Hàng năm cứ vào độ cuối tháng 10, đầu tháng 11 ở Nam Định lại vào mùa thu hoạch niễng. Củ niễng là thứ củ ngày xưa mọc dại tại các bờ ao, bờ đầm, khi đến mùa thu hoạch thì các gia đình nhổ về và sử dụng trong gia đình nhưng vài năm trở lại đây thương lái thu mua nhiều nên giá cả cũng tăng và được nhiều người săn mua về thưởng thức.
Ảnh Internet |
Không chỉ có mùi vị dễ chịu, hương vị thơm ngon, củ niễng còn chứa nhiều thành phần hữu ích cho sức khỏe như protein, lipid, carbohydrate, cholesterol xơ thực phẩm; các khoáng chất đồng, magne, kẽm, selen, canxi, sắt, photpho, kali, natri; các vitamin A, B1, B2, B6, C, D, E, K, folacin, pantothenic axit, carotene, niacin.
Dưới đây là một số lợi ích của củ niễng đối với sức khỏe:
Theo y học cổ truyền
Theo đông y, củ niễng có vị ngọt, béo, mùi thơm, tính lạnh, không độc. Do có các tính vị trên nên củ niễng có tác dụng giải phiền khát, giải say rượu, lợi tiểu. Hạt niễng có vị ngọt, tính hàn, thường dùng chữa táo bón, kiết lỵ ở trẻ em, và dùng cho các trường hợp ruột nóng, chữa khát, tiêu phiền, các bệnh dạ dày.
Theo y học hiện đại
Với cả thân lẫn hạt đều ăn được nên nó được sử dụng như một loại cây lương thực - thực phẩm. Củ niễng có mùi vị dễ chịu và mềm nên người dân thường dùng củ niễng ăn sống, xào với rươi, luộc hoặc nấu chín. Nó trở nên giòn khi được chế biến thành món xào. Lợi ích của việc dùng củ niễng là cải thiện được bệnh về tim hoặc các trường hợp nóng ruột, táo bón, kiết lỵ.
Ngoài ra, củ niễng còn có tác dụng:
- Phòng bệnh tăng huyết áp.
- Ngăn chặn xơ vữa động mạch, tăng mỡ máu.
- Cải thiện bệnh xơ cứng gan, urê máu cao.
- Cải thiện triệu chứng tê thấp.
Củ niễng cũng có các ứng dụng trong lĩnh vực làm đẹp và chăm sóc da, được sử dụng làm thành phần dưỡng da, cấp ẩm và làm trắng da.
Lưu ý khi sử dụng củ niễng
Chống chỉ định với người bị sỏi đường tiết niệu, đau bụng tiêu chảy, tỳ vị hư hàn, người dương suy hoạt tinh.
Tuy củ niễng có rất nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe nhưng cần lưu ý tránh sử dụng chung củ niễng cùng với mật ong.