Đột quỵ não là cấp cứu tối khẩn cấp. Để đáp ứng tiêu chuẩn về thời gian “vàng” cho cấp cứu đột quỵ não, các bác sĩ Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 (BVT.ƯQĐ108) đã ứng dụng công nghệ thông minh, giúp giảm được tỷ lệ tử vong và mức độ tàn tật.
Đảm bảo thời gian vàng cho cấp cứuTheo các chuyên gia y tế, đột quỵ não là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ ba trên thế giới nhưng lại đứng thứ nhất về nguyên nhân gây tàn tật ở người. Nếu chậm 1 phút trong cấp cứu đột quỵ não sẽ làm 2 triệu tế bào thần kinh chết đi, như thế tính mạng bệnh nhân (BN) sẽ như ngàn cân treo sợi tóc.
PGS.TS Lê Văn Trường, Viện trưởng Viện Tim mạch, BVT.ƯQĐ108 cho biết, tiêu chuẩn về thời gian “vàng” cho cấp cứu đột quỵ là trong vòng 6 giờ đầu sau đột quỵ và càng sớm càng tốt. Trong thời gian này sẽ cứu được tế bào thần kinh ở quanh vùng nhồi máu, giảm được tỷ lệ tử vong, giúp người bệnh phục hồi sức khỏe tốt.
“Với tính chất của cấp cứu đột quỵ, thông tin ban đầu của BN là quan trọng số 1, đòi hỏi người tiếp cận ban đầu phải chẩn đoán nhanh, chính xác và bác sĩ có quyết định đúng đắn, kịp thời mới cứu sống được bệnh nhân (BN) và tránh tàn phế”, PGS.TS Lê Văn Trường cho hay.
Ông Nguyễn Trọng Minh, 70 tuổi, ở Cầu Giấy, Hà Nội được đưa đến BVT.ƯQĐ108 cấp cứu khoảng 13h ngày 9/11/2017 khi có dấu hiệu liệt nửa người và nói khó. Trong lúc gọi xe cấp cứu, vợ ông gọi điện cho các bác sĩ ở BVT.ƯQĐ108 để cấp cứu cho chồng.
Sau kết quả chụp chiếu, các bác sĩ kết luận ông Minh bị đột quỵ, tắc động mạch não giữa và được chỉ định lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học và đặt stent. Sau gần 1 giờ can thiệp mạch, BN được tái thông mạch và nói được. “Thật may mắn, sau can thiệp mạch, chồng tôi đã tỉnh táo và phục hồi tới 90%”, bà Lê Ngạn bày tỏ.
Ông Minh là một trong rất nhiều ca được cứu sống kịp giờ “vàng” và không để lại di chứng. Đây là thành quả sau 4 năm cải tiến trong mô hình cấp cứu đột quỵ liên kết giữa các khoa, giúp BN được điều trị sớm nhất trong những giờ đầu ở BVT.ƯQĐ108.
Nhờ kết nối Zalo, Viber, các bác sĩ BVT.ƯQĐ108 đã cứu sống được nhiều bệnh nhân.
Tăng cơ hội sống cho bệnh nhân
Là bác sĩ có kinh nghiệm trong can thiệp mạch, PGS.TS Lê Văn Trường cho biết, nhìn BN mất cơ hội điều trị các y bác sĩ rất “nuối tiếc”. Tiếc ở mọi tình huống! Rằng tại sao lại đưa BN đến viện muộn; Rằng tại sao không đưa thẳng BN đến trung tâm có cấp cứu đột quỵ mà cứ đưa lòng vòng hoặc chần chừ để ở nhà cạo gió hay uống an cung ngưu hoàng hoàn… để rồi mất cơ hội.
“Xuất phát từ những tiện ích của phần mềm smartphone như Viber, Zalo, SMS… chúng tôi đã thành lập nhóm liên kết giữa các bác sĩ trong viện và các bệnh viện tuyến cơ sở lân cận, với mục đích khi có bất cứ BN nào được phát hiện có triệu chứng đột quỵ, lập tức gửi tất cả những thông tin, hình ảnh CT, cộng hưởng từ, kết quả xét nghiệm hoặc hình ảnh video quay triệu chứng lâm sàng (chỉ cần 10 – 15 giây)… lên group nhóm kín để mọi người cùng chẩn đoán và quyết định chuyển BN đến nơi gần nhất và nhanh nhất”, PGS.TS Lê Văn Trường cho hay.
