Tiêu chí xét duyệt bất ngờ thêm những quy định ngặt nghèo
Ngày 15/9/2020, Hội đồng Giáo sư Nhà nước (HĐGSNN) có gửi công văn hướng dẫn xét duyệt cho các Hội đồng GS ngành/liên ngành. Tuy nhiên, HĐGSNN lại đưa thêm một số tiêu chí cứng "khá ngặt nghèo" ở mục 1 và mục 2 áp dụng cho hồ sơ các ứng viên.
Cụ thể, mục 1 yêu cầu thực hiện: “Sau khi được bổ nhiệm chức danh PGS ứng viên phải có ít nhất 2 năm hoàn thành nhiệm vụ giảng dạy (đạt số giờ chuẩn giảng dạy/giờ trực tiếp lên lớp) quy định tại khoản 3 Điều 4 Quyết định 37”. Như vậy, những ứng viên GS không đủ số giờ chuẩn/giờ trực tiếp lên lớp từ02 năm trở lên kể từ khi được bổ nhiệm chức danh PGS mặc nhiên sẽ bị loại dù họ xuất sắc đến đâu và việc “không đủ” để bù gấp đôi số điểm không còn ý nghĩa nữa.
Mục 2, HĐGSNN yêu cầu: Ứng viên phải đáp ứng đủ một trong 2 điều kiện tối thiểu sau:
(1) 3 thâm niên cuối giảng dạy liên tục và hoàn thành nhiệm vụ giảng dạy (đạt số giờ chuẩn giảng dạy/giờ trực tiếp lên lớp) theo quy định tại khoản 3 Điều 4 Quyết định 37; trong 3 thâm niên đầu phải có ít nhất 1 năm hoàn thành nhiệm vụ giảng dạy theo quy định tại khoản 3 Điều 4 Quyết định 37;
(2) 3 thâm niên đầu hoàn thành nhiệm vụ giảng dạy (đạt số giờ chuẩn giảng dạy/giờ trực tiếp lên lớp) theo quy định tại khoản 3 Điều 4 Quyết định 37; 2 trong 3 thâm niên cuối hoàn thành nhiệm vụ giảng dạy theo quy định tại khoản 3 Điều 4 Quyết định 37 và thâm niên còn lại phải có giờ chuẩn giảng dạy”.
Trong khi đó, việc yêu cầu trong 3 năm thâm niên đầu có ít nhất 1 năm hoàn thành nhiệm vụ giảng dạy hoàn toàn không bắt buộc trong Quyết định 37. Với yêu cầu này, dù ứng viên có đủ 3 thâm niên cuối hoàn thành nhiệm vụ giảng dạy và có đầy đủ 3 thâm niên đầu nhưng thiếu số giờ giảng/giờ chuẩn ở 3 thâm niên đầu thì vẫn bị loại và không được phép bù gấp đôi số điểm. Năm 2019 và trước hạn nộp hồ sơ năm nay, tiêu chí này không bắt buộc cho các ứng viên PGS; HĐGSNN hướng dẫn ứng viên cần có đủ 3 năm cuối tham gia giảng dạy liên tục.
Điều đáng nói là công văn này lại đưa thêm các tiêu chí cứng bắt buộc sau thời hạn ứng viên nộp hồ sơ và yêu cầu các HĐGS ngành/liên ngành áp dụng ngay. Do vậy, ứng viên đương nhiên không thể biết được những tiêu chuẩn/tiêu chí nào cần phải đáp ứng cho hồ sơ của mình.
Mục đích của việc ban hành tiêu chí cứng mới là gì?
Phản ánh tới KH&ĐS, một số ứng viên GS/PGS cho biết, nhìn chung công văn này chi tiết và cần thiết để cụ thể hóa khái niệm "không đủ". Tuy nhiên, nó ban hành không đúng thời điểm và áp dụng không đúng thời điểm
Nếu ban hành trước ngày 30/6 (hạn nộp hồ sơ của ứng viên) thì các ứng viên cứ chiếu theo đó để nộp hồ sơ. Nếu không đủ điều kiện thì ứng viên sẽ tự rút hoặc Hội đồng cơ sở sẽ loại ngay từ vòng 1.
Hoặc nếu ban hành thời điểm này cũng được nhưng áp dụng từ năm sau (2021) trở đi thì mọi người sẽ “tâm phục khẩu phục”.
