Hỏi: Vào mùa đông tôi muốn sử dụng điều hoà làm ấm thì nên dùng thế nào để tiết kiệm điện?
Hoàng Thanh Thuỷ (Hà Nội)
GS.TS Nguyễn Đức Lợi, Viện KH&CN Nhiệt lạnh, ĐH Bách khoa Hà Nội: Sử dụng điều hoà vào mùa đông, trước hết cần điều chỉnh nhiệt độ hợp lý. Ví dụ: Nhiệt độ phòng đặt 22 độ C sẽ tiết kiệm hơn đặt 25 độ C, 26 độ C. Nên giữ kín cửa ra vào và cửa sổ tránh thất thoát hơi nóng nhưng cũng phải chú ý không để thiếu dưỡng khí trong phòng. Nhiều người lo lắng bật điều hoà ấm sẽ làm mất oxy trong phòng, nhưng thực tế không phải. Bật điều hòa nhiệt độ cao cho ấm vào mùa đông không làm mất oxy trong phòng. Nếu phòng quá kín thì phải thỉnh thoảng thông phòng để lấy khí tươi hít thở. Theo tiêu chuẩn Việt Nam là 27 m3/h/người, tiêu chuẩn Nhật là 20 m3/h/người. Khi thiếu oxy thường hay mệt mỏi và buồn ngủ. Thông thường mỗi lần mở của là đã có được khoảng 3m3 khí tươi.Về đêm nên để hé cửa. Khe hở chừng 0,5cm chiều cao khe khoảng 2m.
Tuy nhiên, vào mùa đông cũng không nên lạm dụng điều hòa quá nhiều. Những lúc có mặt trời nắng ấm có thể tắt điều hòa và mở cửa sổ thông phòng. Nhiệt độ phòng nên giữ trên 18 độ C và độ ẩm trên 50%. Khi trong nhà có trẻ nhỏ nên có máy bị phun ẩm để giữ độ ẩm không xuống thấp quá. Nếu không có máy phun ẩm, có thể treo khăn ướt, đặt chậu nước trong nhà, giữ độ ẩm trên 50%. Ngoài điều hoà có thể dùng máy sưởi. Nhưng thực tế điều hòa sưởi ấm cả phòng còn máy sưởi thì có thể sưởi ấm cục bộ. Do đó trong một số trường hợp máy sưởi có thể tiết kiệm hơn. Ví dụ khi phòng rộng mà chỉ có 1 người làm việc thì có thể đặt máy sưởi ngay cạnh người thì tiêu tốn điện năng cũng rất nhỏ. Nên sử dụng linh hoạt để tiết kiệm điện.