Hỏi: Nhà tôi ở vùng thường xuyên có lũ, xin hỏi làm thế nào để giữ sạch giếng nước khi có lũ lụt?
Hoàng Thị Mai Lan (Tuyên Quang)
Ông Lê Văn Thưa (thôn Tiền, xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) tác giả sáng kiến “Đóng gói nước giếng”: Ở các vùng ngập lũ, sau khi lũ lụt qua đi, các gia đình thường phải mất hằng tuần lễ để thau rửa, vét giếng. Thực chất, lòng đất luôn là một “bình nước lớn” và khi người ta đào giếng, nghĩa là tạo ra một “bình nước nhỏ” nằm lọt trong “bình nước lớn”. Hai bình nước này thông nhau và nước được lọc sạch qua lớp đất cát sỏi ở đáy giếng, tuy nhiên mực nước vẫn tuân theo nguyên tắc vật lý “bình thông nhau” do vậy mực nước luôn cân bằng. Cho dù có lũ thì nước ngầm ở trong giếng vẫn luôn hiện hữu, mặt khác đáy giếng đã có lớp cát sỏi lọc sạch nên nước lụt bẩn không thể lọt qua đường này. Do đó, chỉ trừ khi nước lụt vượt qua khỏi thành giếng thì nước giếng mới bị nhiễm bẩn.
Hơn nữa, trước khi có lũ về, dùng một tấm vải đi mưa lớn trùm lên miệng giếng và lấy dây cao su quấn chặt, bịt chặt miếng. Khi lũ qua đi, nước giếng vẫn trong xanh. Trước mỗi trận lũ, bà con cần chuẩn bị một tấm vải không thấm nước như tấm vải đi mưa, tấm bạt nhựa... lớn hơn miệng giếng và một sợi dây cao su đủ dài. Khi có thông tin dự báo lũ lớn, bên cạnh việc sơ tán đồ đạc, bà con dùng tấm vải mưa phủ lên miệng giếng, sử dụng dây buộc chặt quanh miệng giếng. Trường hợp thành giếng bị nứt vỡ, phải chèn xi măng kín trước khi lụt. Đây là cách làm rất đơn giản, không tốn kém. Hy vọng với cách làm này, bà con vùng lũ sẽ không còn phải chịu cảnh thiếu nước sạch sau lụt và tránh được các nguy cơ lây lan dịch bệnh do nước bị ô nhiễm sau lũ.