Trường chuyên nhiều học trò nghèo
Từ đề xuất “bán” Trường Amsterdam của TS Nguyễn Đức Thành, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội) đã làm nảy lên cuộc tranh luận vậy trường chuyên (nói chung) có phải là mô hình người nghèo đóng thuế nuôi người giàu không? Học sinh trường chuyên có phải toàn con nhà khá giả?
Trao đổi với phóng viên KH&ĐS, thầy giáo Lê Thanh Bình, Tổ trưởng Tổ tin, Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi, Hải Dương cho biết, Trường chủ yếu là các học sinh có hoàn cảnh gia đình nghèo, khó khăn.
Và mỗi năm, nhà trường vẫn có những hình thức hỗ trợ cho khoảng 5% số học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nhưng học tốt, ví dụ như cấp học bổng, miễn tiền học ngoài giờ.
“Nếu nói rằng học sinh trường chuyên là con nhà khá giả thì với trường tôi là không chính xác. Hơn nữa, việc thi tuyển rất nghiêm túc, do Sở tổ chức thi. Mỗi năm Trường tuyển khoảng 400 học sinh/18.000 học sinh toàn tỉnh thì phải giỏi thực sự, chứ tiền làm sao mua được”, ông Bình nói.
Ông Bình chia sẻ, sắp tới sẽ tổ chức trại hè tin học ở Thái Nguyên, đội tuyển Tin học do ông phụ trách có 11 học sinh tham dự, nhưng có tới 6 học sinh phải mượn máy tính xách tay,.
Cho nên, giả sử nếu giao trường chuyên về cho tư nhân hóa trường chuyên thì chắc chắn các em nhà nghèo sẽ mất đi cơ hội học tập tốt, mất đi cơ hội tiếp nhận công nghệ cao, trình độ học vấn cao với giá rẻ. Bố mẹ các em sẽ không thể nào đủ sức chi trả để cho các em đi học trường tư được.
“Cho nên, đối với trường chuyên, tôi không ủng hộ việc tư nhân hóa. Mà vẫn phải do Nhà nước bỏ tiền ra đầu tư, để các em có năng khiếu có cơ hội được phát triển, có cơ hội trở thành những nguồn nhân lực chất lượng cao sau này cho đất nước”, ông Bình nói.
Cũng chia sẻ về những hoàn cảnh học sinh nghèo, cô giáo Thanh Bình, giáo viên Trường THPT chuyên Hùng Vương, Phú Thọ cho biết, học sinh trường chuyên Hùng Vương có nhiều em hoàn cảnh khó khăn. Ngay lớp cô Bình đang phụ trách, có học sinh bố mất từ lúc em học lớp 8, một mình mẹ em nuôi ba anh em ăn học chỉ với một cửa hàng nhỏ ở làng. Vậy mà em vẫn được giải quốc gia vượt cấp năm học vừa rồi.
Và thống kê qua nhiều năm cho thấy, các học sinh đạt giải quốc gia, quốc tế của Trường cũng đều xuất phát từ những học trò có hoàn cảnh khó khăn.
Một thầy giáo Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ, học sinh trong trường có những em hoàn cảnh rất khó khăn, nhất là những em đến từ các tỉnh miền núi. Thậm chí, có những em mà phụ huynh trong lớp đã phát động mua giúp hàng cho mẹ em, để mẹ em có tiền xuống Hà Nội họp phụ huynh. Và học sinh đó cũng học rất giỏi, đạt thành tích rất cao trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia.
“Vì thế, nói rằng trường chuyên là mô hình người nghèo đóng thuế nuôi người giàu tôi cho là không chính xác, ít nhất là với trường tôi và một số trường chuyên mà tôi biết”, vị giáo viên này nói.
Bình đẳng không có nghĩa là cào bằng
Trao đổi với phóng viên KH&ĐS, TS Đỗ Văn Quân, Viện Xã hội học chia sẻ, bình đẳng xã hội bình đẳng xã hội cần phải hiểu là bình đẳng về cơ hội phát triển, dựa trên những điều kiện, nhu cầu và khả năng thực tế của từng cá nhân, nhóm xã hội.
Còn hiểu bình đẳng mang tính chia đều cho mọi cá nhân, bất chấp những điều kiện nhu cầu, năng lực... tức là cào bẳng, thì là rơi vào xã hội không tưởng.
Phát triển giáo dục ngoài công lập để đáp ứng nhu cầu điều kiện năng lực... tiếp cận giáo dục của các nhóm xã hội trong điều kiện hiện nay là tất yếu. Song giáo dục nhất định không thể là quá trình tư nhân hóa.
Giáo dục, y tế vẫn phải là những dịch vụ xã hội đặc biệt, là những dịch vụ công cơ bản do Nhà nước chi trả, không đơn giản theo quy luật kinh tế thị trường hay lợi ích mà cần hướng đến những giá trị chung của xã hội như bình đẳng, công bằng, phát triển, hạnh phúc, niềm tin của xã hội...
Vai trò của trường chuyên là đào tạo mũi nhọn. Khó có cái gì đi tới được mục tiêu như mong đợi nếu cứ dàn hàng ngang mà đi, trong khi.nguồn lực, năng lực, nhu cầu... của các cá.nhân, nhóm xã hội là rất khác nhau. Tuy nhiên, xã hội, gia đình cũng đừng nghĩ phải vào bằng được trường chuyên là thành công. Có rất nhiều con đường khác nhau để thành công.
Liên quan tới việc có thể xã hội hóa trường chuyên hay không, mới đây, trả lời báo chí tại cuộc họp báo, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Giáo dục trung học cho biết, có hai đối tượng được nhà nước đầu tư, một là người yếu thế, hai là người có tài năng cần được bồi dưỡng (học sinh trường chuyên trong nhóm này). Quốc gia nào cũng hỗ trợ đối tượng này.
Từ quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước tại Thông báo kết luận số 242 của Bộ Chính trị, và hiện nay là Luật Giáo dục 2019 nêu rất rõ: Trường chuyên là những trường dành cho học sinh có kết quả học tập xuất sắc, từ đó sớm phát hiện và bồi dưỡng nhân tài từ bậc phổ thông.
“Có thể thấy vấn đề trường chuyên, về quan điểm, đã được thể chế hoá trong luật, do vậy “Không thể nào xã hội hoá trường chuyên”, ông Thành nói.