Học sinh Trường THPT Chuyên Amsterdam góp ý về trường chuyên

(khoahocdoisong.vn) - Từ khảo sát trên nhóm nhỏ các bạn học trường chuyên và trải nghiệm của chính bản thân mình, em Đỗ Quyên (lớp 12 Anh 2, Trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam) đã đưa ra góc nhìn của mình và trường chuyên.

Chọn trường chuyên vì có thầy giỏi, bạn giỏi

Em Đỗ Quyên (lớp 12 Anh 2, Trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam) chia sẻ, em chứng kiến nhiều lần cảnh các phụ huynh đứng ngoài cổng trường nắng nóng nhiều giờ liền để đợi con thi vào trường chuyên. Và sự “hy sinh” này không chỉ diễn ra trong vài ngày, mà còn là sự nỗ lực, đồng hành cùng con trong suốt quãng thời gian con học sau đó. Bố mẹ em cũng vậy.

Em Đỗ Quyên tại Diễn đàn Giáo dục Việt Nam 2020.

Em Đỗ Quyên tại Diễn đàn Giáo dục Việt Nam 2020.

Trong suốt những năm học ở Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam, Quyên luôn đặt ra câu hỏi: “Tại sao mình lại vào đây? Tại sao các bạn lại chọn trường chuyên với khối lượng, áp lực học lớn hơn bình thường như vậy? Nhu cầu của các bạn khi học ở trường chuyên là gì? Và nhu cầu đó được đáp ứng như thế nào”.

Từ những băn khoăn đó, Quyên đã làm một khảo sát thực hiện trên 97 học sinh trường chuyên (THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam, THPT Chuyên Ngoại ngữ, THPT Chuyên Sư phạm, THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên] với ít nhất một năm trải nghiệm môi trường này. Kết quả khảo sát, học sinh đưa ra các lí do sau về để giải thích lựa chọn của mình: Học chuyên sâu đam mê của mình; Môi trường thuận lợi (bạn bè, thầy cô tốt); Cơ hội phát triển kỹ năng mềm, tham gia hoạt động ngoại khóa; Cơ hội đi thi các kì thi quốc gia, quốc tế; Cơ hội du học.

Trong đó, 45% học sinh vào trường vì muốn du học, 25% vì môi trường thuận lợi, 15% do đam mê môn học, 8% vì cơ hội hoạt động ngoại khóa, 5% để tiếp xúc các kì thi trong nước và quốc tế và 2% vì các lí do cá nhân khác.

Qua quan sát thực tế và các nghiên cứu, các lí do này hoàn toàn có cơ sở để học sinh tin tưởng khi lựa chọn trường chuyên.

Ví dụ, ở môi trường chuyên, học sinh được tập trung vào một số môn học mũi nhọn và đào sâu nghiên cứu sở trường của mình. Theo nghiên cứu của Johansson và Myrberg (2019), những học sinh có định hướng chuyên ngành sớm có khả năng thành công cao hơn ở các bậc học cao hơn.

Về lý do có môi trường thuận lợi, đối với những học sinh có khả năng tốt hơn các bạn đồng trang lứa, được tiếp xúc với các bạn có cùng trình độ và sở thích là một trong những nhu cầu lớn nhất để đối tượng này có thể phát triển tốt nhất cả về khả năng và tâm lý lứa tuổi. Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng có bạn bè phù hợp khả năng, sở thích và hoàn cảnh có thể tăng khả năng thành công và giúp phát huy tiềm năng của cá nhân (Schmidt, 2020; Flashman, 2011).

Một nguyên nhân khác hấp dẫn học sinh trường chuyên là để có cơ hội cao hơn trong các kì thi, đặc biệt là các kỳ thi quốc tế, để khẳng định tài năng cũng như phát triển bản thân.

Dựa trên khảo sát của tác giả và phân tích các nguyên nhân khiến học sinh chuyên mong muốn vào các ngôi trường đào tạo năng khiếu, học sinh trường chuyên có các kỳ vọng như sau: Tiếp xúc với nhiều cơ hội du học, học bổng; Tham gia các hoạt động ngoại khóa có quy mô; Rèn luyện các kỹ năng mềm/kỹ năng của thế kỷ 21; Học chuyên sâu môn chuyên; Tham gia các kỳ thi Học sinh giỏi quốc gia, quốc tế; Có các cơ hội nghiên cứu, trao đổi…

Khảo sát của tác giả cho thấy, phần lớn học sinh chuyên cảm thấy nhu cầu học tập của mình được đáp ứng đầy đủ tại môi trường chuyên.

64% đồng ý rằng những nguyện vọng của bản thân được đáp ứng ở môi trường đào tạo năng khiếu, trong khi đó chỉ có 8% không đồng ý với quan điểm trên.