Nhờ những tiện ích từ phần mềm điện thoại thông minh, các công đoạn cấp cứu từ khi tiếp đón BN, đến can thiệp mạch được rút ngắn rất nhiều.
PGS.TS Nguyễn Hoàng Ngọc, nguyên Giám đốc Trung tâm Đột quỵ não, Tân Phó Giám đốc BVT.ƯQĐ108 cho biết, khi nhận được thông tin có BN đang chuyển từ bệnh viện (BV) tuyến cơ sở (chẳng hạn như BV Việt Tiệp Hải Phòng, Đa khoa Bắc Ninh, Thái Nguyên, BV 105 Sơn Tây)… chuyển vào nhóm Zalo, Viber, SMS thì lập tức các bác sĩ BVT.ƯQĐ108 sẽ khởi động “nhóm kín” (từ Trung tâm Đột quỵ não, Khoa Chẩn đoán hình ảnh đến bác sĩ can thiệp và phẫu thuật), đồng thời căn thời gian để có mặt sớm nhất, sẵn sàng từ tiếp đón BN đến chăm sóc hậu phẫu và phục hồi chức năng.
“Theo tiêu chuẩn hướng dẫn của Hiệp hội Đột quỵ Hoa Kỳ và thế giới, các bước từ tiếp đón BN đến can thiệp mạch phải đảm bảo không quá 60 phút, trong khi nhờ công nghệ kết nối từ điện thoại thông minh, có BN từ khi đặt chân đến BVT.ƯQĐ108 tới khi được can thiệp mạch chỉ mất 20 – 45 phút. Như vậy, BN được hưởng lợi rất nhiều”, PGS.TS Nguyễn Hoàng Ngọc cho hay.
Nếu như trước kia, mỗi khi BN đến viện, các nhân viên y tế và người nhà BN phải chạy đôn chạy đáo từ các phòng chờ lấy kết quả chụp chiếu, xét nghiệm đến hội chẩn để đưa ra chỉ định… có khi mất vài giờ thì ngày nay, nhờ công nghệ thông tin, các công đoạn này rút ngắn chỉ 30 phút. Chưa kể, những BN được chuyển từ các BV lân cận, khi người chưa đến nơi, các kết quả chụp chiếu và xét nghiệm ban đầu đã đến tay các bác sĩ ở BVT.ƯQĐ108.
Thay vì phải “ôm” phim và kết quả xét nghiệm đến, nhờ kết nối Viber và Zalo, các kết quả xét nghiệm, chụp chiếu cũng được sử dụng thông tuyến. Như thế vừa đỡ tốn kém thời gian, tiền bạc mà trước kia BN đến phải làm lại xét nghiệm từ đầu.
Nói về thành quả đạt được từ khi ứng dụng điện thoại thông minh vào cấp cứu, TS Nguyễn Văn Tuyến, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ não, BVT.ƯQĐ108 chia sẻ, trước đây tỷ lệ BN được xử trí cấp cứu đột quỵ trong giờ vàng chỉ khoảng 5%. Nhờ mô hình cấp cứu liên khoa và điều trị đa mô thức, sẵn sàng ứng trực 24/7, từ năm 2014 đến nay, số BN đến trước 6 giờ sau đột quỵ khoảng 400 BN/năm, tăng 17%).
“Thời cách mạng công nghiệp 4.0, bác sĩ được áp dụng rất nhiều công nghệ mà không phải bác sĩ chuyên ngành nào cũng làm được. Đặc biệt, điều trị đột quỵ não đòi hỏi cơ sở y tế đa chuyên ngành. Do vậy, vai trò của làm việc nhóm nội viện rất quan trọng.
Cũng nhờ việc kết nối Zalo, Viber, nhìn vào hình ảnh được mô tả lâm sàng bác sĩ có thể lượng giá được thang điểm để biết BN đột quỵ ở mức nào và trí tuệ của tập thể được phát huy, giúp BN có được giải pháp tốt nhất. Đồng thời, việc chủ động trong khâu chuẩn bị, sẽ tiên lượng được cuộc can thiệp và phẫu thuật ấy”, TS Nguyễn Văn Tuyến bộc bạch.
Mai Nguyễn (tổng hợp)