80 tuổi vẫn tắm tiên cùng thiếu nữ
Sâu Chít (Brihaspa atrostigmella), sâu Tre (Omphisa fuscidentalis), sùng Đất (Holotrichia sauteri), Đuông dừa (Rhynchophorus ferrugineus), mối Chúa (Isoptera), ve Sữa (Cicadidae), bọ Bổ củi (Elateridae), Cà cuống hay sâu Quế (Lethocerus indicus), ngài Tằm đực (Bombyx mrori), trứng kiến Gai đen (Polyrhachis dives), kiến Bụng cong (Crematogaster spp.), ong Vàng (Vespidae), ong Mật (Apidae), ruồi Tây Ban Nha (Lytta vesicatoria), bọ Ngựa và nang trứng bọ Ngựa (Mantodea)... được săn tìm, trả giá, thu mua với giá cao chỉ bởi lời đồn thổi chúng có chứa những thành phần giúp tăng bản lĩnh cho các quý ông.
Dù chưa có công trình khoa học nào nghiên cứu chính thức khẳng định những điều này, song nhiều quý ông vẫn tin chắc nịch vào công dụng cường dương, tráng khí của nhiều loài côn trùng. Việc săn tìm “xuân dược” diễn ra âm thầm, nhưng lại khá nhộn nhịp ở những nơi được cho là côn trùng xuất hiện nhiều như các chợ vùng cao. Thậm chí có những chợ được coi là “thiên đường” của quý ông vì nơi đây chỉ bán những phương thuốc tăng khoái cảm vợ chồng từ côn trùng như chợ Tịnh Biên (An Giang).
Theo GS Bùi Công Hiển, Hội Côn trùng học Việt Nam, việc sử dụng côn trùng làm tăng bản lĩnh đàn ông đã được sử dụng từ nhiều thế kỷ trước, từ Âu sang Á, nhưng đến nay ít có công trình nghiên cứu chính thức nào về tác dụng này. Chỉ có một vài đề tài nghiên cứu về tác dụng tăng cường sinh sản của một số loài cụ thể. Tuy nhiên, trong dân gian thì vẫn lưu truyền nhiều giai thoại về việc ăn côn trùng giúp quý ông sung mãn như thế nào. Trong vùng Điện Biên thường truyền tai nhau chuyện “vua Thái” Đèo Văn Long (1887 – 1975) đã trọng dụng sâu Chít, vừa dùng để chế biến thức ăn tươi, vừa ngâm rượu để uống. Nhờ đó mà ông có thể lấy đến 11 vợ, phục vụ chuyện chăn gối cả 11 bà đều tốt cả. Ở tuổi 80, ông vẫn tắm tiên cùng các thiếu nữ nhờ xuân dược sâu Chít”.
Sâu Chít còn được gọi “Đông trùng hạ thảo Nam”; chúng phân bố chủ yếu ở vùng núi Tây Bắc. Người ta thu bắt vào dịp mùa Xuân (từ tháng 2 đến tháng 4 dương lịch). Khi thấy cây Chít không trổ bông, tức có sâu Chít sống bên trong và người ta chặt đoạn ngọn khoảng 20 – 30cm, đem về tách ra để thu lượm sâu bên trong. Cùng được săn tìm để cải thiện “chuyện ấy” cho quý ông là nhiều loài côn trùng khác nhau như sâu Tre hay Đuông dừa.
Sâu Tre cũng sinh sống nhiều ở vùng núi phía Bắc nước ta. Vào mùa mưa, tre luồng ra nhiều măng là lúc các con ngài cái tìm đến đẻ trứng. Mỗi năm chỉ có một lứa sâu và người ta thường chặt những cây tre, luồng có dị tật để thu sâu Tre vào khoảng tháng 4 – 5 dương lịch. Còn Đuông dừa phát triển mạnh ở miền Nam do là nơi tập trung nhiều vườn dừa. Đuông dừa thuộc họ Vòi voi (Curculionidae) thường đẻ trứng và ấu trùng sống đục vào thân vật chủ. Do vậy, ấu trùng Đuông dừa khi sống trong thân dừa thường làm cây dừa chết. Hiện nay, do nhu cầu tiêu thụ Đuông dừa ở miền Nam tăng cao, nên người ta đã lấy xơ dừa tạo môi trường nuôi và khai thác sâu để bán.
