Con người không có men tiêu hóa thịt sống
Trong bát nước mắm, hàng chục con đuông dừa béo nhung nhúc, ngọ nguậy, loe ngoe quẫy, sau đó được các thực khách gắp lên, ăn sống. Đây mà món đặc sản khá nổi tiếng ở một số vùng phía Nam. Đuông dừa thực chất là ấu trùng của 1 loại bọ cánh cứng mà nhà vườn thường gọi là con kiến dương.
Đặc điểm đáng sợ của con bọ kiến dương là sinh sản trên ngọn cây dừa. Sau khi giao phối, bọ kiến dương cái sẽ đục lỗ vào lõi non của cây dừa (còn gọi là củ hủ dừa) và đẻ hàng trăm quả trứng vào bên trong. Khi trứng nở ra ấu trùng, hàng trăm con non sẽ ngày đêm đục khoét, gặm nhấm sạch phần lõi.
Hay những con ấu trùng to bằng ngón tay cái người lớn sống trong thân cây măng nứa lâu nay là món ăn của nhiều người ở vùng cao Nghệ An cũng là món ăn “kinh dị” ít người dám thử. Việc ăn các loại côn trùng như vậy có thực sự bổ dưỡng không?
GS Bùi Công Hiển, Hội Côn trùng học Việt Nam cho biết, loài người tiến hóa hơn động vật từ khi tìm ra lửa và việc ăn uống chủ yếu đều nấu chín. Do vậy các men tiêu hóa chủ yếu thích nghi với thức ăn chín. Việc ăn thức ăn còn sống như gỏi cá, người ta cũng bóp thêm giềng, mẻ hay thính (gạo rang)… Cách ăn côn trùng còn sống chưa thấy khoa học chứng minh là bổ dưỡng và chưa có minh chứng có các loại men tiêu hóa “thịt sống” ở người.
GS Bùi Công Hiển cho biết, ở Việt Nam có rất nhiều loài côn trùng được khai thác làm thực phẩm. Bản thân cơ thể côn trùng sống trong tự nhiên dễ dính các tạp chất bẩn và có thể có các sinh vật khác ngoại ký sinh. Nếu “ăn sống, nuốt tươi” không sơ chế vệ sinh sẽ gây bất lợi.
“Hơn nữa trong cơ thể côn trùng còn có các dịch, phân và chất độc mà ta chưa biết rõ. Thâm chí ngay khi đã nấu chín, nhưng lẫn côn trùng đã chết bị nhiễm nấm độc, cũng có thể gây ngộ độc. Ví dụ, rượu ngâm côn trùng (kiến, ong, sâu chít….) lưu niên có thể đã biến tính gây nguy hiểm”, GS Bùi Công Hiển cho biết.
Côn trùng chưa chắc đã sạch
Các loại côn trùng đó có thể nấu chín để ăn không? GS Bùi Công Hiển cho biết, Một số loài côn trùng như sâu chít, sâu tre đã được nghiên cứu ở Việt Nam đều cho thấy trong thành phân sinh hóa, có những axit amin không thay thế, rất có ích cho cơ thể con người. Tuy vậy cũng tùy theo cơ địa, có người ăn dễ bị dị ứng (mẩn ngứa) chẳng hạn như ăn nhộng tằm.
Đương nhiên, thực phẩm côn trùng chỉ nên là thức ăn thêm. Ví dụ ở Hồng Kông (Trung Quốc) người ta bán cào cào, dế đã nướng, rán thành xiên để bán cho khác du lịch trên đường phố hay ở Thái Lan người ta bán trong các quán nhậu. Ở TP HCM, một vài nhà hàng bán sâu đuông (hại dừa) đã chiên với giá khá đắt.
Đồng bào dân tộc phía Bắc lấy ấu trùng và nhộng ong Vàng làm các món sào để ăn… Những món ăn từ côn trùng khá bổ dưỡng, nhưng chúng không phải là siêu thực phẩm vạn năng, và cũng không sạch nư nhiều người tưởng.
Tuy nhiên, GS Bùi Công Hiển cho biết, khi thu bắt ngoài tự nhiên, nếu không cẩn thận vẫn có thể nhầm lẫn với côn trùng không ăn được hay lẫn với tạp chất, nấm mốc có hại. Do đó, không thể khẳng định cứ là côn trùng bắt ngoài tự nhiên thì hoàn toàn sạch, yên tâm sử dụng, kể cả ăn sống.
Tùy theo môi trường thu bắt côn trùng để biết côn trùng có sạch không hay bị dính thuốc trừ sâu, dính các tạp chất độc hại khác. Có nhiều trường hợp ăn phải côn trùng nhiễm độc nên cũng ngộ độc theo. Do đó, khi dùng côn trùng làm thực phẩm, phải biết rõ nguồn gốc khai thác. Đặc biệt không ăn côn trùng đã chết trước khi chế biến, tránh tình trạng các chất bổ dưỡng đã bị biến đổi.
“Hiện nay đã có khoảng 225 loài côn trùng được khai thác làm thực phẩm ở Trung Quốc và các nước Đông Nam Á. Ở Việt Nam có 34 loài côn trùng được đồng bào dân tộc vùng núi thu bắt làm thực phẩm”, GS Bùi Công Hiển.