Học sinh các lớp cử nhân tài năng hầu như đều đến từ trường chuyên
Từng nhiều năm ở vị trí lãnh đạo phụ trách đào tạo của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội và phụ trách đội tuyển của Trường tham dự kỳ thi Olympic Toán học sinh viên và học sinh các trường Đại học và Cao đẳng toàn quốc, ông đánh giá như thế nào về vai trò của trường chuyên trong việc đào tạo đại học?
PGS.TS Nguyễn Cảnh Lương, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: KH&ĐS. |
Tôi cho rằng, trước khi đưa ra quan điểm có nên bỏ trường chuyên hay không, thì cần phải nói về đào tạo đại học, nguồn nhân lực thế nào.
Ví dụ, để thu hút đầu tư của nước ngoài bên cạnh thế mạnh của chúng ta là xã hội ổn định, thì cần hai yếu tố rất quan trọng, đó là hạ tầng và nguồn nhân lực chất lượng cao.
Trong đó, đặc biệt đối với các ngành trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ, nhất là công nghệ cao thì nguồn nhân lực chất lượng cao đóng vai trò then chốt. Thời kỳ mà chúng ta quảng bá Việt Nam nhân công giá rẻ qua lâu rồi. Bây giờ, người ta không cần giá rẻ mà cần chất lượng cao. Không có nguồn nhân lực chất lượng cao, không thể thu hút đầu tư được.
Chúng ta hãy thử nhìn sang các nước bên cạnh, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, là những nước rất phát triển và họ vẫn duy trì kỳ thi Đại học rất nặng. Đó là bởi họ muốn duy trì, đào tạo được một nguồn nhân lực chất lượng cao thông qua việc tuyển chọn từ những kỳ thi khắt khe này.
Trong điều kiện Việt Nam hiện nay, chúng ta không thể yêu cầu tất cả các trường Đại học đều đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, mà chắc chắn phải phân tầng. Và không chỉ phân tầng giữa các trường Đại học, mà trong trường Đại học thậm chí có sự phân tầng của các ngành. Trong đó, có những ngành phải đào tạo một số lượng cần thiết nhân lực chất lượng cao thực sự
Riêng đối với Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, những lớp cử nhân tài năng, lớp chất lượng cao hay dự án Việt Nhật chính là nơi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao này. Qua khảo sát nhiều năm, đại bộ phận là sinh viên ở các lớp này, tỷ lệ phải tới 80 - 90% là đến từ các trường chuyên.
Tức là, chất lượng đầu vào rất quan trọng, thưa ông?
Có một số quan điểm cho rằng, đầu vào chỉ là một phần, quan trọng là quá trình đào tạo. Nhưng, tôi thì cho rằng, giáo dục và đào tạo như xây một ngôi nhà. Trong đó, giáo dục phổ thông như cái móng, để đại học có thể xây tòa nhà bên trên. Muốn xây nhà vừa chắc, vừa đẹp và đáp ứng nhu cầu người sử dụng thì cái móng phải tốt. Đầu ra của phổ thông không tốt, thì đừng có mong đại học có thể đào tạo tốt được. Điều đó là phi thực tế.
Như vậy, quan điểm của ông như thế nào về sự tồn tại của trường chuyên?
Nếu trường chuyên chủ yếu nhằm đào tạo “gà nòi” đi thi đấu thì tôi nghĩ chưa đủ, dù việc đi thi đấu có giải cao mang vinh quang cho đất nước cũng có ý nghĩa lớn. Tôi cho rằng, nhiệm vụ chính của trường chuyên là đào tạo được một lớp học sinh phổ thông có tố chất, cung cấp kiến thức về mặt tư duy để khi bước vào những nơi đào tạo chất lượng cao của đại học thì đủ sức đáp ứng. Và khi tốt nghiệp trường đại học họ sẽ trở thành nguồn nhân lực cao của đất nước. Và như vậy thì trường chuyên cần tồn tại.
Muốn đất nước phát triển thì Nhà nước phải đầu tư
Nếu như vậy, theo ông trường chuyên có xứng đáng được Nhà nước đầu tư, hay nên giao cho tư nhân?
Tôi cho rằng, muốn đất nước phát triển thì không thể không đầu tư. Nếu nhìn giáo dục mà chỉ xem người ta đưa lại ngay ích lợi gì thì quá ngắn hạn. Mà phải nhìn dài xem tương lai người ta đóng góp thế nào. Và sự đóng góp của một người kỹ sư giỏi khi ra trường có khi bằng rất nhiều lần một người làng nhàng.
Cho nên, Nhà nước vẫn cần đầu tư cho trường chuyên, cho các lớp cử nhân tài năng.
Liệu có là sự mất công bằng hay không với những học sinh không học chuyên, thưa ông?
Bình đẳng không có nghĩa là cào bằng, mà cho tất cả các em cơ hội. Nhưng em nào có năng lực thì Nhà nước phải bỏ tiền ra đầu tư. Tôi không ủng hộ việc tư nhân hóa trường chuyên. Đó vẫn phải là đầu tư công, để các em học sinh nghèo có khả năng, có tố chất tốt cũng có cơ hội học tập.
Nhưng không phải tất cả các em học chuyên ra đều có thể trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao. Như vậy, có phải là lãng phí không, thưa ông?
Chúng ta không thể nào đặt ra 100 em học chuyên ra phải đạt chất lượng cả 100 nhưng nếu đạt được 60 - 70% và con số này vào trường đào tạo để trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao thì theo tôi đã là quá tốt rồi và nên có thống kê về việc này.
Vừa rồi tôi biết có sinh viên vừa ra trường, có công ty xin tuyển ngay với mức lương rất rất cao, nhưng lập tức lại có công ty trả mức lương cao hơn. Thực tế có dự án nước ngoài nhờ tôi tìm một người quản lý dự án, lương 6.000USD, mà tìm cũng rất khó khăn. Điều đó cho thấy sự cạnh tranh nguồn nhân lực cao là rất khốc liệt. Các trường Đại học cần phải được giao đào tạo những ngành mũi nhọn của trường để có được nguồn nhân lực này. Và đương nhiên, đầu vào từ phổ thông phải cực tốt.
Vậy giả sử thay vì đầu tư cho chuyên, có thể nâng chất lượng giáo dục đại trà lên không, thưa ông?
Nếu nâng được giáo dục đại trà thì quá tốt. Nhưng hiện tại, với nguồn lực như hiện nay, nâng tất cả sẽ quá sức, không làm nổi. Ở nhiều nước theo tôi biết, họ cũng vẫn có những đầu tư cho các trường giống như trường chuyên của ta. Trường Amsterdam nói riêng và hệ thống trường chuyên nói chung, đều có những bất cập, mặt trái. Nhưng cần sửa chữa, thay đổi để cho tốt lên. Chứ không phải là xóa bỏ, giải tán.
Trân trọng cảm ơn ông!
"Ví dụ, mỗi năm Trường Đại học Bách khoa Hà Nội tuyển sinh khoảng 6.000 sinh viên thì không thể nào đào tạo được cả 6.000 sinh viên đều là nhân lực chất lượng cao như các lớp kỹ sư tài năng hay chất lương cao. Đó là điều phi thực tế. Nên phải có những chương trình mũi nhọn. Mỗi trường đều phải phát triển một số ngành mũi nhọn nào đấy. Và khi xác định được mũi nhọn, thì lại đòi hỏi phải có nguồn nhân lực đầu vào như thế nào mới đào tạo được. Cho nên, vẫn rất cần có trường chuyên", PGS.TS Nguyễn Cảnh Lương.