“Chuẩn cứng” không đúng với Quyết định 37
Trao đổi với báo chí chiều ngày 18/11, ông Trần Anh Tuấn, Chánh văn phòng Hội đồng Giáo sư Nhà nước (HĐGSNN) đã có giải thích về việc 7 ứng viên giáo sư, 9 ứng viên phó giáo sư bị “đánh trượt” là do thiếu tiêu chuẩn "cứng".
Cụ thể: Theo quy định mới (Quyết định 37), việc xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư phải dựa trên 5 tiêu chuẩn "cứng" là: Có công bố quốc tế; có hướng dẫn nghiên cứu sinh, thạc sĩ, tiến sĩ; tham gia đề tài nghiên cứu khoa học; thâm niên đào tạo và chủ trì biên soạn sách đào tạo (không bắt buộc với ứng viên phó giáo sư).
Tuy nhiên, trao đổi với KH&ĐS, TS Trần Quang Huy, 1 trong 16 ứng viên bị trượt cho rằng, cách giải thích của đại diện HĐGSNN là không thỏa đáng.
TS Trần Quang Huy - thành viên Viện Hàn lâm khoa học trẻ toàn cầu (Global Young Academy - GYA). |
Theo quyết định 37, TS Huy hoàn toàn đáp ứng đủ điều kiện tiêu chuẩn "cứng".
Cụ thể, ông có điểm công trình khoa học là: 29,25 (điểm chuẩn cho PGS: 10 điểm) với 56 bài báo quốc tế thuộc danh mục ISI/Scopus.
Tại thời điểm nộp hồ sơ, ông đã hướng dẫn thành công 6 thạc sĩ; đang hướng dẫn 02 nghiên cứu sinh và 01 học viên cao học; chủ biên/ tham gia biên soạn 3 đầu sách. Chủ nhiệm và bảo vệ thành công 1 đề tài cấp nhà nước và 1 đề tài cơ sở.
Trong hồ sơ, ông đã khai rõ 4 năm thâm niên liên tục tham gia đào tạo, bồi dưỡng từ trình độ đại học trở lên tính đến ngày hết hạn nộp hồ sơ: Năm học: 2015-2016: 23 giờ; 2016-2017: 133,6 giờ; 2017-2018: 450,7 giờ; 2018-2019: 160,3 giờ.
Qua 2 vòng đánh giá của Hội đồng cơ sở và Hội đồng ngành, ông đã nhận được sự khen ngợi và 100% phiếu thông qua.
Theo Khoản 3, điều 6 của Quyết định 37/2018/QĐ-TTg áp dụng cho tiêu chuẩn PGS: “Có ít nhất 06 năm, trong đó phải có 03 năm cuối liên tục tham gia đào tạo, bồi dưỡng từ trình độ đại học trở lên tính đến ngày hết hạn nộp hồ sơ. Ứng viên không đủ 06 năm và ứng viên không đủ số giờ chuẩn giảng dạy quy định tại khoản 3 Điều 4 Quyết định này thì phải có ít nhất gấp hai lần điểm công trình khoa học quy đổi tối thiểu đóng góp từ các bài báo khoa học hoặc (và) bằng độc quyền sáng chế; giải pháp hữu ích; tác phẩm nghệ thuật, thành tích huấn luyện, thi đấu thể dục thể thao đạt giải thưởng quốc gia, quốc tế quy định tại điểm b khoản 8 Điều này”.
Do thiếu 2 năm thâm niên và không đủ số giờ giảng đứng trên lớp, ông đã đề nghị tính gấp hai lần điểm công trình khoa học quy đổi tối thiểu đóng góp từ các bài báo khoa học (theo Quy định 37). Trên thực tế số điểm của ông là 29,25 (>4 lần điểm chuẩn PGS).
Trong quyết định 37, không có điều khoản nào yêu cầu ứng viên phải đủ “3 năm cuối giảng dạy liên tục”, chỉ có cụm từ “03 năm cuối liên tục tham gia đào tạo, bồi dưỡng từ trình độ đại học trở lên”.
“Tôi đứng lớp 2 năm cuối (tính theo năm học: 2017-2018 và 2018-2019) và khai rất rõ trong hồ sơ. Tuy nhiên, tôi có đủ 4 năm cuối liên tục tham gia đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ, nhưng họ đã phủ nhận việc này dù đã cung cấp đầy đủ minh chứng.
Theo tôi, quyết định 37 đã đang được áp dụng một cách máy móc để bắt lỗi và khái niệm được vận dụng một cách không rõ ràng”.
Đặc biệt, ông cho biết, “chuẩn cứng” này được HĐGSNN đưa ra và áp dụng sau khi ứng viên đã nộp hồ sơ là không hợp lý.
