Bà giáo Đỗ Thị Bình cùng các học sinh cũ.
Tình cảm là quan trọng
Trong căn phòng nhỏ ấm áp, bà giáo Bình cho tôi xem tập ảnh chuyến đi xuyên Việt mà học sinh cũ lớp bà chủ nhiệm ở trường cấp 3 Quốc Oai, niên khóa 1967-1970 vừa tổ chức nhân kỷ niệm 50 năm ngày vào trường.
Học trò có người đã gần 70 tuổi, tóc bạc trắng vẫn che ô, đẩy xe cho cô, rất cảm động. Rồi bà cho xem những bức thư, những lời chúc hay một bài thơ của học trò gửi tặng mà bà trân trọng giữ gìn, có cái còn được đóng khung treo trên tường. Với bà đó là những kỷ niệm vô giá.
Năm 1962, tốt nghiệp Đại học sư phạm khoa sử, bà về dạy tại trường cấp 3 Quốc Oai. Vì thành phần gia đình tư sản nên mãi đến năm 1967 bà được làm chủ nhiệm. Nhưng cũng chủ nhiệm 2 năm, đến năm cuối, cũng vì thành phần mà không được chủ nhiệm tiếp. Lớp đó phải chia ra, nhập vào hai lớp khác. Nhưng thầy trò vẫn rất gắn bó với nhau. Bà tự hào vì 55 học sinh hồi đó giờ đã trở thành 55 ông bố, bà mẹ tốt, 55 cán bộ gương mẫu và công dân tốt.
Gần 80 tuổi, nhưng bà Bình vẫn sử dụng FB rất thành thạo, vẫn giao lưu với bạn bè, học trò cũ qua mạng. Nghe bà kể về những người học trò cũ, ai đã hy sinh, người nào lập nghiệp ở đâu, ai ngày xưa nghịch thế nào, người nào vừa bị tai biến… thật tỉ mỉ mới thấy giữa họ gắn bó đến thế nào.
Bà bảo, tình cảm bao giờ cũng là thứ quan trọng. Cuộc sống mà thiếu tình cảm thì đáng sợ lắm. Với bà bây giờ, niềm vui chính là con, là cháu, là được gặp gỡ những học trò cũ. Có khi chỉ một lời tri ân, một câu thơ… cũng khiến bà thấy vui, thấy khỏe như là liều thuốc bổ vậy.
Đọc những lời học sinh cũ viết trên FB rằng, em vẫn nhớ nụ cười, nhớ những lời cô dạy ngày xưa… sung sướng lắm chứ. Và để có được điều đó thì phải biết cho đi, phải yêu thương học trò trước đã.
Tâm đã sáng trong ắt có tình
Suốt đời bà Bình luôn tâm niệm một điều: Làm người phải có chữ Tâm. Tâm đã sáng trong ắt có tình. Ở người giáo viên càng cần phải có tình thương, phải thấy trách nhiệm của mình trong việc giáo dục một con người.
Vì vậy, đã chọn nghề giáo thì phải có lòng độ lượng, vị tha. Nhất cử nhất động của mình đều ảnh hưởng đến một con người, nên phải hết sức thận trọng. Học trò có lỗi thì trước hết người thầy phải tự hỏi mình đã làm hết trách nhiệm chưa. Có thương học trò thì nó mới nghe lời, mới tạo được sự cộng hưởng để thày trò cùng tiến bộ.
Hơn nữa, muốn dạy được người khác, thì trước hết mình phải xứng đáng là người thầy đã. Không chỉ khi đến trường, lúc đứng trên bục giảng mới phải giữ gìn hình ảnh của nhà giáo. Mà trong cuộc sống, trong sinh hoạt đời thường, lúc nào cũng phải giữ gìn.
Có lẽ những điều đó đã ngấm vào trong tính cách, nên từ phong thái, cử chỉ, từ cách nói chuyện của bà cũng có một cái gì đó rất mô phạm, rất thanh lịch. Mọi vấn đề, kể cả những tiêu cực, bức xúc trong ngành giáo dục cũng được bà nhìn nhận một cách hết sức khách quan và nhẹ nhàng với một niềm tin sâu sắc rằng, đó chỉ là sự lạc lối một chút thôi. Còn tình cảm giữa con người với con người là bất biến.
Tình cảm nhiều khi còn phụ thuộc vào tính cách mỗi người. Tuy nhiên, trong mỗi con người đều có cái tâm. Đó là cái gốc, cái mầm của tình thương, lòng nhân ái, sự cảm thông, chia sẻ. Vì không có tình thương nên mới có chuyện mấy cô dạy mầm non đánh các cháu. Có tình thương người ta không thể hành xử như thế được.
Khi chia tay, bà còn dặn tôi: Điều quan trọng là phải hiểu được thời đại mình đang sống. Cuộc sống là vậy, luôn có mặt tối và mặt sáng, có cái tốt và cái xấu. Không thể đòi hỏi mọi thứ đều tốt, đều lý tưởng được. Phải biết nhìn vào những điều tốt đẹp để vươn lên. Điều tốt đẹp đó chính là tình người.
Tuệ Anh