Đền thờ Lê Trực.
Trụ cột thứ hai của triều đình Hàm Nghi
Đối với riêng ông sự tồn tại của “triều đình Hàm Nghi” lúc bấy giờ được coi như một lẽ sống, một trách nhiệm sống còn, một chỗ dựa tinh thần không thể thiếu được. Hơn ai hết, ông nhận thức rằng cuộc chiến đấu này dù được hay mất không cần tính đến “bại thành phi sở luận” mà cái quan trọng là tấm lòng yêu nước thương nòi, là nghĩa khí nêu gương vì xã tắc, giang sơn đang bị quân xâm lược dày xéo.
Lê Trực thực sự trở thành trụ cột thứ hai của triều đình Hàm Nghi lúc đó. Đặc biệt sau khi Nguyễn Phạm Tuân hy sinh, phong trào gặp nhiều khó khăn. Ông đã cùng Tôn Thất Đàm gây dựng lại lực lượng, tổ chức nghĩa quân đánh lui nhiều đợt tấn công của kẻ thù vào “kinh đô”.
Mặc cho kẻ thù dụ dỗ, mua chuộc và đe dọa, ông vẫn một lòng chèo lái cho “con thuyền Cần vương” vượt qua những ghềnh thác, khó khăn. Có thể nói Lê Trực là người chỉ huy chính, là linh hồn của phong trào Cần Vương chống Pháp ở Quảng Bình từ đầu năm Đinh Hợi (1887).
Đối với vua Hàm Nghi, Lê Trực trước sau đều làm trọng bổn phận của một bề tôi, không những phò tá, bảo vệ nhà vua trong những ngày hoạn nạn mà còn khước từ mọi sự cám dỗ mua chuộc của giặc Pháp trong việc dụ dỗ vua Hàm Nghi từ bỏ cuộc kháng chiến. Kể cả trong những lúc khó khăn vất vả nhất thì nghĩa quân của ông cũng không bỏ vua.
Lê Trực là một thần tử trung thành hết mực vì vua, vì nước. Trong một bức thư trả lời tên chỉ huy Pháp Mouteaux, ông nói: “Tôi vì vua, vì nước, chết sống cũng một lần làm sao hết bổn phận chứ không dám tham sự sống mà quên việc nghĩa”.
Hàng giặc vì không công nhận vua bù nhìn
Lê Trực là một người hết mực trung thành với một vị vua yêu nước Hàm Nghi và coi thường, khinh miệt một vị vua bạc nhược, bù nhìn làm tay sai cho Pháp là Đồng Khánh. Trong các bức thư trả lời bọn Pháp, Lê Trực không thừa nhận Đồng Khánh là một ông vua.
Và chính vì lòng trung thành nhất mực với vua Hàm Nghi nên khi vua Hàm Nghi bị giặc Pháp bắt, Lê Trực đã thoái chỉ ra hàng giặc. Sự bất lực trước tình thế và “nghĩa tử thần, đạo vua tôi” của Lê Trực đã trở thành tội lỗi.
GS Trần Văn Giàu đã khẳng định chính hai chữ “trung quân” đã “cột chặt tay chân biết bao nhiêu người không phải không có tâm huyết với núi sông. Hệ ý thức phong kiến chẳng những là bất lực trước các nhiệm vụ lịch sử mà nó còn là tội nhân của lịch sử”.
Lê Trực đã không đi trọn con đường cùng dân tộc trong công cuộc chống giặc ngoại xâm và nhất là khi phong trào Cần Vương đang gặp khó khăn thì ông lại nản lòng, đầu hàng giặc.
Nhưng dù sao chúng ta cũng trân trọng lòng quả cảm và khí phách của ông và ghi nhận những đóng góp của ông đối với quê hương đất nước, nhưng cũng không biện minh cho lỗi lầm của ông. Lịch sử ghi danh một võ tướng Cần Vương đã một thời khiến cho kẻ thù khiếp sợ lẫn khâm phục và kính trọng.
Tất Đạt