Ở cạnh Hồ Gươm, ước mơ từ thuở nhỏ
Nhà ông Tuyến ở ngay cạnh Hồ Gươm, con ngõ nhỏ, nhưng chỉ cần bước ra khỏi ngõ là đối diện ngay nhà Thủy Tạ. Ông kể, ngày bé đi học dưới khu Vân Hồ, ngày chỉ học một buổi, còn một buổi toàn nhảy tàu điện lên Bờ Hồ chơi. Thế nên từ hồi đó ông đã ao ước được sống ở đây.
Đi bộ đội, xuất ngũ thì về kinh doanh nghề thủy tinh, mua nhà, mua xưởng đủ cả, nhưng ông vẫn ôm ấp mơ ước thuở nhỏ. Mãi đến cách đây chừng hai chục năm, thấy người ta giao bán căn nhà này, ông quyết tâm bán nhà mặt phố dưới đường Giải Phóng để mua. Dù bà vợ lúc đó phản đối lắm, vì đang nhà mặt phố to, bán hàng được, giờ lại vào ở trong ngõ. Nhưng ông vẫn quyết thực hiện cho bằng được mơ ước của mình.
Lúc đầu thì sung sướng lắm vì được toại nguyện. Nhà chật, ngõ hẹp, nhưng chỉ bước chân ra ngõ là đã đến Bờ Hồ. Nên sáng, chiều ông đều chịu khó đi tập thể dục. Ngay cạnh đó lại là phố Hàng Hành, Bảo Khánh, là nơi gặp gỡ của những bạn bè yêu thơ. Tưởng thế là không còn gì hơn nữa.
Vậy nhưng, mấy năm gần đây ông Tuyến không ra ngoài tập nữa, mà sáng sáng chỉ tập vài động tác diện chẩn ở trong nhà hay lên sân thượng tập thể dục. Ai cũng thấy lạ vì rất nhiều người ở xa, còn phải đi xe buýt, thậm chí mấy tuyến xe để lên được đến đây, tập thể dục, hít thở không khí trong lành của hồ.
Còn ông thì lại không thích ra nữa, vì ông bảo ngoài đó giờ lộn xộn lắm. Ông sợ nhất là người ta cứ ho, rồi khạc nhổ bừa bãi. Không những mất vệ sinh mà còn làm người khác bực mình, ghê sợ. Thế nên tốt nhất là ở nhà. Kể cũng buồn, nhưng đỡ nhìn thấy những cảnh chướng tai gai mắt, đỡ phải chuốc lấy sự bực mình.
Tính sai thành ra trắng tay
Không những thế, ông Tuyến còn có ý định bán căn nhà, nơi ông đã từng ao ước được sống ở đây, vì lý do kinh tế. Do ông xuất ngũ sớm nên không được hưởng chế độ gì, về sau lại tự kinh doanh nên không có lương hưu. Tuy thế, trước đây kinh doanh tốt, ông bà cũng đã lo được nhà cửa cho các con và có một khoản để dành gửi tiết kiệm cho tuổi già.
Sau khi bà mất, ông có rút số tiền tiết kiệm đó ra cho người ta vay để làm ăn. Thời gian đầu họ trả lãi cũng bằng lãi ngân hàng thôi, nhưng đủ chi tiêu. Đến khi họ làm ăn thua lỗ, không trả được, ông thành ra trắng tay.
Đã thế ông lại không dám nói với các con. Lúc đầu ai cũng tưởng là ông còn số tiền đó. Sau biết là mất thì ông lại nói là do chơi cờ bạc, thành ra các con cũng giận. Ông vẫn bảo, mình làm mình chịu, chẳng trách được ai.
Giờ dù cơm nước các con đã lo, và thỉnh thoảng vẫn biếu ông tiền tiêu vặt. Nhưng còn biết bao khoản chi tiêu khác. Thế nên ông định bán căn nhà này đi, chia cho các con rồi về quê ở, có ít tiền dư ra thì gửi tiết kiệm để chi tiêu. Khó ở chỗ con cái có người không đồng ý bán nhà. Mà luật pháp quy định, tất cả các con phải đồng ý thì mới bán được nên đành chịu.
Ông bảo, người già không tự chủ được về tài chính, phải phụ thuộc là rất khổ. Mặc dù như ông là đã tính toán để không phải nhờ đến con, nhưng lại thành ra như thế.
Nhìn ông cao lớn, 80 tuổi mà vẫn tự đi xe máy, ông kể hồi những năm 70-80 ông đã đi xe phân khối lớn, từng là chủ của mấy xưởng sản xuất thủy tinh, nay là chủ nhiệm CLB thơ Hồ Gươm, tác giả của những bài thơ tình lãng mạn, vậy mà ánh mắt lúc nào cũng buồn buồn. Chỉ vì tính toán sai để đến nỗi trắng tay khi về già, không tự chủ được về tài chính, thật khổ.