“Hội đồng Giáo sư Nhà nước loại ứng viên theo "chuẩn cứng" không rõ ràng?: "Quá ít" là bao nhiêu?

(khoahocdoisong.vn) - “Hội đồng giáo sư nhà nước kết luận “Thâm niên giảng dạy quá ít” để đánh trượt tôi, vậy kết luận này dựa trên tiêu chuẩn nào, quy định pháp lý nào? Trong Quyết định 37, không quy định “ít” là bao nhiêu thì HĐGSNN lấy cơ sở nào để áp dụng?”, TS Trần Quang Huy đặt câu hỏi.

Có minh chứng cho kết luận “không minh chứng”

Như KH&ĐS đã đưa, TS Trần Quang Huy, một trong 16 ứng viên bị loại trong đợt xét GS, PGS năm nay đã nhận được thư phúc đáp của Hội đồng giáo sư Nhà nước (HĐGSNN), giải thích lý do vì sao ông bị trượt.

Phiên họp lần thứ III Hội đồng Giáo sư nhà nước nhiệm kỳ 2018-2023. (Ảnh: TL)

Phiên họp lần thứ III Hội đồng Giáo sư nhà nước nhiệm kỳ 2018-2023. (Ảnh: TL)

Trong thư, HĐGSNN cho rằng, việc ông khai tổng số 18 năm tham gia đào tạo, nhưng lại không kê khai được đủ 6 năm và không đủ minh chứng, như vậy chưa thể coi những năm trước là giảng viên thỉnh giảng.

Ông Huy cho biết, tại thời điểm nộp hồ sơ, ông đã khai rất rõ là giảng viên thỉnh giảng tại Trường ĐHSP Kỹ thuật Hưng Yên (8/2017-31/8/2019). Ngoài ra ông vẫn làm nhiệm vụ là giảng viên kiêm nhiệm của cơ sở đào tạo sau đại học nơi ông đang công tác.

Cụ thể, trong bản nhận xét kết quả đào tạo và nghiên cứu khoa học đối với giảng viên, ông đã được người đứng đầu cơ sở đào tạo sau đại học (Cơ quan chủ quản của ông tại thời điểm nộp hồ sơ nhận xét: “Tiến sĩ (TS) Trần Quang Huy được tuyển dụng vào làm việc tại Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương (VSDTTƯ) từ 1/2001 đến nay (2019).

TS Huy là nhà nghiên cứu và giảng viên kiêm nhiệm tại cơ sở đào tạo sau đại học của Viện VSDTTƯ; trực tiếp giảng dạy lý thuyết và hướng dẫn thực hành về các kỹ thuật hiển vi và hiển vi điện tử trong xét nghiệm y sinh học cho các đối tượng là Nghiên cứu sinh; học viên cao học và học viên đào tạo lại.

Từ năm 2017 đến nay, TS Huy được phân công giảng dạy thêm về phương pháp nghiên cứu khoa học và kỹ năng viết bài báo đăng trên Tạp chí trong và ngoài nước”.

“Vậy, thời gian từ 2001 đến 7/2019, tôi làm cán bộ nghiên cứu và giảng viên kiêm nhiệm tại Cơ sở đào tạo sau đại học của Viện VSDTTƯ, tôi có đủ 18 năm tham gia đào tạo, bồi dưỡng trình độ từ đại học trở lên không?

Đề nghị HĐGSNN hiểu đúng nghĩa của cụm từ “tham gia đào tạo, bồi dưỡng”, ông Huy nói.

Ông Huy cho biết, ngoài chức năng làm nghiên cứu, việc tham gia đào tạo và bồi dưỡng các đối tượng là Nghiên cứu sinh; học viên cao học và đào tạo lại là nhiệm vụ thường xuyên của ông trong quá trình làm việc tại Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương từ 1/2001-7/2019.

Tuy nhiên, do Cơ sở đạo tạo sau đại học nằm trong một Viện nghiên cứu nên có những tính chất đặc thù nhất định. Việc tham gia đào tạo, bồi dưỡng trước đây chưa được quy định chặt chẽ nên khó lưu giữ được minh chứng cần thiết để cụ thể hóa thành giờ giảng/giờ quy đổi. Việc cụ thể hóa giờ giảng, môn học chỉ được thực hiện trong những năm gần đây.

Do không đủ minh chứng, trong hồ sơ nộp xét đạt chuẩn PGS, ông đã chủ động không kê khai số giờ giảng/giờ quy đổi trước năm 2017 tại Cơ sở Đào tạo sau đại học nơi ông công tác.

