Trường chuyên: “Tây” và “Ta” khác biệt thế nào?

(khoahocdoisong.vn) - Từ tuyển chọn tới quá trình đào tạo, hệ thống “trường chuyên” ở Việt Nam có sự khác biệt với các nước phương Tây. "Tây" coi trọng “tiềm năng” hơn “giỏi” do lò luyện; sự tự học, thực hành hơn là lý thuyết.

Ở phương Tây, cũng có hệ thống các trường nổi tiếng thế giới, nơi tập hợp những học sinh ưu tú, trong bài viết này sẽ tạm gọi là giáo dục tinh anh.

Sau những năm tháng có cơ hội trải qua các nền giáo dục khác nhau, các kiểu giáo dục khác nhau, có lúc là đi học, có lúc được mời trình bày các vấn đề, có lúc trợ giảng… tôi nhận thấy, nền giáo dục tinh anh ở phương Tây có những điểm khác biệt đối với hệ thống trường chuyên ở Việt Nam.

Tuyển chọn: Coi trọng “tiềm năng” hơn “giỏi” sẵn

Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn còn ám ảnh bởi kỳ thi vào trường chuyên cấp 3, đôi khi vẫn nằm mơ về nó.

Nhớ nhất là những hôm đi học luyện thi chuyên Toán sư phạm và những hôm đi học thêm môn Văn ở trường chuyên Ngữ. Học trò từ mọi nơi đổ về, ngồi chật kín các giảng đường (mượn giảng đường của ĐHSP – khoảng 1- 200 chỗ ngồi).

Trời nóng như đổ lửa, học trò thì đang tuổi lớn, mồ hôi mồ kê nhễ nhại, phòng học lúc nào cũng có một mùi rất đặc trưng, hơi giống mùi mấy phòng tập gym.

Năm đó, tỷ lệ "chọi’’ của chuyên Sư phạm là 1/30. Có hơn 3.000 học trò thi vào, chỉ lấy hơn 100. Cho đến nay, dù trải qua rất nhiều các cuộc thi khác có quy mô lớn hơn nhiều nhưng cá nhân tôi thấy thi trường chuyên là khó nhất.

Tất nhiên trên thế giới, học sinh nào cũng luyện thi, ôn thi. Thế nhưng, người ta luyện thi dựa trên tự học, tự nghiên cứu, tự tích lũy là chính.

Có những trường nổi tiếng trên thế giới nhưng không đặt ra các chuẩn mực quá cứng nhắc. Người xét tuyển cho phép các ứng viên được sử dụng "thế mạnh’’ của mình để khỏa lấp cho các "thế yếu’’ và hơn hết, họ đòi hỏi các ứng viên thể hiện động lực khá cụ thể.

Nghe có vẻ mơ hồ, tuy nhiên đó là cách mà một nền giáo dục trao quyền cho học sinh, khuyến khích tự học, tự phát triển, tự tiến bộ và tích lũy cho bản thân, vượt ra ngoài các giới hạn thông thường của nhà trường.

Do đó ta không tìm được các lò luyện thi. Nói cách khác, xét tuyển tinh anh không chú trọng vào việc ứng viên có thực sự ‘’giỏi’’ hay chưa (vì “giỏi” rồi thì đi học làm gì nữa), mà người ta tập trung vào việc ứng viên đó có ‘’tiềm năng’’ đến đâu.

Có nhiều thiếu niên đã đậu vào trường Y vì chơi nhạc xuất sắc cho ban nhạc nhà thờ hoặc đã có trải nghiệm thực tế ở châu Phi hoặc tham gia hoạt động xuất bản từ trước khi vào trường Kiến trúc.

Nó giống như khi ta đứng giữa một ứng viên với phẩm chất kĩ thuật tuyệt vời nhưng thiếu tốc độ và một ứng viên khác có tốc độ nhưng chẳng biết gì về kĩ thuật.

Về biểu hiện bên ngoài, ứng viên thứ nhất được khán giả nhìn nhận là ‘’xuất sắc’’ hơn, nhưng phần lớn các huấn luyện viên đều chọn ứng viên số hai bởi một lí do rất đơn giản: “Ngoài tốc độ trời phú ra thì mọi thứ đều có thể dạy được”.

