Trải qua 500 năm sương gió dập vùi, văn bia cổ Quế Lâm Ngự Chế là văn bia thời Lê trên một vách đá cao ngất trời vẫn còn rõ từng li, từng nét. Những chữ nghĩa là lời thơ của vị vua tài hoa Lê Thái Tông đã cất công dẹp yên vùng đất phên dậu vốn bị các tù trưởng nổi loạn.
Báo Ké ngang trời
Là người Tây Bắc hoặc Sơn La thì hẳn ai cũng biết về văn bia Quế Lâm Ngự Chế trên một ngọn núi có tên Báo Ké. Ấy là tôi gọi tắt vậy cho dễ hiểu, còn đầy đủ hơn thì phải gọi là Thẳm Báo Ké mà dịch ra tiếng Kinh nghĩa là “hang trai già”. Khoan hãy nói về sự tích của hang đá lạ này, mà thử đi sâu hơn chút nữa về nơi mà vua Lê đã chọn khắc chữ.
Dù được phát hiện từ năm 1965, nhưng cho đến nay Quế Lâm Ngự Chế mới trở thành tâm điểm của giới làm sử nước nhà. Cũng nhờ thế mà cái hang vô danh Báo Ké trở thành thắng cảnh tuyệt vời. Kể cho công bằng thì Báo Ké không có gì nổi bật cả, chỉ có độ cao là khó có ngọn núi nào xung quanh địch được.
Ngọn núi đồ sộ nằm giữa TP.Sơn La trông giống như người khổng lồ có cái đầu nhọn. Người ta gọi Báo Ké là đường lên giời. Lên đến ngọn phóng tầm mắt xuống thì bao quát được cả một vùng rộng lớn. Xưa, quân Pháp cũng từng dùng ngọn núi này mà quan sát Tây Bắc. Cho nên dù ít hay nhiều, Báo Ké cũng được ví như nhân chứng của những đợt thăng trầm gươm giáo.
Nhờ một người bạn cũ theo tu phái Nam Tông ở Ấn Độ về nước thăm Báo Ké mà tôi có dịp ghé ngó văn bia. Đường lên Quế Lâm Ngự Chế gối những bậc thang lưng chừng núi vòng vo qua rừng trúc như bị tách biệt khỏi chốn ồn ào phố xá. Người bạn tu đếm đủ 1.008 bậc trước khi chân chạm tới cửa động văn bia.
Tôi hỏi xem con số ấy có nghĩa gì không? Người bạn lắc đầu bảo có mà không, không mà có. Ngẫm ra con số 1008 thì không nghĩa gì thật, nhưng bỏ một số 0 thì lại nghĩa lý hai bề. Bề một là con số 108 anh hùng Lương Sơn Bạc trong Thủy Hử truyện của Thi Nại Am bên Tầu.
Bề hai là nghĩa lý nhà Phật. Xâu chuỗi tràng hạt bồ đề có 108 hạt, tượng trưng cho 108 phiền não của chúng sinh. Nó cũng biểu trưng cho 108 cuốn sách Luật và Luận ghi lời Phật dạy đệ tử tu học. Còn nếu tỉ mỉ tí nữa và để ý hơn tí nữa thì tiếng chuông nhà chùa đều được gióng theo một thời khóa nhất định. Mỗi ngày hai thời, mỗi thời 108 tiếng.
Không biết bậc lên Báo Ké có dụng ý gì sâu sắc không, nhưng người vượt thiên lý lộ đến nơi chắc cũng trải qua 108 nỗi phiền để rồi khi nhìn xuống dưới thì buồn khổ tan hết theo gió. Và khi ngó lên thì văn bia bằng Hán cổ cứ uy nghi như thánh chỉ vua ban, từ 500 năm trước mà lại ngỡ hôm nay.
Tam quan đền thờ vua Lê Thái Tông.
Lời thơ trên vách đá
Đứng dưới văn bia, lần giở sử đất Tây Bắc mới rõ hơn 500 năm trước vùng này được nhập vào non nước Đại Việt từ 1479 đời vua Lê Thánh Tông. Sơn La tên cũ là xứ Hưng Hóa với tộc người sống đa dạng, nhưng số nhiều là người Thái trắng và Thái đen.
Quan triều Trần Nguyễn Bá Thông đánh giá xứ Hưng Hóa thế này: Quan ải Ai Lao, liên lạc tiện đường, biên giới Vân Nam, khống chế mọi mặt. Là nơi suy yếu của trăm man, cửa ngõ sáu chiếu. Chẽ giữ các trấn, như dậu như phên, án ngữ miền thượng du làm then, làm chốt. Thật là phủ kho ngoài biên giới quốc gia, là nơi chứa chất ngàn vạn châu báu.
