Tập võ hết bệnh tật
Có cơ duyên nên hết liệt
Như chiếc đồng hồ báo thức, sáng nào ông Thành cũng có mặt tại vườn hoa Lý Thái Tổ (Hà Nội) vào 5 giờ 30. Từ nhà ông ra vườn hoa Lý Thái Tổ chẳng bao xa nên ông cứ nói đùa “đi xe căng hải” tức đi bộ. Là thợ nề, lao động chân tay từ bé nên trông ông, người ta chỉ thấy gân cốt.
Chân tay ông chắc như cột đình. Nhìn dáng đi thoăn thoắt, không ai nghĩ ông đã từng bị tai biến, phải nằm liệt giường nhiều tháng. Ra vườn hoa đi vài thế võ, các cụ đi tập thể dục trêu ông là Tôn Ngộ Không.
Ông Nguyễn Việt Hùng, chủ môn phái Võ thuật Phương Đông, thầy dậy của ông cho biết: “Tôi dạy võ ở sân này từ năm 1985 đến giờ, có biết bao nhiêu thế hệ học trò nhưng bác Thành đây là học trò lớn tuổi nhất. Cách đây mấy năm, bác Thành bị tai biến. Sau cú chết hụt đó, bác quyết tâm vượt qua bệnh tật bằng cách chăm chỉ luyện tập. Giờ trông bác ấy, đố ai bảo bác đã từng liệt nửa người, tưởng tàn phế suốt đời”.
Đợi cho ông Thành nghỉ giải lao, chờ ông vuốt hết những giọt mồ hôi trên mặt, tôi mon men đến gần trò chuyện. Ông Thành cho biết, ông đến với môn võ này do nhân duyên.
“Cách đây hơn 2 năm, trong lúc đang ngủ tự nhiên tôi bị tai biến. Lúc đầu tôi thấy tay nặng nặng, không cử động được. Chân cũng vậy. Cả nửa người bên phải bấm vào không đau nhưng nửa người trái vẫn cựa quậy được. Lạ quá, tôi ú ớ gọi người nhà và họ đưa tôi đến BV Thanh Nhàn cấp cứu. Điều trị 15 ngày ở BV Thanh Nhàn, tôi mới chỉ tai qua nạn khỏi chứ các chức năng vận động không hồi phục.
Sau đó, BV Thanh Nhàn đã chuyển tôi sang BV Y học cổ truyền để phục hồi chức năng. 2 tháng nằm viện, ngoài các bài tập bác sĩ cho, tôi tự tập thở, tập xoa bóp, bấm huyệt cho mình. Tôi tham khảo nhiều người, nhiều tài liệu để tự chữa, mong chóng đi lại được. Ngày nào cũng phải tập nhưng không tiến triển nhiều, có lúc nản nhưng nhìn những người bệnh tai biến, phải sống phụ thuộc mà tôi tự đặt ra quyết tâm cho mình”- ông Thành chia sẻ.
Hết thời gian điều trị ở BV, ông Thành về nhà nhúc nhắc đi lại được và tìm hiểu môn dưỡng sinh. Ông theo tập dưỡng sinh, yoga nhưng tĩnh tại quá khiến ông không thích. Trong một lần đi tập thể dục, nhìn võ sư Nguyễn Việt Hùng hướng dẫn cho nhiều người tập môn võ thuật Phương Đông, mỗi người được võ sư hướng dẫn các bài tập khác nhau. Phụ nữ có bài dẻo như phái Vịnh Xuân Quyền, thanh niên có bài đồ hình tựa Côn Lôn Bắc Phái, bài tấn thấp, trẻ em có bài nhào lộn của Vovinam…ông Thành đâm mê.
Lại chỗ thầy tìm hiểu, ông được biết, võ sư Nguyễn Việt Hùng tập võ từ năm 8 tuổi. Ông tập nhiều bộ môn võ thuật, nghiên cứu sâu các dòng võ của người Nhật sau đó đúc rút lại thành dòng võ của riêng mình. Với mỗi vóc người, thể lực, tính cách…ông dạy riêng các động tác, lối đánh phù hợp.
Gầy như ông Thành thì tập các bài nhẹ nhàng, uyển chuyển, người đậm chút thì tập bài nặng. Cứ thế, ông đến với thầy, tập dần rồi mê lúc nào không hay. Khi đã mê rồi, ông không còn để ý đến bệnh tật của mình. Sau vài tháng tập, tay chân ông linh hoạt lạ thường, phản xạ nhanh nhẹn, không ai còn biết ông đã từng bị tai biến nữa.
Nhờ luyện tập mà triệt được bệnh phổi, dạ dày
Trị hết di chứng của tai biến, ông Thành tập võ kết hợp tập thở, điều trị bệnh phổi. Những năm trước đây, 1 năm ông bị viêm phổi mấy lần, lúc do lạnh, lúc do hút nhiều thuốc. Giờ đi tập, ông ít hút thuốc hơn, tập thở giúp nở phổi nên cả năm không bị viêm lần nào. Rồi bệnh dạ dày nữa.
Trước đây bệnh hoành hành, nhiều hôm ông vật vã lăn từ trên giường xuống đất nhưng cũng nhờ đi tập ông ăn ngủ tốt, tinh thần thoải mái và bệnh dạ dày đã êm.
Vợ chồng ông Thành có 1 người con gái duy nhất. Nhà cửa nơi phố cổ chật chội, vợ ông bán quán nước đầu ngõ kiếm đồng ra đồng vào nuôi gia đình. Sau khi khỏi bệnh, ông giúp vợ thổi cơm, dọn hàng, không còn là gánh nặng của vợ và con nữa. Thỉnh thoảng ở nhà vợ hay con ông có hắt hơi sổ mũi, ông dạy vợ và con vài đường võ nâng cao sức khỏe, tập cho toát mồ hôi là hết cảm. Theo ông, có tuổi nên tìm cho mình môn tập yêu thích để nâng cao sức khỏe, bớt phải thuốc thang hay nhập viện.
Khánh Thủy