Triết lý đó thực ra rất nhân văn, nó công bằng vì tập trung vào tố chất và sự khác biệt của mỗi ứng viên.

Ở Việt Nam, ứng viên thứ hai thường bị loại ngay bởi vì người làm giáo dục quan tâm đến một "chuẩn" yêu cầu về kĩ thuật cao hơn tố chất, cảm xúc cá nhân.

Đó là lí do vì sao chúng ta học luyện thi rất "ác liệt" với lượng kiến thức thường vượt quá khả năng tương ứng của học sinh. Và nhiều khi là đặt ra những ưu ái cho học sinh có điều kiện hơn những em khác - ở một độ tuổi còn quá sớm để đánh giá rằng ai đó “giỏi” hay “kém”.

Đặc biệt, giáo dục tinh anh của phương Tây thì đòi hỏi ứng viên phải thể hiện mình và có kĩ năng thuyết phục người khác.

Trong một lần phỏng vấn, sau khi đã bàn xong các vấn đề chuyên môn và thành tích thì thầy giáo hỏi tôi là hãy nói một lí do để được lựa chọn. Tôi nói, tôi sẽ mang kí ức của một người Hà Nội từng sống trong hệ thống đô thị mật độ cao nhất thế giới đến với trường này. Và tin chắc rằng không có bất kì sinh viên phương Tây nào sở hữu, dù họ có thiết kế thành tích cao hơn hoặc tương đương mình.

Khi trao đổi như vậy xong thì ông thầy gần như xác nhận là tôi đã trúng tuyển, dù lúc đó tôi còn chưa nộp điểm GRE. Đó là một trong những kì tuyển chọn có tiếng là khó nhất thế giới, nhưng tôi thấy ''dễ'' hơn thi trường chuyên VN vì nó coi trọng sự khác biệt ở học sinh.

Thí sinh dự thi vào trường THPT chuyên Amsterdam, Hà Nội trong kỳ thi vào lớp 10. Ảnh: Mai Loan

Thí sinh dự thi vào trường THPT chuyên Amsterdam, Hà Nội trong kỳ thi vào lớp 10. Ảnh: Mai Loan

Quá trình: Coi trọng sự tự học, thực hành
Phải đến khi ở trong môi trường giáo dục tinh anh của phương Tây thì người ta mới nhận ra rằng giáo dục kiểu đó rất khác biệt với “trường chuyên’’ ở VN.

Có nhiều học sinh VN tốt nghiệp từ các trường cấp 3 chuyên hoặc ĐH sáng giá thì bị lầm tưởng ở cái “mác’’ mà họ có. Đó là một nhận thức sai lầm, bởi vì điều chủ yếu mà học sinh, sinh viên của VN được dạy trong các trường học ở VN chỉ đơn thuần là “nghiệp vụ’’.

Thế nên, thực tế tôi gặp, có sinh viên Việt Nam ra trường tuyên bố lương dưới 2 ngàn đô Mỹ thì sẽ không làm. Nhưng khi được hỏi tại sao lại là 2 ngàn mà không phải 4-5 ngàn thì “nghệt” ra. Triết lý giáo dục chỉ coi trọng hình thức mà thiếu thực tiễn đã tạo ra những sản phẩm như vậy.

Trong khi đó, điều cốt lõi của hệ thống giáo dục phương Tây, là một mạng lưới này mở ra các cơ hội, thúc đẩy học sinh, sinh viên tiến gần đến thực tiễn hơn trong quá trình học tập.

Đặc biệt, họ có rất nhiều thầy giáo giỏi giảng dạy, tuy nhiên rất ít khi xuất hiện ở trường.

Đa phần học sinh, sinh viên tự đọc, tự nghiên cứu, tự học lẫn nhau, tự tổ chức các công việc với nhau. Thời gian tự làm việc của học sinh, sinh viên thường lấn át và chiếm đến hơn 80% thời gian “học’’.

Bởi vì mỗi người có thế mạnh, cách tiếp cận riêng, dẫn đến việc "rao giảng kiến thức’’ của thầy giáo trở nên không phù hợp với số đông, thay vào đó người thầy thường hướng dẫn học sinh, sinh viên thảo luận và đặt vấn đề cho riêng mình.

