Cái chết đột ngột của ông vẫn còn là một bí ẩn với lịch sử. Nhưng hài cốt của vua Quang Trung thực sự được chôn cất ở đâu càng là một bí mật không dễ giải mật.
Lịch sử cho rằng, để trả thù, Nguyễn Ánh sai đào mộ Nguyễn Huệ tán hài cốt thành bột nhồi thuốc súng bắn và bỏ xương sọ vào “vò” giam trong ngục tối. Lăng mộ của vua Quang Trung tại Phú Xuân cũng bị san phẳng, gia quyến thân thích bị giết sạch.
Hội thảo về Hoàng đế Quang Trung tại Vinh.
Tuy nhiên, không ít nhà khoa học và lãnh đạo Tp. Vinh – Nghệ An đã liên hệ trao đổi với báo KH&ĐS về phần mộ Hoàng đế Quang Trung. Phần lớn các ý kiến cho rằng, vua Quang Trung là một người sáng suốt lại hiểu rõ mình có nhiều kẻ thù nên ngay khi còn sống, ông đã lệnh cho hạ cấp trung thành xây dựng lăng mộ ở một nơi bí mật.
Vì vậy, lăng mộ mà Nguyễn Ánh quật lên chỉ là mộ giả mà vua Quang Trung tạo ra. Đó là căn cứ để các nhà lịch sử đi tìm phần mộ của vua Quang Trung.
Ngày 1/10/1788, Nguyễn Huệ gửi thư cho La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp quyết định xây dựng thành Trung Đô tại khu vực núi Dũng Quyết (Vinh). Tuy nhiên, khi dự định lớn lao là dời đô về Nghệ An và việc xây dựng thành Phượng Hoàng Đô đang dang dở thì vua Quang Trung đột ngột qua đời.
Lần theo những thông tin được các nhà khoa học cung cấp, chúng tôi đã liên lạc được với ông Nguyễn Hữu Bản – Nguyên Bí thư Thành uỷ Vinh – Nghệ An. Nhiều năm nay, ông Bản khởi xướng và đứng đầu nhóm tìm kiếm phần mộ Hoàng đế Quang Trung.
Trong quá trình tìm kiếm, không ít chuyện lạ với những linh ứng thần kỳ đã xảy ra. KH&ĐS xin gửi tới các nhà khoa học, lịch sử và quý độc giả những cứ liệu sát thực và mong mỏi những góp ý để cuộc tìm kiếm được thuận lợi và có kết quả.
Mộ vua Quang Trung không đặt ở Huế
“Vua Quang Trung rất tin về mồ mả nên khi chiếm được thành Phú Xuân, ông đã cho quật mồ nhà Nguyễn để răn đe. Hơn nữa, Huế là đất cung phủ nhà Nguyễn, vua Quang Trung không bao giờ lại chôn cất mình ở đất ấy”, ông Nguyễn Hữu Bản, nguyên Bí thư Thành uỷ Vinh – Nghệ An cho hay.
Lãnh đạo UBND tỉnh Nghệ An, Tp. Vinh từng tổ chức cuộc Hội thảo “Hoàng đế Quang Trung với Phượng Hoàng Trung Đô” thu hút nhiều nhà khoa học hàng đầu Việt Nam tham dự.
Đặc biệt hội thảo cũng có sự góp mặt của nhà Huế học Nguyễn Đắc Xuân, người từng khẳng định hài cốt của Hoàng đế Quang Trung đã bị Nguyễn Ánh đốt thành tro bắn vào không trung và chính ông đã tìm được vị trí an táng Hoàng đế ở cung Đan Dương (Huế).
Đền thờ vua Quang Trung tại núi Dũng Quyết.
Tuy nhiên, ý kiến của Nhà Huế học Nguyễn Đắc Xuân tại cuộc hội thảo bị nhiều người phản đối, trong đó có nhà khảo cổ Đỗ Đình Truật. Ngày 1/6, ông Xuân lên tàu về Huế, đến ngày 4/6 thì Tỉnh uỷ Nghệ An nhận được bức thư của ông Xuân với nội dung phản biện việc tìm hài cốt của nhóm tìm mộ vua Quang Trung tại tỉnh Nghệ An.
Đồng thời, bức thư cũng nói rõ: “Nguyễn Ánh Gia Long quật mồ anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ không thể nhầm.