“Nhưng hội đồng lại yêu cầu áp dụng ngay, điều này chẳng khác nào là sự áp đặt và thay đổi “luật chơi” một cách tùy hứng. Chưa được xét duyệt thì một số ứng viên cũng tự biết mình trượt rồi”, một ứng viên cho biết.
Theo các ứng viên, về mặt thời gian, Quyết định 37 được ban hành từ năm 2018 và áp dụng để xét các ứng viên GS/PGS từ năm 2019. Do vậy, từ năm ngoái đến năm nay HĐGSNN đã có thừa thời gian đưa các tiêu chí cụ thể cho khái niệm "không đủ" để hướng dẫn cho ứng viên, HĐGS cơ sở, HĐGS ngành/liên ngành nên không thể nói là Quyết định 37 là mới và thiếu thời gian để đưa ra một công văn làm khó ứng viên như vậy.
Việc làm đó của HĐGSNN khiến cộng đồng đặt ra câu hỏi: Vì lý do gì/động cơ nào mà sau khi hồ sơ các ứng viên đã nộp, đã được hội đồng cơ sở thông qua (có sự giám sát của đại diện VP HĐGSNN) thì HĐGSNN lại vội vàng ban hành văn bản hướng dẫn và kèm các tiêu chí cứng mới để yêu cầu HĐGS ngành/liên ngành áp dụng ngay? Có phải vì muốn loại ứng viên mà HĐGSNN “không thích” hay không? Bởi khi đã nắm được hồ sơ các ứng viên, HĐGSNN cũng sẽ biết được tiêu chuẩn nào sẽ không đáp ứng được với ứng viên nào?
Điều đáng nói là, đến thời điểm này nhiều ứng viên vẫn không biết gì về văn bản 155 và các tiêu chí “cứng” mới này. Trong khi đó, HĐGS ngành/liên ngành đang đồng loạt rà soát hồ sơ ứng viên để cho báo cáo hay không?
Một ứng viên GS/PGS cho biết: “Nếu HĐGSNN giải thích rằng họ đã hướng dẫn cho ứng viên thì tại sao ở rất nhiều HĐGS cơ sở ở Hà Nội khi xét hồ sơ ứng viên, đều có đại diện VP HĐGSNN tham dự, hướng dẫn trực tiếp và giám sát trong quá trình xét hồ sơ của ứng viên? Như vậy, vị đại diện này cũng không biết các tiêu chí mới trên hay họ cố tình làm sai chỉ đạo của HĐGSNN?”.
Ở HĐGS cơ sở có nhiệm vụ rà soát hồ sơ của từng ứng viên, thẩm định tính pháp lý, sự chuẩn xác của hồ sơ; thẩm định thâm niên đào tạo, các kết quả đào tạo, nghiên cứu khoa học của từng ứng viên. Kết thúc phiên làm việc, Hội đồng thống nhất và thông qua danh sách các ứng viên đủ điều kiện trình bày báo cáo khoa học tổng quan, bao gồm các ứng viên, trong đó có ứng viên đã đăng ký tại Hội đồng.
Tất cả các quy trình đều đã làm đúng, hồ sơ đã nộp xong. Nhưng một lần nữa, HĐGSNN lại thay đổi “luật chơi” một cách bất ngờ khiến công sức, thời gian của nhiều người trở nên vô nghĩa và gây tâm lý ức chế. Một số GS/PGS được công nhận năm 2019 chia sẻ, nếu để năm nay nộp hồ sơ, họ cũng “chết thẳng cẳng” với văn bản này của HĐGSNN.
Một số ứng viên cho biết, theo tiêu chí bổ sung mới, nhiều giảng viên trẻ sẽ khó có cơ hội dù xuất sắc đến đâu. Bởi họ cần tối thiểu 4 năm thâm niên đủ số giờ giảng/giờ chuẩn, kể cả họ có nhiều hơn 6 năm thâm niên mà 2 thâm niên cuối chỉ cần mỗi năm thiếu 1 giờ cũng vẫn bị loại. Nếu thiếu/chưa đủ tiêu chuẩn nào đó thì cơ hội may rủi (phụ thuộc vào HĐGSNN nghĩ như thế nào và vận dụng khái niệm "không đủ" khi nào và như thế nào). Đây là bước thụt lùi của Quyết định 37, không đúng với chủ trương "chiêu mộ người tài, khích lệ người tài". Theo đó, thay vì xét chuyên môn lại đưa ra các tiêu chí chỉ để bắt lỗi hồ sơ khiến cho ứng viên bị loại mà không có cơ hội giải trình.