Xuân dược phòng the
GS Bùi Công Hiển cho biết, rất nhiều tài liệu nói về các phương thuốc xuân dược phòng the. Xuân dược Trung Hoa cổ đại có liên quan mật thiết với tình dục học, y học, dược học và xã hội học, đã để lại một số lượng sử liệu rất lớn về xuân dược. Trong “Bản thảo cương mục” đời nhà Minh ở Trung Hoa có nói đến dược tính của con tằm đực dược liệu chủ yếu để chế loại xuân dược “Đàn thanh kiều”: “Tằm đực khí nhiệt tính dâm, cố tinh trợ dương, giao hợp không mệt”. Thời Hy Lạp – La Mã, bột nghiền từ ruồi Tây Ban Nha còn được trộn cùng với máu dơi để tạo ra một bài thuốc kích dục có tên gọi “tình yêu say mê”. Thành phần chính của nó là Cantharidin có tác dụng kích thích niêm mạc niệu đạo. Ở phụ nữ, kích thích bên ngoài không đáng kể. Ở nam giới, nó gây ra rất nhiều sưng tấy. Điều này giải thích tại sao, chất này tạo ra một cương cứng lâu dài. Rất có thể, đây không phải là một sự cương cứng dễ chịu, nhưng điều đó cũng không ngăn được người dân trong thời cổ đại tự dùng một liều nhỏ Cantharidin để có một đêm ái ân đặc biệt.
Kết quả nghiên cứu về tác dụng của sâu Chít lên một số chỉ số chức năng sinh sản ở chuột cống đực, TS Phan Anh Tuấn cùng các cộng sự thuộc Viện Y học Cổ truyền Quân đội, đã xác nhận sâu Chít có tác dụng bổ thận, chứa 17/20 loại axit amin cần thiết, các vitamin và các ion... giúp phục hồi tổn thương cấu trúc các cơ quan trong cơ thể nói chung và cơ quan sinh sản nói riêng của chuột. Trong thành phần của sâu Chít có thành phần nguyên tố vi lượng khá lớn là kẽm. Kết quả nghiên cứu cho thấy, khi cho chuột đực uống bột sâu Chit khô toàn phần làm tăng trọng lượng mào tinh vào túi tinh. Hàm lượng testosterol chuột cống đực tăng từ 5,084 – 17,55nmol/L. Số lượng tinh trùng chuột cống đực bình thường tăng từ 5,51 – 7,93x106 (tr/ml). Tăng quá trình tạo tinh trùng ở tinh hoàn của tất cả các chuột cống đực.
“Tuy vậy, côn trùng có làm “hồi dương” cho các quý ông hay không, sung mãn ở mức độ nào, thì chính những người từng trải nghiệm mới biết rõ nhất.
Chỉ là yếu tố tâm lý?
GS Bùi Công Hiển cho biết thêm, việc sử dụng côn trùng để tăng sinh lực nam giới thường dưới 3 hình thức: Làm thực phẩm bằng cách chế biến các món ăn (chủ yếu xào, chiên rán) và ngâm rượu. Làm một vị thuốc trong các bài thuốc Đông y. Chiết xuất hay tinh chế thành một sản phẩm như sữa ong chúa.
Trên thực tế, do mù quáng và tùy tiện nhiều khi đã biến “lợi” thành “hại”. Ví dụ, việc ngâm rượu với các loại côn trùng nói trên tiềm ẩn nhiều nguy cơ ngộ độc rất cao. Bởi nhiều loại được chọn ngâm chứa độc tính cao, đủ sức để giết chết người; ngoài ra còn được chế biến thiếu vệ sinh. Thậm chí rượu ngâm quá lâu, làm biến tính, dễ gây ngộ độc... Ngoài ra, việc khai thác tự phát nguồn côn trùng ngoài tự nhiên theo cách tận diệt sẽ nguy hại đến đa dạng sinh học, ảnh hưởng không tốt đến môi trường.
Vì là chuyện “phòng the” nên những người đã sử dụng côn trùng, khi “sướng” không ra giữa đường để khoe được, còn khi bị “tai nạn” thì âm thầm chịu hậu quả. Nhưng có điều chắc chắn nếu cứ theo trào lưu quảng cáo “ăn con này, uống con kia” sẽ làm “bà vui, cô vui”, sẽ “nhất dạ, lục giao sinh ngũ tử” thì hậu quả “lành ít, dữ nhiều” và “tiền mất, tật mang”.
GS Bùi Công Hiển cho biết, đa số các loài côn trùng khác sống trong đất hay trên cây đều có mặt ở các sinh cảnh khác nhau của nước ta và người dân tìm bắt chúng chủ yếu vào mùa Xuân-Hè là mùa côn trùng sinh sôi nhiều nhất.