Cần có sự đào tạo riêng với giáo viên trường chuyên

Vẫn đang là một học sinh trường chuyên, từ những trải nghiệm của bản thân, từ khảo sát và những tìm hiểu qua các nghiên cứu, Đỗ Quyên cho biết, có một số góp ý sau đối với trường chuyên:

Giáo dục chuyên ở Việt Nam vẫn đang thiếu một nghiên cứu toàn diện để có thể so sánh được nhu cầu và kỳ vọng của học sinh thay đổi như thế nào qua thời gian. Ví dụ, các cựu học sinh sau khi ra trường có cảm thấy việc học ở trường chuyên có tác dụng đối với nghề nghiệp của họ hay không… Từ đó, để rút ra kết luận, chúng ta có nên tiếp tục đầu tư nhiều, có trường riêng cho nhóm học sinh tài năng này hay đầu tư toàn diện cho rất cả mọi người, các trường sẽ có lớp học riêng cho nhóm học sinh tài năng, ai có khả năng thì đăng ký vào đó?

Từ lúc thành lập lớp chuyên Toán đầu tiên vào năm 1965 chưa có một cải cách nào quá lớn để bắt kịp với sự phát triển quá lớn của thế giới.

Thứ hai, theo em là nên có một chương trình toàn diện hơn cho học sinh trường chuyên.

Ngoài ra, mọi người thường nghĩ rằng học sinh chuyên cần có sự tự do trong học thuật, suy nghĩ của mình. Nhưng Quyên cho rằng, học sinh trường chuyên rất cần có định hướng rõ ràng để có thể sử dụng tài năng đúng chỗ. Hiện tại, học sinh dường như mới chỉ học trên sách vở mà chưa được dạy cách để sử dụng những tài liệu khác. Học sinh trường chuyên nên được hướng dẫn để khai thác tối đa nguồn lực xung quanh, để việc học không thụ động, chỉ gói gọn trong môi trường trường lớp.

Thứ ba, trường chuyên giống như các trường THPT trên cả nước, vẫn còn thiếu định hướng nghề cho học sinh. Đối với học sinh trường chuyên được học môn chuyên sâu của mình. Nhưng khi ra trường không tiếp tục được thì là sự lãng phí với nguồn đầu tư của Nhà nước và cả tài năng của học sinh. Hiện chưa có những chương trình liên kết với trường đại hoc và các công ty để học sinh trường chuyên được trải nghiệm và sử dụng khả năng của mình. Để học sinh có thể phát huy được tài năng của mình thì cần có những đầu tư tương xứng về nguồn lực và chương trình học.

Và cuối cùng là đội ngũ giáo viên. Hiện tại, chưa có một đào tạo bài bản đối với giáo viên trường chuyên trong việc đào tạo nhóm học sinh tài năng này. Ở Việt Nam, chưa có một tài liệu chính thức nào quy định đầu vào của giáo viên trường chuyên. Theo Quyên, đây là một thiếu sót đối với giáo dục chuyên. Và em mong rằng trong tương lai việc này sẽ được khắc phục.

Đỗ Quyên cho biết, trả lời câu hỏi “Nếu được chọn lại, bạn có muốn học trường chuyên không”, những học sinh với ít nhất một năm đã trải nghiệm môi trường này cho những câu trả lời tích cực: 77% vẫn sẽ chọn trường chuyên là nơi học tập, và khoảng 10% cho biết không trở lại trường chuyên.
Theo Đời sống
Hòa nhạc giáo dục Classical Wonderland: Lan tỏa tình yêu nhạc cổ điển

Hòa nhạc giáo dục Classical Wonderland: Lan tỏa âm nhạc cổ điển tới cộng đồng

Hòa nhạc Giáo dục "Classical Wonderland" với sự tham gia của Dàn nhạc Giao Hưởng Việt Nam, nhạc trưởng Honna Tetsuji, nghệ sĩ piano Nguyễn Thái Hà, cùng những người chiến thắng từ VYMI EduConcert Piano Audition 2022 vừa diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Chương trình nằm trong Dự án mang Âm nhạc cổ điển đến với cộng đồng của thành phố Hà Nội.
Đại diện Quỹ Toyota Việt Nam và các đơn vị đồng hành bàn giao điểm trường Lũng Lậu

Quỹ Toyota Việt Nam hỗ trợ xây dựng điểm trường cho trẻ em vùng cao tỉnh Cao Bằng

Ngày 8/7, với mục tiêu đóng góp cho sự nghiệp giáo dục đào tạo và phát triển nguồn nhân lực tại Việt Nam và góp phần mang lại hạnh phúc cho mỗi cá nhân và toàn xã hội, Quỹ Toyota Việt Nam đã tiến hành bàn giao điểm trường Lũng Lâu, thuộc trường Tiểu học & Trung học cơ sở Vần Dính tại huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng.
back to top