Và người đứng đầu Cơ sở đào tạo sau đại học của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương đã có văn bản nhận xét, đánh giá về thời gian đào tạo, môn học mà ông đã tham gia.

“Tôi đã kê khai rất trung thực theo mẫu, tại sao quy kết tôi “chưa nghiêm túc kê khai theo bản mẫu đăng ký”, ông Huy nói.

TS Huy cho biết thêm do ông hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nên đã được bầu Chiến sĩ thi đua cơ sở trong 5 năm liền 2010-2014 và Chiến sĩ thi đua cấp Bộ năm 2013, cũng như nhiều bằng khen khác trong những năm gần đây.

Theo tìm hiểu của KH&ĐS, ông là đồng chủ biên và tham gia biên soạn 1 cuốn sách chuyên khảo và 2 cuốn giáo trình được xuất bản từ năm 2011-2013, trong đó có 1 cuốn xuất bản bằng tiếng Anh.

TS Trần Quang Huy tại một diễn đàn sáng tạo cho các Bảo tàng ASEAN tại Thái Lan tháng 8/2019.

TS Trần Quang Huy tại một diễn đàn sáng tạo cho các Bảo tàng ASEAN tại Thái Lan tháng 8/2019.

Quyết định 37 cho phép quy đổi, vì sao không được quy đổi?

Theo giải thích của HĐGSNN, lý do đánh trượt là trong hai năm học, năm học 2015 – 2016, 2016-2017 ông Huy đã không trực tiếp giảng dạy trên lớp, chưa hoàn toàn đáp ứng được Khoản 3, Điều 4, của Quyết định 37.

Tuy nhiên, theo ông Huy, HĐGSNN chỉ trích dẫn phần đầu khoản 3, điều 4, của Quyết định 37 nhằm quy kết ứng viên mà không trích dẫn phần quan trọng nhất của khoản này, đó là: “Người đứng đầu cơ sở giáo dục đại học nhận xét, đánh giá bằng văn bản về các nhiệm vụ giao cho giảng viên, trong đó ghi rõ tên môn học, trình độ đào tạo, bồi dưỡng, mức độ hoàn thành khối lượng giảng dạy, hướng dẫn luận án, luận văn, đồ án hoặc khóa luận; về kết quả đào tạo và nghiên cứu của giảng viên”.

"Người đứng đầu cơ sở giáo dục ở 2 nơi mà tôi làm giảng viên kiêm nhiệm và giảng viên thỉnh giảng đều có nhận xét đánh giá rất rõ bằng văn bản rằng tôi hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.

Việc HĐGSNN không xem xét đến tính pháp lý của văn bản nhận xét, đánh giá của các cơ sở đào tạo cũng như bỏ qua kết quả thẩm định của HĐGS cơ sở và HĐGS ngành đã thể hiện sự không tin tưởng và áp đặt ý kiến của mình trong việc xét đạt chuẩn GS/PGS đối với trường hợp của tôi".

Ông Huy cho biết, đã khai rất rõ trong hồ sơ là chỉ có minh chứng cụ thể về giờ giảng/giờ quy đổi cho 4 năm học gần đây nên xin tính gấp 2 số điểm tối thiểu quy đổi từ công trình khoa học (theo khoản 3, điều 6 của Quyết định 37).

Trên thực tế số điểm của ông là 29,25 (gấp 4 lần điểm chuẩn tối thiểu quy đổi từ các công trình nghiên cứu khoa học) và có 4 năm thâm niên liên tục (trong đó có 3 năm cuối) tham gia đào tạo từ Đại học trở lên với đầy đủ minh chứng đã cung cấp trong hồ sơ.

Trong khi đó, trong bài trả lời phỏng vấn Báo Nhân dân điện tử số ra ngày 3/12/2019 với tiêu đề “Nâng cao tính chặt chẽ, minh bạch trong xét công nhận Giáo sư, Phó Giáo sư” ông Chánh VP HĐGSNN Trần Anh Tuấn trả lời lý do không công nhận 9 ứng viên đạt chuẩn PGS, có đề cập đến lý do “không tham gia đào tạo liên tục ba năm cuối (khoản 3, Điều 6)”.

"Như vậy, cho tới thời điểm này, ông Tuấn vẫn bất chấp dư luận, bất chấp các minh chứng mà tôi đã chỉ ra với 4 năm tham gia đào tạo liên tục trong đó có 3 năm cuối để bảo vệ cho cái sai của HĐGSNN.