Các thư viện phần lớn đều phải mở 24/24, các xưởng thiết kế (nơi các học sinh, sinh viên có thể thực hành) thì đương nhiên mở suốt ngày đêm.

''Điểm số" không phải là thứ mà nền giáo dục thức sự hướng đến, hơn thế, nó đòi hỏi người học phải tạo ra thúc đẩy cho xã hội.

Giáo dục tinh anh và ưu việt sẽ không dán nhãn mác lên trán học sinh như một huy chương, thay vào đó, nó rèn luyện một thái độ làm việc can đảm, nhẫn nại và nó luôn hồ nghi về sự ''xuất chúng'' của người học.

Từ những phân tích về sự khác biệt trên, có thể nói rằng, giáo dục tinh anh thật ra rất đơn giản, không nhất thiết cứ phải là trường chuyên, lớp chọn.

Đối với xã hội, chỉ cần người làm giáo dục (bao gồm cả gia đình) đặt học trò vào vị trí trung tâm, tạo ra các cơ hội, thúc đẩy và đồng hành cùng học trò dựa trên thế mạnh và sự khác biệt.

Còn đối với người học, nó chỉ đơn giản là tạo cho người ta nhu cầu tự học, tự làm việc, càng độc lập càng tốt.

Giáo dục tinh anh thì không đòi hỏi nhất thiết trường phải giàu "nứt đố đổ vách" như Harvard, MIT hay ETHZ ... bởi vì khi đi sâu vào bản chất thì nó là một hệ thống đề cao sự công bằng.

Nó nỗ lực trao quyền về tiếp cận giáo dục cho mọi đối tượng. Trở nên giàu có chỉ là phản ứng phụ của các cơ sở giáo dục khi họ theo đuổi triết lý đó một cách bền bỉ.

Trên cái nền tảng này thì có thể nói rằng ở VN chưa có nhiều môi trường như vậy và thiết nghĩ ta cũng nên học tập đôi điều về nền giáo dục ấy. Trường học chỉ đào tạo Nghiệp vụ, còn Giá trị của con người thì chỉ có tự thân người đó quyết định được mà thôi.

Bài viết này không hề có ý công kích các chương trình học chuyên, bởi vì nó là lựa chọn của người học và cần được tôn trọng (và thực tế đã xảy ra với cá nhân người viết bài). Tuy nhiên, một nền giáo dục ưu việt cần đề cao công bằng và khuyến khích con người phát triển toàn diện dựa trên năng lực của người đó và ảnh hưởng của sự giáo dục phải là lâu dài, chứ không chỉ giới hạn trong những năm tháng ngồi trên ghế nhà trường. Thiết nghĩ, cần có sự điều chỉnh.

Kiến trúc sư Lê Quang, cựu học sinh Trường THPT chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội.

Theo Đời sống
Hòa nhạc giáo dục Classical Wonderland: Lan tỏa tình yêu nhạc cổ điển

Hòa nhạc giáo dục Classical Wonderland: Lan tỏa âm nhạc cổ điển tới cộng đồng

Hòa nhạc Giáo dục "Classical Wonderland" với sự tham gia của Dàn nhạc Giao Hưởng Việt Nam, nhạc trưởng Honna Tetsuji, nghệ sĩ piano Nguyễn Thái Hà, cùng những người chiến thắng từ VYMI EduConcert Piano Audition 2022 vừa diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Chương trình nằm trong Dự án mang Âm nhạc cổ điển đến với cộng đồng của thành phố Hà Nội.
Đại diện Quỹ Toyota Việt Nam và các đơn vị đồng hành bàn giao điểm trường Lũng Lậu

Quỹ Toyota Việt Nam hỗ trợ xây dựng điểm trường cho trẻ em vùng cao tỉnh Cao Bằng

Ngày 8/7, với mục tiêu đóng góp cho sự nghiệp giáo dục đào tạo và phát triển nguồn nhân lực tại Việt Nam và góp phần mang lại hạnh phúc cho mỗi cá nhân và toàn xã hội, Quỹ Toyota Việt Nam đã tiến hành bàn giao điểm trường Lũng Lâu, thuộc trường Tiểu học & Trung học cơ sở Vần Dính tại huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng.
back to top