Xử lý gián đúng cách.
Nhà anh Nguyễn Văn Tưởng (Hà Nội) dạo này rất nhiều gián, nhất là gián bé. Chúng chạy khắp nhà, trong bếp cũng như nhà vệ sinh. Nhiều khi nhà anh mời khách đến nhà chơi, đang ăn uống thì mấy con gián chạy ra làm gia đình anh rất ngại. Vì gián không chỉ thể hiện kém vệ sinh mà còn gây khó chịu. Sau hôm đó anh phải xịt thuốc khắp nhà, đậy kín các nắp hố ga của nhà tắm, trong bếp nhằm ngăn chúng phát tán.
Lời bàn: Gián là loài sống ở môi trường ẩm thấp, bẩn và rất hay phát triển, sinh sản trong nhà. Ở các khu nhà, gián chui từ cống thoát nước, hố ga của nhà tắm lên. Vì thế, trước tiên để ngăn chúng phát tán cần đóng kín các vị trí này.
Ngoài ra, khi có gián, cần vệ sinh nhà cửa, tủ kệ thường xuyên. Đây là việc nhằm ngăn ngừa tình trạng ẩm thấp, loại bỏ các yếu tố khiến chúng phát triển cũng như thức ăn, nơi sinh sản…Mỗi loại gián có một cách xử lý khác nhau, không thể áp dụng chung cho tất cả các loại.
Đối với gián Đức, cần dùng mồi nhử thay vì dùng thuốc xịt vì chúng đã bị kháng thuốc. Cách phân biệt gián Đức như gián có màu nâu nhạt hoặc nâu với hai sọc màu đen chạy dọc cơ thể, phân đen như hạt tiêu, có mùi hôi…
PGS.TS Phạm Thị Khoa
(Nguyên cán bộ Viện sốt rét – ký sinh trùng – côn trùng TƯ)