Nguyễn Trãi trong “Dư địa chí” cũng nhận định: Miền này là phên dậu thứ hai ở phía Tây. Đến thời Hậu Lê, Phan Huy Chú trong “Lịch triều hiến chương loại chí” ghi lại: Đây là vùng núi hiểm trở, có thể làm căn cứ, nguồn lợi dồi dào, lúc nào cũng sung túc, là nơi xung yếu của miền thượng du.
Triều vua Lê gồm Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông và Lê Thánh Tông đã 8 lần dẫn quân chinh phạt. Và cũng chỉ sang thời Lê Sơ với chính quyền vững mạnh do Lê Lợi xây dựng và tổ chức khiến miền Tây Bắc thực sự khuôn mình vào lãnh thổ Đại Việt.
Văn bia Quế Lâm Ngự Chế khắc trên vách đá từ năm 1440.
Phải nói rằng, cuộc chiến thống nhất đã kéo dài cả chục năm ròng mà mở đầu chinh phạt Đèo Cát Hãn ở Mường Lay của Lê Thái Tổ. Rồi vua Lê Thái Tông tiếp tục đem quân chinh phạt tù trưởng Thượng Nghiễm ở Mường Muổi. Từ đó các tù trưởng Tây Bắc mới thường xuyên về chầu vua Lê và giúp triều đình phong kiến bảo vệ vùng biên giới Tây Bắc.
Trên đường hồi triều, nhà vua cùng quân sỹ nghỉ chân tại Động La (Thẳm Báo Ké) và để lại bài thơ và lời tựa gồm 14 dòng, mỗi dòng 10 chữ với 140 chữ Hán được lược dịch như sau:
“Quế lâm Động chủ Ngự chế: Tư tưởng Thuận Châu là Thượng Nghiễm phản nghịch, vong ơn bội nghĩa, đem quân theo người Ai Lao làm phản. Thân chinh điều khiển sáu quân tới trị nó. Thượng Nghiễm kế cùng lực tận, dâng voi xin hàng. Ta thương nó quỳ bò không mang vũ khí, không nỡ chém bèn tha tội cho nó, rồi đem quân trở về để lại một bài thơ rằng:
Nghĩ tới người xa đêm khổ thân/Thổ tù sao lại dám quên thân/Thế gian đã có anh hùng chúa/Thiên hạ ai tha kẻ nghịch thần/Đường xá khó khăn đừng cậy hiểm/Hang cùng đá ấm áp hơn xuân/Yên được dân lành nhơ nhớp hết/Dân xa được hưởng tấm lòng nhân” (năm đầu niên hiệu Đại Bảo Canh Tuất 1440, ngày lành giữa tháng 3).
Bàn thờ vua Lê trên Thẳm Báo Ké.
Trai già giữ bia
Hơn 500 năm kể từ khi vua Lê cho khắc văn bia trên vách đá Báo Ké, đến nay từng chữ vẫn rõ nét mặc cho mưa gió khắc nghiệt miền cao. Các cụ già vùng này bảo rằng, có một người trai già canh giữ văn bia nên quỷ thần mới không xóa nhòa đi được.
Báo Ké còn được gọi là “trai già” bởi xưa kia có một gia đình rất nghèo khổ, cơm không có ăn, áo không có mặc. Gia đình có một người con trai đã đến tuổi lấy vợ nhưng vì nghèo quá không lấy được vợ, tuổi ngày càng cao, chàng trai xấu hổ bỏ nhà ra đi để kiếm ăn qua ngày.
Một hôm đi ngang qua núi, thấy có một cái hang, vào trong thấy phong cảnh hữu tình, khí hậu mát mẻ, trong hang lại có nước liền chọn chỗ đó làm nhà ở cho mình. Một ngày kia, anh ta gặp được một cô gái cao tuổi nhưng cũng chưa có chồng, thấy người cùng cảnh ngộ với mình liền rủ lên ở cùng.
Năm tháng trôi đi, gia đình chàng trai và cô gái tìm khắp nơi mà không thấy. Cho đến một hôm họ kéo lên núi, vào hang thấy hai người đang ngồi tình tứ, cô gái thấy đông người xấu hổ liền bỏ đi mất, chàng trai vẫn ở đó một mình cho tới già.
Người địa phương nhiều lần lên núi, nhưng thấy tượng đá trai già liền phải đi xuống. Họ tin rằng, vị trai già kia đang trông nom văn bia và chờ đợi một người con gái đến an ủi.
“Văn bia Quế Lâm Ngự Chế viết trên vách đá Thẳm Báo Ké năm 1440 nhưng mãi đến 1965 mới được phát hiện. Năm 1994, văn bia được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử Quốc gia. Nơi đây cũng được xây dựng đền thờ vua Lê Thái Tông, là chốn tâm linh thiêng liêng của bà con Tây Bắc”.
Bà Vũ Thị Linh (Giám đốc Bảo tàng tỉnh Sơn La).
Trần Hòa