Huyết áp cao có nguy cơ bóc tách động mạch chủ

Bóc tách động mạch chủ là bệnh nặng, cần điều trị kịp thời. Đây là bệnh liên quan đến tăng huyết áp, thuốc lá và nhiều chứng bệnh liên quan.
/Uploaded/khds.1cdn.vn/2018/09/16/boc-tach-dong-mach-chu1.jpg

Ảnh minh họa.

Bệnh nhân Nguyễn Thế Tuấn (62 tuổi, Hà Nội) vốn bị bệnh cao huyết áp. Trước khi vào Bệnh viện Tim Hà Nội, ông có triệu chứng đau ngực dữ dội, đau quằn quại như có ai đâm dao vào ngực và đau tăng dần, tăng huyết áp. Ngay lập tức, ông được gia đình chuyển tới Bệnh viện Tim Hà Nội.

Tại đây các bác sĩ đã cho bệnh nhân chụp cắt lớp vi tính, chụp động mạch chủ, chụp cộng hưởng từ, làm siêu âm qua thành ngực… Các bác sĩ phát hiện ra bệnh nhân Tuấn mất mạch, tiếng thổi tâm trương ở ổ van động mạch chủ, sau đó ông được kết luận bóc tách động mạch chủ.

ThS.BS Đinh Xuân Huy, Phó trưởng khoa Ngoại, Bệnh viện Tim Hà Nội cho biết, những người có tiền sử cao huyết áp mà tuổi từ 60 – 70 thì khoảng 3/4 trong số đó có nguy cơ bóc tách động mạch chủ. Hầu hết các bóc tách động mạch chủ đều xuất phát ở 1 trong 2 vị trí là động mạch chủ lên, trong vòng vài cm gần động mạch chủ và động mạch chủ xuống. Những trường hợp bóc tách động mạch chủ trong vòng 2 tuần được gọi là cấp tính, trên 2 tuần gọi là mạn tính và nó có tỷ lệ tử vong cao 75 – 80%.

Tăng huyết áp gặp trong 70% các trường hợp bóc tách động mạch chủ đoạn xa nhưng chỉ 36% trong bóc tách động mạch chủ đoạn gần. Người bị tăng huyết áp sẽ có nguy cơ thoái hóa hình nang lớp áo giữa và thường xuất hiện trong bóc tách động mạch chủ.

Mặt khác, sự liên quan giữa thai kỳ và bóc tách động mạch chủ đến nay vẫn chưa giải thích được, nhưng khoảng 50% các trường hợp bóc tách động mạch chủ ở nữ giới dưới 40 tuổi mang thai 3 tháng cuối. Tình trạng tăng thể tích máu, cung lượng tim và áp lực máu trong giai đoạn cuối thai kỳ có thể là nguy cơ của bệnh.

Các bệnh nhân bóc tách động mạch chủ thường có tràn dịch màng phổi, dịch có thể tăng lên thứ phát do phản ứng viêm xung quanh động mạch chủ bị bóc tách. Một số trường hợp có thể khàn giọng, tắc nghẽn đường hô hấp trên, vỡ vào khí quản gây ho ra máu. Khi xuất hiện tiếng thổi liên tục do bóc tách động mạch chủ vỡ vào nhĩ phải, thất phải, hay nhĩ trái thì bệnh nhân có thể gặp suy tim ứ huyết.

ThS.BS Đinh Xuân Huy chia sẻ, đối với những bệnh nhân bị bóc tách động mạch chủ thì đầu tiên cần giảm đau và giảm huyết áp cho bệnh nhân để đủ tưới máu cho các cơ quan, rồi cho thuốc chẹn beta giao cảm. Sau đó bệnh nhân có thể được phẫu thuật cắt bỏ lớp nội mạc bị rách, bịt lại lòng giả bằng cách khâu vào bờ động mạch chủ, thay đoạn động mạch chủ bằng mảnh ghép nhân tạo.

Phạm Hằng

Theo Đời sống
Thói quen xấu làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông

Thói quen xấu làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông

Cục máu đông, hay còn gọi là huyết khối, nếu xảy ra trong mạch máu của các cơ quan trong cơ thể, nó sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro sức khỏe nguy hiểm và đôi khi có thể đe dọa tính mạng nếu không được điều trị kịp thời.
back to top