Tôi muốn đặt câu hỏi: Trường hợp của tôi có được HĐGSNN xét theo khoản 3 điều 6 của Quyết 20 định 37/2018/QĐ-TTg không? Tại sao?’, ông Huy nói.

TS Huy cho biết thêm do ông hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nên đã được bầu Chiến sĩ thi đua cơ sở trong 5 năm liền 2010-2014 và Chiến sĩ thi đua cấp Bộ năm 2013, cũng như nhiều bằng khen khác trong những năm gần đây.

Theo tìm hiểu của KH&ĐS, ông là đồng chủ biên và tham gia biên soạn 1 cuốn sách chuyên khảo và 2 cuốn giáo trình được xuất bản từ năm 2011-2013, trong đó có 1 cuốn xuất bản bằng tiếng Anh.

Nếu HĐGSNN vẫn bảo vệ mình đúng, thì quyết định 37 đã sai?

Ông Huy cho biết, ông không hiểu tại sao Hội đồng cơ sở và Hội đồng ngành đã xem xét và thẩm tra rất kỹ Hồ sơ của ông theo Quyết định 37 của Thủ tướng, họ đều “thấy rõ” ông đạt chuẩn và đã nhất trí 100% thông qua nhưng HĐGSNN lại thấy không rõ?

“HĐGSNN kết luận “Thâm niên giảng dạy quá ít” để đánh trượt tôi, vậy kết luận này dựa trên tiêu chuẩn nào, quy định pháp lý nào? Hay đây cũng là một kết luận mang tính cảm tính? Trong Quyết định 37, không quy định “ít” là bao nhiêu thì HĐGSNN lấy cơ sở nào để áp dụng?”, ông Huy đặt câu hỏi.

“Để đảm bảo quyền lợi và danh dự của các ứng viên GS/PGS bị trượt năm nay và cũng để khuyến khích các nhà khoa học trẻ/giảng viên trẻ tài năng các năm sau tin tưởng vào chính sách kêu gọi nhân tài phát triển đất nước, tôi đề nghị HĐGSNN xem xét lại hồ sơ của 16 ứng viên bị trượt GS/PGS năm 2019 thực hiện theo đúng tinh thần của Quyết định 37 và Nghị quyết số 01/NQ-HĐGSNN tại thởi điểm trước khi ứng viên nộp hồ sơ”, ông Huy nói.

“Nếu HĐGS cơ sở và HĐGS ngành đúng thì HĐGSNN sai. Còn nếu HĐGSNN vẫn bảo vệ rằng mình đúng thì HĐGS cơ sở, HĐGS ngành hoặc Quyết định 37 đã sai. Như vậy, HĐGSNN cũng không hoàn thành nhiệm vụ của mình theo Khoản 1, điều 14 Quyết định 37”, TS Trần Quang Huy.

KH&ĐS sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc về vụ việc.

Theo Đời sống
Hòa nhạc giáo dục Classical Wonderland: Lan tỏa tình yêu nhạc cổ điển

Hòa nhạc giáo dục Classical Wonderland: Lan tỏa âm nhạc cổ điển tới cộng đồng

Hòa nhạc Giáo dục "Classical Wonderland" với sự tham gia của Dàn nhạc Giao Hưởng Việt Nam, nhạc trưởng Honna Tetsuji, nghệ sĩ piano Nguyễn Thái Hà, cùng những người chiến thắng từ VYMI EduConcert Piano Audition 2022 vừa diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Chương trình nằm trong Dự án mang Âm nhạc cổ điển đến với cộng đồng của thành phố Hà Nội.
Đại diện Quỹ Toyota Việt Nam và các đơn vị đồng hành bàn giao điểm trường Lũng Lậu

Quỹ Toyota Việt Nam hỗ trợ xây dựng điểm trường cho trẻ em vùng cao tỉnh Cao Bằng

Ngày 8/7, với mục tiêu đóng góp cho sự nghiệp giáo dục đào tạo và phát triển nguồn nhân lực tại Việt Nam và góp phần mang lại hạnh phúc cho mỗi cá nhân và toàn xã hội, Quỹ Toyota Việt Nam đã tiến hành bàn giao điểm trường Lũng Lâu, thuộc trường Tiểu học & Trung học cơ sở Vần Dính tại huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng.
back to top