Ảnh minh họa.
Theo các chuyên gia, trong khói thuốc lá chứa hơn 7.000 chất hóa học, trong đó có 69 chất gây ung thư. Thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây ra các bệnh tim mạch như: Đột quỵ, nhồi máu cơ tim, xơ vữa động mạch, bệnh mạch vành… và các bệnh ung thư về phổi, thanh quản, khoang miệng, da. Trong một nghiên cứu tại bệnh viện K cho thấy, những người hút thuốc trong vòng 6 tháng có khả năng bị ung thư phổi cao gấp 6,5 lần so với người không hút thuốc.
Nhằm nâng cao hiểu biết của cộng đồng về mối liên quan giữa thuốc lá và các bệnh tim mạch, Tổ chức Y tế thế giới đã chọn chủ đề cho Ngày Thế giới không thuốc lá năm 2018 là “Thuốc lá và bệnh tim mạch.” Qua đây Tổ chức Y tế thế giới cũng kêu gọi các quốc gia cần có những hành động kịp thời và hiệu quả nhằm làm giảm nguy cơ mắc và tử vong do các bệnh về tim mạch liên quan đến sử dụng thuốc lá.
Việt Nam là một trong số 15 nước đang có tỷ người sử dụng thuốc lá cao nhất thế giới với khoảng hơn 15 triệu người hút. Tuy nhiên những nguy cơ bệnh tật do thuốc lá không chỉ riêng người hút mà những người xung quanh cũng phải gánh chịu tác hại.
Theo ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), Giám đốc Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá, Việt Nam có 33 triệu người không hút thuốc nhưng thường xuyên hít phải khói thuốc tại nhà và hơn 5 triệu người trưởng thành không hút thuốc thường xuyên hít phải khói thuốc tại nơi làm việc. Đây là vấn đề đáng lo ngại vì tác hại của hút thuốc lá thụ động đến sức khỏe không hề kém việc hút thuốc trực tiếp. Tại các nhà hàng, quán cà phê, quán bar… là những nơi có tỷ lệ người bị phơi nhiễm với khói thuốc lá thụ động cao nhất.
Để giảm thiểu những tác hại do thuốc lá gây ra, một trong những giải pháp được đưa ra là tăng thuế sử dụng thuốc lá và thực thi mạnh mẽ các quy định về môi trường không khói thuốc. Bên cạnh đó, các hoạt động truyền thông về tác hại, nguy cơ bệnh tật do thuốc lá, cũng cần phải được phổ biến sâu rộng hơn nữa trong cộng đồng để nâng cao ý thức của người dân.
Theo An Nhiên/Infonet.vn