LTS: Mô hình trường chuyên có phải là lấy của người nghèo nuôi người giàu? Trường chuyên có cần không? Có nên tư nhân hóa trường chuyên… là những vấn đề đang nhận được sự quan tâm lớn từ dư luận. KH&ĐS khởi đăng loạt bài "Trường chuyên", nhằm đem đến cho độc giả cái nhìn đa chiều.
Bán trường chuyên con nhà nghèo khó tiếp cận
Mới đây, TS Nguyễn Đức Thành, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nộị đã đưa ra quan điểm giải tán trường THPT chuyên Amsterdam (Hà Nội) hoặc biến nó thành một trường tư thông qua bán đấu giá. Một trong những lý do được đưa ra là mô hình trường chuyên Amsterdam là mô hình lấy của người nghèo chia cho người giàu, chủ động tái tạo và mở rộng bất công xã hội.
Quan điểm này ngay lập tức nhận được sự quan tâm lớn từ dư luận, không chỉ đối với trường chuyên Amsterdam mà còn đối với hệ thống trường chuyên nói chung.
TS Nguyễn Sĩ Dũng, chuyên gia chính sách công, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. |
Trao đổi với phóng viên KH&ĐS về vấn đề này, TS Nguyễn Sĩ Dũng, chuyên gia chính sách công, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, công bằng xã hội là một mục đích cao đẹp mà chúng ta cần hướng tới.
Tuy nhiên, giả định cho rằng trường chuyên Amsterdam là mô hình lấy của người nghèo chia cho người giàu là một nhận xét quá giản lược và rất rủi ro. Thực tế, có những người đóng thuế thu nhập cá nhân lên đến hàng tỷ đồng, nhưng cũng có những người không phải đóng một đồng nào cả. Chính vì vậy, nói người nghèo đóng thuế để người giàu được cho con đi học ở trường chuyên là cách nói chưa chắc đã công bằng.
Vấn đề ở đây, để con của người giàu, cũng như con của người nghèo có được cơ hội như nhau thì phải có một quy trình thi tuyển khách quan trung thực và một hệ thống hỗ trợ tài chính cần thiết cho học sinh nghèo.
“Tôi cho rằng, nếu bán trường chuyên cho tư nhân thì sự bất bình đẳng xã hội sẽ xảy ra nghiêm trọng. Đơn giản là vì học phí sẽ còn tăng lên cao hơn rất nhiều lần và con em người nghèo chỉ càng khó tiếp cận hơn.
Tôi ủng hộ việc thành lập trường tư chất lượng cao để thu hút con em người giàu nhường chỗ ở trường công cho con em người nghèo, nhưng phản đối việc bán lại các trường chuyên cho tư nhân. Giáo dục và y tế vẫn phải là những dịch vụ công cơ bản do Nhà nước đảm nhận. Điều này rất quan trọng để quảng đại quần chúng có thể tiếp cận được các dịch vụ thiết yếu này. Trường tư, bệnh viện tư nên được thành lập để hướng tới phân khúc thị trường cao hơn”, ông Dũng nói.
Thang đo sai, lập luận sai
Trao đổi với phóng viên KH&ĐS, ông Nguyễn Đình Nam, cựu học sinh Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, Tổng Giám đốc Công ty CP VP9 cho biết, nói trường chuyên Amsterdam là mô hình người nghèo nuôi người giàu là sai sự thật.
Ông Nguyễn Đình Nam, cựu học sinh Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên (ĐH KHTN, Đại học Quốc gia Hà Nội). |
Thực tế, thuế thu nhập ở Việt Nam là mô hình lũy tiến, người nghèo hoàn toàn không phải đóng thuế thu nhập cá nhân, người nghèo có đóng thuế VAT nhưng cũng chiếm tỷ lệ rất nhỏ.
Tất nhiên, các gia đình giàu có đầu tư cho con học chất lượng cao từ bé nên sẽ đỗ vào trường chuyên nhiều, nhưng trường chuyên đại đa số tuyển chọn học sinh qua cuộc thi công bằng, nên có rất nhiều bạn nghèo học chuyên. Để sửa lại phát biểu sai về trường chuyên: "người nghèo nuôi người giàu", chúng ta có thể nói: "mọi người đóng thuế nuôi người học giỏi".
Và việc lấy số tiền ngân sách trên đầu học sinh ở trường chuyên Amsterdam ra so với trung bình toàn quốc để nói là trường chuyên tốn kém là sai.
“Đây là phương pháp lừa dối thứ 3, ghê gớm hơn cách lừa dối thông thường, theo châm biếm của Mark Twain "Lies, damned lies, and statistics". Bởi một người lao công dọn vệ sinh cho trường học ở Hà Nội lương sẽ gấp vài lần so với lương người lao công ở 1 tỉnh trung bình của Việt Nam, một mét vuông lớp học ở Hà Nội sẽ đắt hơn nhiều lần 1 mét vuông lớp học ở 1 tỉnh trung bình. Rõ ràng chi phí trên đầu người không phải là thước đo để có thể so sánh giữa các trường.
