Cùng với đó là một số thông tin lưu truyền như nhịn ăn kích thích sự sáng tạo của bộ não, khiến cho cơ thể nhẹ nhõm, mắt tinh, tai thính….
Trong nước mè đen cũng có rất nhiều chất dinh dưỡng như chất béo, chất đạm
Chia sẻ với phóng viên, Thạc sĩ, bác sĩ Lê Thị Hải, nguyên Giám đốc Trung tâm Khám, tư vấn dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, đây là việc làm nguy hiểm và phản khoa học.
Trước đó, như một số phương tiện truyền thông đưa tin, ông Đặng Lê Nguyên Vũ đã thực hiện khóa thiền kết hợp nhịn ăn trong 49 ngày và chỉ uống nước mè đen rang. Sau quá trình nhịn ăn ông Đặng Lê Nguyên Vũ đã giảm được 12kg và có nhiều thay đổi.
ThS. Lê Thị Hải cho rằng, một người bình thường nếu nhịn uống nước quá 5 ngày chắc chắn người đó sẽ tử vong, còn ở đây ông Vũ nhịn ăn nhưng vẫn uống nước mè đen rang thì vẫn có thể duy trì sự sống nhưng “Tôi lưu ý điều này hoàn toàn không tốt cho sức khỏe”.
Về mặt khoa học, một người bình thường chỉ uống nước lọc và nhịn ăn thì vẫn có thể sống được vài tuần. Đằng này, ông Vũ vẫn uống nước mè đen rang, tức là không phải “nhịn hoàn toàn” bởi trong nước mè đen cũng có rất nhiều chất dinh dưỡng như chất béo, chất đạm. Khi một người không nạp năng lượng từ bên ngoài vào để duy trì hoạt động cho cơ thể thì cơ thể tự khắc lấy năng lượng dự trữ ở mỡ và cơ để duy trì sự sống.
Nếu nhịn ăn lâu như vậy thì có nguy cơ gì đối với sức khỏe? ThS. Lê Thị Hải cho biết, nhịn ăn thời gian dài như vậy có nhiều nguy cơ đối với sức khỏe. Đầu tiên, hệ tiêu hóa sẽ bị ảnh hưởng do các tuyến tiêu hóa vẫn liên tục tiết men tiêu hóa nhưng lại không được sử dụng dần dần sẽ teo đi. Khi chúng ta không cung cấp năng lượng cho cơ thể qua đường ăn uống thì cơ thể sẽ lấy năng lượng từ mỡ và cơ để hoạt động, từ đó sẽ dẫn đến hậu quả là cơ bị teo nhẽo, cơ thể sẽ dần suy kiệt.
Người mắc bệnh mạn tính càng không nên nhịn ăn – ThS. Hải khuyến cáo. Tùy vào thể trạng và bệnh tật của mỗi người, chúng ta kiêng khem một số loại thực phẩm. Như với người bị bệnh thận, hoặc suy thận cần kiêng muối, chất đạm, người bị tiểu đường cần hạn chế chất ngọt, chất đường bột… Ngay cả những người mắc bệnh mạn tính cũng không cần kiêng tuyệt đối 100% các loại thực phẩm nói trên, chúng ta chỉ ăn với lượng nhỏ. Với người bình thường cũng không nên nhịn ăn.
“Tôi đã chứng kiến rất nhiều người bình thường chỉ nhịn ăn sáng có thể bị viêm loét dạ dày”, ThS. Hải chia sẻ. Nhịn ăn là phương pháp phản khoa học, nếu người nào muốn giảm cân cần kết hợp ăn uống khoa học, với tập luyện thể dục thể thao. Cách nhịn ăn hoàn toàn 49 ngày là rất nguy hiểm.
Theo như một số người cùng tham gia quá trình nhịn ăn với ông Đặng Lê Nguyên Vũ chia sẻ trên một số phương tiện truyền thông, thì khi nhịn ăn 7 ngày, người này có cảm giác mũi ngửi tinh hơn, mắt sáng hơn, tai thính hơn, người nhẹ nhõm hơn, thậm chí là đánh thức sự sáng tạo của bộ não. ThS. Lê Thị Hải cho rằng, những thông tin này không có căn cứ khoa học.
Nếu một người bình thường đang thừa cân, béo phì, khi nhịn ăn trong những ngày đầu sẽ có cảm giác nhẹ nhõm hơn vì họ đã giảm được một số cân nặng do chất béo được huy động để nuôi cơ thể. Nhưng nếu nói “mũi ngửi tinh hơn, mắt sáng hơn, tai thính hơn” hoàn toàn không đúng. Khi cơ thể thiếu năng lượng đầu vào, họ sẽ bị hoa mắt, chóng mặt, ù tai.
ThS. Lê Thị Hải khẳng định thông tin khi nhịn ăn sẽ “đánh thức sự sáng tạo của bộ não” là hoàn toàn không có cơ sở khoa học. Bởi não là một trong những bộ phận cơ thể cần gluco nhất, các cơ quan khác khi không có năng lượng do thức ăn đưa vào có thể huy động năng lượng từ mỡ, nhưng bộ não khi đốt cháy năng lượng cần gluco mới có thể hoạt động nhịp nhàng được. ThS. Lê Thị Hải khuyên cần có chế độ ăn uống khoa học, muốn giảm cân cần kết hợp ăn uống khoa học với tập luyện thể dục thể thao.
Theo Hải Yến (SKĐS)