“Trường chuyên hiện tại giống như cây bonsai”
Chia sẻ quan điểm về những tranh cãi trái chiều xung quanh việc có nên tổn tại trường chuyên hay không, PGS.TS. NGND Nguyễn Vũ Lương, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên (Trường ĐHKH Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội) nói, trường chuyên là một trong những chính sách được xem như thành công xuất sắc của Việt Nam từ thời cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng.
Hệ thống trường chuyên của Việt Nam cũng giống như rất nhiều nơi trên thế giới, là nơi để đào tạo nguồn tài năng thực sự cho đất nước.
PGS.TS Nguyễn Vũ Lương chia sẻ: “Tôi biết có một số ý kiến luôn đặt trường chuyên trong sự mâu thuẫn với trường phổ thông, cho rằng trường chuyên là không cần thiết vì nó tạo sự không công bằng. Lại có ý kiến cho rằng, rất nhiều người giỏi, vẫn là các nhà lãnh đạo, giáo sư nhưng cũng không cần học trường chuyên.
Nhưng tôi có thể trả lời thẳng thắn rằng, sau bao nhiêu năm, có thống kê hết rồi, những người vinh quang nhất thì đa số đều xuất phát từ trường chuyên mà ra.
Còn về sự công bằng, theo quan điểm của tôi, trường chuyên không cần có sự ưu tiên nào. Học sinh trường chuyên vẫn phải chịu tất cả công việc, nghĩa vụ của học sinh. Như vậy mới đúng”.
Em Nguyễn Quang Bin, học sinh lớp 12, Trường Trung học phổ thông chuyên Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội đạt Huy chương Vàng Olympic Toán quốc tế (IMO) 2018. Ảnh: VNU. |
PGS.TS Nguyễn Vũ Lương khẳng định: “Chúng ta không nên tranh cãi về một chủ trương đúng của Chính phủ. Hiện nay, trên thế giới người ta cũng đang mở trường chuyên. Nhật vừa rồi, Nhà nước đầu tư mở 200 trường chuyên. Hàn Quốc cũng có trường chuyên.
Mà kể cả những học sinh không học trường chuyên như Hàn Quốc hay Singapore, cũng học rất nhiều. Thử hỏi trên thế giới, có nơi nào không lao động, không học tập chăm chỉ mà lại thành công, thành tài hay không?”.
Tuy nhiên, khi đánh giá về chất lượng của trường chuyên hiện nay, PGS.TS Nguyễn Vũ Lương chia sẻ: “Nếu hỏi rằng hiện nay các trường chuyên đã tốt chưa, thì phải thừa nhận rằng, các trường chuyên hiện nay chưa tốt.
Tôi cũng không bênh gì về trường chuyên. Ví dụ, chương trình chưa tốt. Giáo viên trường chuyên cũng chưa thực sự giỏi, nhất là ở các tỉnh vùng xa. Chưa kể, trường chuyên nhiều khi là nơi “gửi gắm” con em các lãnh đạo”.
Đặc biệt, từ phía chính sách, PGS.TS Nguyễn Vũ Lương cho rằng: “Trường chuyên hiện giờ giống như là cây bonsai, không được chăm sóc để phát triển”.
“Muốn quan tâm tới trường chuyên, sẽ phải xác định nền giáo dục VN đang ở vị trí nào so với thế giới. Hiện nay thế giới đi rất xa rồi, trong khi chương trình mình không cải tiến. Mình lùi khoảng 50 năm so với chương trình.
Điều mà trường chuyên cần hiện nay là những người làm giáo dục tâm huyết, có thể chăm sóc tài năng của đất nước”, PGS.TS Nguyễn Vũ Lương nhấn mạnh.
"Cũng không nên đặt vấn đề có nên bỏ tham gia những cuộc thi học sinh giỏi quốc tế hay không. Môn Toán theo tôi biết, hiện có 96 nước tham gia. Môn Lý, Hóa, Sinh, tôi nhớ không nhầm cũng hơn 70 nước tham gia. Vậy làm sao ta lại bỏ?", PGS.TS Nguyễn Vũ Lương.
Hạt giống tốt cần mảnh đất tốt
Là một người trưởng thành từ lớp chuyên Toán, ĐH Tổng hợp (nay là ĐHKH Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội), và học chuyên từ cấp 1, PGS.TSKH Vũ Hoàng Linh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên chia sẻ, ở bất kỳ một quốc gia, bất kỳ thời điểm nào, việc phát hiện, đào tạo và bồi dưỡng nhân tài luôn là cần thiết.
Với những người tạm gọi là có năng khiếu ở bậc phổ thông, bao giờ cũng sẽ cần một chương trình đào tạo riêng. Chính vì thế, không chỉ ở VN mà ở nhiều nước trên thế giới, các nước XHCN trước đây và cả các nước phương Tây hiện nay như Hoa Kỳ, Pháp, Đức đều có những chương trình, lớp đặc biệt cho các học sinh có năng khiếu.
Thực tế cho thấy, tất cả các học sinh thi quốc tế và phần lớn các nhà khoa học ở các nước XHCN trước đây đều xuất phát từ các trường chuyên.
“Trong một môi trường riêng biệt, với chương trình đào tạo phù hợp, có giảng viên giỏi và có phương pháp sư phạm tốt, những học sinh có năng khiếu sẽ phát huy được tối đa tài năng của mình.