Thứ nhất: Quật mộ để cắt đứt sự trỗi dậy của dòng họ Nguyễn Tây Sơn, nếu sai thì vô cùng tai hại.
Thứ hai: Quật mộ cho đúng để trả thù cho chín đời. Thứ ba: Huế là đất của nhà Nguyễn, lúc nào cũng có người của nhà Nguyễn ở lại Phú Xuân theo dõi mọi động tĩnh của phong trào Tây Sơn, vì thế họ biết chắc vua Quang Trung được táng nơi đâu để khi trở lại họ báo lại cho Nguyễn Ánh.
Thứ tư: các quan hàng đầu Nguyễn Ánh như Lê Chất, Ngô văn Sở phải chỉ điểm đúng mộ của vua Quang Trung, nếu chỉ sai sẽ bị chặt đầu.
Vì thế, đừng bao giờ mơ tưởng hài cốt vua Quang Trung vẫn còn ở đâu đó trên đất nước Việt Nam… Vì thế đi tìm huyệt mộ có hài cốt vua Quang Trung là chuyện không tưởng vô ích.
Bao nhiêu nhiêu năm nay, tôi nghiên cứu chỉ mong tìm được dấu tích, địa chỉ cụ thể nơi từng mai táng thi hài vua Quang Trung mà thôi. Nơi ấy tôi đã tìm được là cung điện Đan Dương ở gần chùa Thiền Lâm.
Nếu muốn, Thừa Thiên Huế cũng chỉ có thể dựng lại được Cung điện Đan Dương mà thôi”.
Việc tìm mộ mới chỉ bắt đầu
Là người khởi xướng cuộc tìm kiếm mộ phần Hoàng đế Quang Trung, lại là người tham mưu cho Tp.Vinh tổ chức cuộc hội thảo “Hoàng đế Quang Trung với Phượng Hoàng Trung Đô”, ông Nguyễn Hữu Bản đã có thư phúc đáp tới Nhà Huế học Nguyễn Đắc Xuân, ông Bản cho rằng việc tìm mộ mới chỉ bắt đầu, chưa chắc chắn được một điều gì.
Ông Bản cũng cho hay: “Trước khi hội thảo, chúng tôi đã tham khảo ý kiến của nhiều nhà khoa học, trong đó có GS Phan Huy Lê. Còn thực sự hài cốt của vua Quang Trung có còn nữa hay không?
Và nếu còn thì hiện nay ở đâu? Đây là vấn đề rất hệ trọng không chỉ lệ thuộc vào ý chí của chúng ta mà còn phụ thuộc vào phần âm (Ngài có cho phép hay không?) nên mọi việc đang ở phía trước”.
Ông Bản khẳng định có đủ căn cứ để tìm mộ vua Quang Trung tại Nghệ An.
Ông Bản đưa ra dẫn chứng chứng minh việc ông khởi xướng là có căn cứ thuyết phục. Ngoài những luận cứ có thể dễ dàng suy luận về việc xây dựng lăng mộ thật, thì dựa vào lời sấm truyền của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm về thế thời lịch sử cũng là căn cứ để nhà Tây Sơn bí mật chọn cho mình một khu đất để xây mộ phần, tránh sự trả thù của nhà Nguyễn.
“Đoài cung một sớm đổi thay/Chấn cung sao cũng sa ngay chẳng còn/Đầu cha lộn xuống chân con/Mười bốn năm tròn hết số thì thôi”.
Lời sấm truyền của Nguyễn Bỉnh Khiêm đã khiến vua Quang Trung ý thức được mệnh của mình không dài cho nên đã sớm nghĩ đến việc xây dựng lăng mộ.
Và việc xây mộ không đơn thuần hoặc khuếch trương cho người khác biết, mà rất bí mật để tránh hậu hoạ bị quật mồ như lịch sử đã ghi.
“Hội thảo khoa học “Hoàng đế Quang Trung với Phượng Hoàng Trung Đô” có sự tham gia của nhiều nhà quản lý, nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các ý kiến cơ bản thống nhất: Cần lập dự án phục hồi di tích lịch sử thành Phượng Hoàng Trung Đô và tiếp tục tìm kiếm lăng mộ Hoàng đế Quang Trung tại Nghệ An”, ông Nguyễn Xuân Đường – Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An.
Trần Hoà