Bà Phạm Hưng Trinh
Người “nấu cháo” điện thoại
Tôi đến thăm bà trong căn phòng nhỏ trên tầng 4 trong khu tập thể cũ của Bộ Giáo dục trên phố Giảng Võ (Hà Nội). Có rất nhiều ảnh, ảnh trên tường, trên bàn, trên giá sách, những tập anbum, ảnh đen trắng, ảnh màu. Có hai bức ảnh to rất đặc biệt: ông bà chụp với gia đình hai người con trai và gia đình thông gia.
Tôi rất thích một khung ảnh lớn có nhiều ảnh nhỏ về 6 chị em gái. Bà giải thích khi làm gia phả dòng họ bao giờ cũng chỉ làm về con trai, còn các con gái chẳng được nói đến, vì thế bà mới làm khung ảnh này giới thiệu về các chị em gái, coi như là gia phả bằng ảnh.
Vừa giở từng tấm ảnh kỷ niệm của gia đình, bà vừa kể, ông ấy trước đây mê chụp ảnh lắm. Từ hồi học ở Liên Xô những năm 1955- 1956, ông đã mua máy ảnh để tự chụp. Ông mất đã được mấy năm, nhưng sách vở, ảnh của ông bà vẫn giữ nguyên. Trong câu chuyện, bà cũng luôn nhắc đến ông.
Bà bảo, với người già quan trọng nhất là phải có sự chia sẻ, nhất là khi trong hai người có một người ra đi trước. Người ở lại rất dễ hẫng hụt, nếu không có người chia sẻ dễ rơi vào đa sầu đa cảm, khép kín mình. Bản thân mình phải có lý chí, tìm những nguồn vui từ sách báo, ti vi, trò chuyện với bạn bè… để đỡ cô đơn.
Bà may mắn là luôn có con cháu bên cạnh, nhất là sự thân thiết của các anh chị em và bạn bè. Mấy chị em gái ở gần thì tuần nào cũng gặp, còn với ai ở xa thì lại gọi điện. Đến nỗi trong nhà, con cháu phong cho bà chức người “nấu cháo” điện thoại nhiều nhất.
Ngoài tình thương yêu của con cháu, anh chị em, còn phải có sự chia sẻ của bạn bè. Người già thường hay nhớ những kỷ niệm, sống với quá khứ, còn người trẻ lại sống với hiện tại và tương lai… những khác biệt về tâm lý như thế dễ làm cho người già thành ra cô đơn nếu không được chia sẻ với những người cùng cảnh ngộ, cùng tuổi, để có thể cùng giở lại những kỷ niệm cũ.
Thương yêu không phải một chiều
Là một nhà nghiên cứu về tâm lý, theo bà trong tình cảm, thương yêu không nên một chiều và phải có sự tôn trọng. Dù vợ chồng với nhau hay với con cái, anh em, họ hàng… cũng phải có sự tôn trọng. Không thể lúc yêu thì yêu quá, đến lúc hết là mất sạch.
Còn khi đã có sự tôn trọng, thì ngay cả lúc bực tức, cáu giận việc nhìn nhận mối quan hệ cũng khác. Vì ngoài yêu thương ra còn có trách nhiệm đối với nhau nữa.
Bố mẹ thương yêu con cái không phải là chiều theo mọi ý thích, mà phải biết lắng nghe. Biết lắng nghe là thể hiện sự tôn trọng. Con cái cũng cần phải biết nỗi lòng của bố mẹ. Đó là mấy cái lõi để tình thương yêu không phải một chiều.
Từng làm hiệu trưởng trường Thực nghiệm Hà Nội, bà luôn nhắc nhở con cái, khi làm quản lý phải luôn nghĩ đến quyền lợi của nhân viên, phải tôn trọng từ người quét rác trở đi vì họ là người lao động. Nhiều khi họ không biết mình được hưởng những gì, mình biết thì phải lo cho họ.
Như trường hợp một cô giáo bị kỷ luật ở nơi khác chuyển về phải xuống làm lao công, khi sắp về hưu bà có nhắc cô làm đơn xin được trở lại giảng dạy để khi về hưu đỡ bị thiệt về ngạch lương. Việc ấy đến giờ cô vẫn nhớ.
Với bà, quan trọng nhất là sống sao cho thoải mái, cho khỏe người, đừng có tham, sân, si. Trong gia đình không ai tham lam, tranh giành nhau bao giờ, ông bà cũng dạy con cháu sống một cuộc sống tự mình làm nên. Thế nên dù có sống trong căn hộ tập thể vẫn thấy mình sung sướng.
Bảo Anh