Ví dụ, trong lĩnh vực Toán học, nhà toán học tài năng, hàng đầu thế giới hiện nay Terence Tao đã được phát hiện, bồi dưỡng Toán từ rất sớm, đi thi toán quốc tế từ năm 11- 12 tuổi. Rõ ràng, nếu không có môi trường, chế độ, phương pháp đào tạo riêng, Terence Tao không thể phát triển được tài năng nhanh, sớm và bền vững như vậy.
Ngay cả ở VN, những nhân tài đều bộc lộ khả năng của mình từ rất sớm. Nếu như bắt những tài năng như vậy họ phải học một chương trình đào tạo chung, học trong môi trường đại trà họ sẽ không thể phát huy được tối đa tài năng và phát triển đúng năng lực của mình”, PGS.TSKH Vũ Hoàng Linh nói.
Vai trò của các lớp đặc biệt dành cho học sinh có năng khiếu, theo PGS.TSKH Vũ Hoàng Linh là rất lớn trong việc tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.
Ví dụ, nếu chúng ta đào tạo được một người xuất sắc trong lĩnh vực KHCN, thì sau này họ sẽ là “đầu tàu”, kéo theo rất nhiều người khác. Và những “đầu tàu” này cũng sẽ có tầm ảnh hưởng lớn, tạo thành một nhóm làm việc hay trường phái riêng
“Tôi cho rằng, vẫn luôn cần có trường chuyên”, PGS.TSKH Vũ Hoàng Linh nhấn mạnh. Tuy nhiên, trong vòng 20 năm trở lại đây, việc thực hiện các lớp chuyên chưa chuẩn chỉnh, hai chữ trường chuyên nhiều khi bị “bóp méo”.
“Từ cấp quản lý, thầy cô giáo, rồi phụ huynh và xã hội nên có sự thay đổi về quan điểm và nhận thức. Làm sao để việc đào tạo hoàn toàn dựa chính trên yếu tố chuyên môn và mục tiêu hàng đầu là bồi dưỡng, đào tạo được học sinh có năng khiếu và đam mê”, PGS.TSKH Vũ Hoàng Linh nói.
Cụ thể, theo PGS.TSKH Vũ Hoàng Linh, ngay từ khâu tuyển chọn, cần có những bài test kiểm tra năng lực và kiến thức của học sinh.
Để tránh việc học sinh học tủ từ việc đi học luyện thi, bộ phận khảo thí cần có sự chú ý, đảm bảo đề thi về mặt chuyên môn. Bản thân đội ngũ các thầy cô ra đề công tâm, đặt nhiệm vụ tuyển chọn học sinh có năng lực lên hàng đầu.
Đối với mục tiêu đào tạo, vẫn đảm bảo cả hai mục tiêu: Một là đào tạo những em có năng lực vượt trội, để trở thành những “đầu tàu”, các nhà khoa học hàng đầu sau này. Số các em còn lại, vẫn sẽ có đóng góp tốt cho xã hội khi có năng khiếu, lại được bồi dưỡng, chăm sóc phù hợp.
Phần đông các em sẽ không nhất thiết phải tiếp tục học đúng những ngành nghề tương ứng với môn chuyên ở phổ thông. Ví dụ, một người có tư duy khoa học tự nhiên tốt hoàn toàn có thể trở thành một chuyên gia kinh tế hay một nhà quản lý hoạch định chính sách tốt.
Đối với xã hội, các bậc phụ huynh cần thay đổi nhận thức, không nên cố cho con vào trường chuyên, lớp chọn nếu bản thân các em không thích, không sẵn sàng hoặc không thực sự có năng khiếu.
Về mặt thời điểm bắt đầu, PGS.TSKH Vũ Hoàng Linh cho rằng, chúng ta nên có trường chuyên từ bậc THCS. Giống như nhiều nước, việc định hướng học tập được bắt đầu từ giai đoạn đầu bậc trung học (tương đương với THCS ở VN).
“Tất nhiên, không phải chỉ trường chuyên mới là tốt, nhưng tựa như một hạt giống tốt, nếu được gieo vào mảnh đất tốt, thì chắc chắn sẽ phát triển tốt hơn”, PGS.TSKH. Vũ Hoàng Linh chia sẻ.
"Ở các nước phát triển, họ không quá coi trọng các giải thưởng học sinh giỏi. Con đường sự nghiệp, dù đi theo khoa học hay các ngành nghề khác thì đó là một quá trình dài hạn. Nói chung đến giai đoạn khoảng 35 – 40 tuổi, thì chúng ta mới mới có thể tạm đánh giá người đó là có thành công trong sự nghiệp (chuyên môn) hay không.
Kể cả các huy chương quốc tế cũng chỉ là một khởi đầu tốt, một sự khích lệ đối với học sinh giỏi. Ở nước ngoài, báo chí và dư luận xã hội cũng ít tung hô về việc này và không đặt quá nhiều kì vọng lên các học sinh như ở VN.
Và như vậy, những người được giải cũng ít bị áp lực hơn trong quá trình học tập, làm việc sau này, giúp họ phát huy tối đa năng khiếu sẵn có và sử dụng hiệu quả kiến thức tích lũy trong quá trình học tập", PGS.TSKH Vũ Hoàng Linh.