BS. Hồ Thị Hồng, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) tỉnh Đồng Nai cho biết, rau quả là nguồn cung cấp vitamin, chất khoáng, chất xơ và một số chất chống oxy hóa cần thiết như: Beta caroten (tiền vitamin A), vitamin C, acid folic/Sắt, kali,… giúp bảo vệ cơ thể và tăng cường sức khỏe.
Ăn rau quả còn tốt cho hệ tiêu hóa, phòng chống béo phì, giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng,…
Trong Tháp Dinh dưỡng cho người trưởng thành Việt Nam đã được Bộ Y tế phê duyệt, Viện Dinh dưỡng đưa ra khuyến nghị mức tiêu thụ rau quả là 480g - 560g/ngày (tương đương từ 6-7 đơn vị rau quả, mỗi đơn vị là 80g rau quả sống sạch, không tính phần thải bỏ như vỏ, hạt…).
Rau quả đều có giá trị dinh dưỡng - Ảnh minh hoạ |
Ăn ít rau và hoa quả được xem là nguyên nhân của 1,7 triệu trường hợp tử vong, chiếm 2,8% tổng số tử vong trên thế giới, là nguyên nhân của 19% số ung thư dạ dày ruột, 31% các bệnh thiếu máu cục bộ, 11% số trường hợp đột quỵ. Hơn 80% nguồn vitamin A sẵn có và gần 100% nguồn vitamin C được cung cấp từ rau quả.
Thực tế hiện nay, một số người, đặc biệt là trẻ nhỏ lại rất lười ăn rau, hay một số bạn trẻ, vẫn lạm dụng các loại đồ ăn nhanh vì sự hấp dẫn, béo ngậy mà bỏ qua một chế độ ăn có nhiều rau xanh. Thay vào đó, họ thường tìm đến hoa quả/ nước ép hoa quả để bổ sung vitamin, khoáng chất và vừa giúp tạo cảm giác ngon miệng, dễ ăn. Vậy, câu hỏi đặt ra, có nên ăn quả thay rau?
Ăn trái cây thay rau có được không?
Quả cung cấp năng lượng và lượng đường cao hơn rau và là nguồn vitamin C tốt do quả thường ăn sống, không bị hao hụt do chế biến như rau. Quả cũng có chứa chất xơ, tuy nhiên lượng chất xơ trong quả thấp hơn chất xơ trong rau. Đặc biệt, các chất xơ trong rau có cấu trúc mịn màng, hàm lượng cao hơn trong hoa quả giúp cho cơ thể hấp thụ các chất dinh dưỡng có ở trong 3 nhóm thức ăn cơ bản (nhóm đạm, đường, béo).
Nếu chỉ ăn đơn thuần các protein động vật, thì hiệu suất hấp thụ protein trên đường tiêu hóa chỉ là 70%, còn nếu ăn thêm rau thì hiệu suất hấp thụ protein sẽ đạt 90%.
Bên cạnh đó, một số rau gia vị còn có tác dụng chữa bệnh nhờ có các tinh dầu và kháng sinh thực vật. Ví dụ như: hành ta, hành tây, tỏi, củ cải, cà rốt, cà chua, bí ngô, ớt…
Như vậy có thể thấy, rau có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sức khoẻ, dùng hoa quả thay thế cho rau xanh có thể dẫn tới chế độ dinh dưỡng thiếu cân bằng. Chính vì vậy không thể dùng hoa quả để thay thế rau xanh trong mỗi bữa ăn hàng ngày của gia đình.
Cần chế biến và sử dụng rau quả đúng cách để đảm bảo sức khoẻ - Ảnh minh hoạ |
Chế biến, sử dụng rau quả đúng cách
Mỗi loại rau quả đều có hàm lượng dinh dưỡng khác nhau, không một loại rau quả nào cung cấp đủ tất cả các chất dinh dưỡng cần thiết. Bởi vậy, người dân nên ăn phối hợp các loại rau quả theo màu sắc khác nhau và thay đổi trong tuần.
Nên ăn rau quả đúng mùa, ăn rau quả tươi, mua và sử dụng trong ngày; hạn chế ăn trái cây sấy khô vì trái cây sấy khô có lượng đường cao gấp nhiều lần quả tươi cùng loại. Một ngày nên ăn cả rau lá và rau củ; không ăn quả thay rau hoặc ngược lại. Nên ăn quả chín dạng miếng/múi, các dạng khác như ép/xay hoặc vắt cung cấp ít chất xơ hơn.
Ăn mặn tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, tăng huyết áp nên hạn chế chấm rau và quả để giảm lượng muối trong chế độ ăn. Hạn chế cho thêm đường vào trong sinh tố và nước ép rau quả. Trong bữa ăn, nên ăn rau trước khi ăn cơm. Ăn quả thay cho bánh, nước ngọt và các loại đồ ăn vặt khác.
Ngoài ra, tất cả các loại rau quả cần được rửa sạch trực tiếp dưới vòi nước chảy hoặc rửa trong chậu nhưng phải thay nước nhiều lần tới khi sạch trước khi chế biến. Không ngâm rau lâu trong nước, quả cần rửa sạch và gọt vỏ trước khi ăn. Nếu có phát hiện thấy rau quả có màu sắc, mùi vị lạ thì tuyệt đối không được dùng làm thức ăn cho người hoặc gia súc.