“Chúng tôi nộp hồ sơ theo Quyết định 37 của Thủ tướng và Nghị quyết số 01 của HĐGSNN ký ngày 26/6/2019. Nghị quyết này không thấy online nữa nhưng tôi và nhiều người vẫn có bản sao.
Nghị quyết nêu rõ: “Khái niệm “không đủ” trong Quyết định 37 được hiểu là kết quả thực hiện còn thiếu một phần hoặc thiếu toàn bộ”. Như vậy, theo khoản 3, điều 6 Quyết định 37, ứng viên vẫn được phép nộp hồ sơ với điều kiện gấp 2 số điểm công trình khoa học quy đổi tối thiểu.
Thế nhưng, sau khi chúng tôi vượt qua hai vòng xét duyệt rồi thì họ lại không áp dụng nghị quyết 01 nữa mà thay thế bằng một nghị quyết mới trong khi ứng viên hoàn toàn không biết gì về nghị quyết này”.
Đây là điều quá vô lý. Nếu “chuẩn cứng” được biết trước thì không ai mất thời gian và công sức chuẩn bị hồ sơ khi xét thấy thiếu “cứng”, hoặc hồ sơ của họ đã bị loại từ Hội đồng cơ sở hay Hội đồng ngành.
Lý do các ứng viên còn lại trượt cũng khó thuyết phục
TS Trần Quang Huy cho biết, nếu áp dụng đúng Quy định 37 và Nghị quyết số 01 nêu trên thì gần như 16 ứng viên bị trượt sẽ không trượt nữa. Tiêu biểu trong số đó là trường hợp của PGS.TS Phùng Văn Đồng – ứng viên GS ngành Vật lý
Sinh năm 1981, PGS Đồng đã có 45 công trình công bố trên Tạp chí quốc tế thuộc danh mục ISI, phần lớn các bài đều thuộc hạng Q1.
Trong đợt xét GS lần này, điểm công trình khoa học của PGS Đồng là 70,20 (cao thứ 2 của ngành Vật lý, cao thứ 6 của tất cả các ngành).
PGS Đồng cũng là một những nhà khoa học trẻ tài năng, đạt Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2016 (một trong những giải thưởng danh giá nhất hiện nay của Việt Nam về khoa học và công nghệ).
PGS Đồng hướng dẫn thành công 25 thạc sĩ, 4 nghiên cứu sinh và có 3 đầu sách chuyên khảo/giáo trình. Hoàn thành 4 đề tài cấp quốc gia, trong đó có 1 đề tài nghiệm thu 19/06/2019. Hai năm gần đây, PGS Đồng đã công bố 8 công trình nghiên cứu, trong đó có 6 công trình trên Tạp chí quốc tế thuộc danh mục ISI/Scopus.
Trong khi, tiêu chuẩn để xét GS năm nay “chỉ” yêu cầu ứng viên GS phải có 3 công trình quốc tế trong danh mục ISI/Scopus thì lý do PGS Đồng bị trượt "không thuyết phục được Hội đồng bỏ phiếu" chưa thực sự thỏa đáng, bởi ứng viên không có cơ hội gặp gỡ và giải thích ở vòng này.
Ứng viên ghi rõ đã có 01 đề tài cấp quốc gia hoàn thành 06/2019, thì cũng không thể nói rằng “đề tài khoa học cấp bộ/cấp nhà nước không có”.
“Thú thực, nếu tôi bất ngờ khi biết tôi trượt là 1 thì bất ngờ khi biết ứng viên này trượt là 10. Năng suất xuất bản của PGS Đồng là niềm mơ ước của các nhà khoa học quốc tế hàng đầu chứ chưa nói đến Việt Nam.
Tôi tiếc cho những ước nguyện của Thủ tướng chính phủ về việc chiêu mộ và khuyến khích nhân tài. Tôi tiếc cho các nhà khoa học trẻ tài năng sau này có thể bị mất niềm tin vào chính sách của nhà nước về khoa học và công nghệ”, ông Huy chia sẻ.
Tôi không định lên tiếng, nhưng khi Văn phòng HĐGSNN giải thích lý do trượt không thuyết phục nên phải lên tiếng. Vì sao không công bố lý do/căn cứ pháp lý cho ứng viên bị trượt GS/PGS trên trang web của HĐGSNN? Cơ sở pháp lý của Nghị quyết thay thế nghị quyết số 01 của HĐGSNN ký ngày 26/6/2019 áp dụng để đánh trượt các ứng viên? Tôi là người làm khoa học, tôi muốn nói lên tiếng nói phản biện, chứ không nhằm mục đích chỉ trích”, TS Trần Quang Huy.