung vào nguồn thức ăn và điều kiện vệ sinh cho chúng.
Bảo Khánh