Tôi đề xuất thước đo tương đối hợp lý để so sánh hiệu quả đầu tư công giữa các trường là ngân sách trên đầu học sinh chia cho tiền thuế thu nhập cá nhân trung bình vào 1 lứa tuổi cố định trong tương lai, ví dụ 30 - 40 tuổi. Nếu giả định đo đạc nghiêm túc theo cách đó mà thấy trường chuyên hiệu quả kém hơn trường thường thì tôi sẽ là người to tiếng đòi dẹp bỏ trường chuyên, nhưng thực tế tôi tin rằng nếu đo theo cách đó, trường chuyên sẽ hiệu quả gấp vài lần trường thường”, ông Nam nói.
Trường chuyên cần tồn tại
Theo ông Nguyễn Đình Nam, trường chuyên cần tồn tại. Bởi cá thể hóa giáo dục là nhu cầu, mong ước của loài người có từ rất lâu. Theo đó, mỗi người sẽ cần một nhu cầu giáo dục khác nhau, và nhu cầu được giáo dục của người học giỏi cao hơn nhu cầu của người học lực bình thường.
Trường chuyên là mô hình gom những người học giỏi một chỗ để tạo thành cộng đồng để có chế độ giáo dục phù hợp. Triết lý đầu tư cho giáo dục công trên toàn thế giới là người học có nhu cầu học nhiều là điều tốt cho xã hội, nên cần phải đầu tư để họ được học. Bố mẹ nào cũng muốn con được học cùng bạn bè học giỏi nhất có thể. Và câu trả lời cho nhóm học giỏi nhất chính là trường chuyên.
Khi vào học trường chuyên, bản thân ông thấy điều giá trị nhất là được học cùng với những người giỏi. Điều đó, tạo nên sự cạnh tranh kết quả học tập, là động lực chính để từng học sinh phát triển. Mà nếu ở trường thường, khi bạn đã là người giỏi nhất, bạn sẽ không còn có được điều đó.
Và dù chưa có thống kê cụ thể thì thực tế có thể nhìn thấy ở các lĩnh vực, những người có nhiều đóng góp cho xã hội đa số từ các trường chuyên ra.
“Cho nên giả sử nếu ai đó cho rằng mô hình trường chuyên, lớp chọn như Ams hiện đã hết vai trò lịch sử của nó, cần xóa bỏ, thay đổi thì cần phải chứng minh bằng các lập luận trung thực và thuyết phục rằng vì sao lại cần phải thay đổi. Tức là trách nhiệm chứng minh ở đây phải thuộc về người muốn thay đổi, chứ không phải chỉ là nghi ngờ, đặt câu hỏi, và buộc cái đang tồn tại phải chứng minh.
Theo ông Nam, hiện nay vấn đề của trường chuyên nói riêng và của nền giáo dục nói chung hiện tại là thiếu một thang đo chuẩn kiểu như GMAT của Mỹ, thậm chí có thể làm tốt hơn nếu áp dụng các công nghệ tiên tiến vào việc khảo thí. Nguồn gốc của việc tranh cãi bắt đầu từ những học bạ toàn điểm 10, thì chúng ta cần lập tức ngồi lại xây dựng thước đo tốt hơn, chứ không phải kêu gọi xóa bỏ những trường bị những học bạ toàn 10 bao vây.
“Tôi thấy nhiều người cổ súy xóa bỏ trường chuyên đang sử dụng hàng loạt các lập luận sai. Nhiều thầy cô giáo chia sẻ với tôi, họ nghi ngại có thể có nhóm lợi ích đang vận động để thâu tóm các trường chuyên nên mới đưa ra các lập luận sai trái như vậy”, ông Nam chia sẻ.
TS Nguyễn Đức Thành là học sinh lớp Vật lý 1 trường Hà Nội - Amsterdam khóa 1992 - 1995. Trên trang cá nhân của mình, TS Nguyễn Đức Thành cho rằng cần giải tán ngôi trường này hoặc biến nó thành trường tư thông qua bán đấu giá vì những lý do giả định sau:
Do mô hình trường Amsterdam đã "lấy của người nghèo chia cho người giàu". Cụ thể, bố mẹ các bạn nghèo và được giả định là học kém đóng thuế để cho bố mẹ các bạn giàu có hơn, được cho là học giỏi hơn vào trường học. Điều này mở rộng sự bất công xã hội.
Do mô hình trường Amsterdam khiến nhiều phụ huynh "sẵn sàng đút lót chạy bảng điểm đẹp, chạy đủ thứ giải thưởng để cho con vào trường".
Do mục đích của trường chuyên lớp chọn như trường Amsterdam đã hết vai trò lịch sử của nó. Những người học trường chuyên được kỳ vọng sẽ phục vụ tốt cho đất nước vì có khả năng thật. Tuy nhiên, điều này giờ đã lỗi thời.