Người bệnh tiểu đường có thể ăn cá mà không ảnh hưởng tới lượng đường huyết trong máu. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng cá chứa nhiều axit béo không no omega-3 giúp cải thiện khả năng kháng insulin bên trong cơ thể con người. Nghiên cứu của Nhật Bản cũng cho thấy 25% người có thể phòng tránh được bệnh đái tháo đường nhờ việc ăn cá.
Đối với người bệnh tiểu đường, ăn cá sẽ có lợi hơn ăn thịt bởi vì cá có lượng chất đạm dễ hấp thu và hàm lượng cao cùng các acid amin cân đối, rất tốt cho sức khỏe người bệnh tiểu đường. Đặc biệt, trong cá biển rất giàu omega-3, giúp hạn chế tình trạng kháng insulin, giảm các biến chứng tim mạch, hạ huyết áp và ngăn ngừa bệnh xơ vữa động mạch. Người bệnh tiểu đường nên chọn các loại cá biển sống ở vùng nước lạnh sâu, vì chúng không chứa chất kháng sinh hay tăng trọng như cá nuôi.
Cá hồi
Loại cá cực kỳ giàu omega-3 – một loại chất béo lành mạnh, có khả năng làm giảm nguy cơ gặp phải các biến chứng phổ biến từ bệnh tiểu đường như: Bệnh tim, suy tim và đột quỵ.
Trong cuộc phân tích của 4 nghiên cứu quốc tế đã công bố vào tháng 03/2021 trên tạp chí JAMA Internal Medicine, kết quả cho thấy tiêu thụ ít nhất 2 khẩu phần cá/tuần có thể giảm tình trạng đau tim, đột quỵ, thậm chí là tử vong ở bệnh nhân tim mạch.
Do đó, bạn có thể đem cá hồi nướng, hầm và rang để thưởng thức nhé. Loại cá này vừa tốt cho bệnh nhân tiểu đường, vừa có lợi cho người bệnh tim mạch.
Cá tuyết
Cá tuyết là một loại cá trắng có calo thấp và giàu protein, tương tự như cá rô phi. Theo USDA, một miếng phi lê cá tuyết nhỏ hấp hoặc luộc chứa khoảng 148 calo và 32,6g protein. Chuyên gia Weisenberger khẳng định rằng cá tuyết là loại cá cực kỳ ít chất béo bão hòa và giàu omega-3, là sự lựa chọn tốt cho bệnh nhân tiểu đường và tim mạch.
Ngoài ra, thịt cá tuyết săn chắc hơn so với cá rô phi, cho phép bạn biến tấu qua nhiều phương pháp chế biến khác nhau như nướng, hấp,... để món ăn trở nên hấp dẫn và đậm đà hơn.
Cá rô phi
Cá rô phi có hàm lượng calo thấp, protein cao và ít chất béo, thích hợp bổ sung vào chế độ ăn hỗ trợ kiểm soát đường huyết.
Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, 100 g phi lê cá rô phi hấp chứa 137 calo và hơn 28 g protein, cá này dễ tìm và giá rẻ phù hợp với nhiều người.
Cá mòi
Cá mòi là một loại cá giàu axit béo omega-3, canxi và vitamin D (28g cá mòi đóng hộp chứa khoảng 108mg canxi và 136mg vitamin D), giúp cải thiện sức khỏe xương và trở thành thực phẩm được nhiều người tiểu đường ưa chuộng.
Điều đặc biệt là cá mòi có giá thành rẻ, điều này rất thuận lợi cho những người muốn bổ sung canxi và vitamin D từ cá vào khẩu phần ăn hàng ngày. Với những người tiểu đường, cần chọn các món cá mòi đóng hộp có lượng natri thấp để giảm thiểu tác động đến sức khỏe của mình.
Nên ăn cá bao nhiêu lần mỗi tuần?
Theo AHA – Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, bạn chỉ nên tiêu thụ 2 khẩu phần (tầm 200g) cá/tuần, trong đó 1 khẩu phần sẽ gần 100g cá nấu chín. Và các loại cá béo như: Cá hồi, cá thu, cá mòi,... là lựa chọn lý tưởng bởi chúng rất giàu axit béo omega-3.
ADA – Hiệp hội Đái tháo đường cũng đồng tình với khuyến nghị của chuyên gia Weisenberger trên. Ngoài ra, ADA cũng nhấn mạnh, tốt nhất người tiểu đường, người bệnh tim mạch chỉ nên ăn cá nướng hay hầm bởi cá chiên sẽ có carbohydrate và calo.