Gạo huyết nhung: Giá trị không bằng mớ rau

Gạo huyết nhung được cho là có giá trị dinh dưỡng rất cao cùng khả năng chữa bệnh và đắt nhất thế giới. Vậy thực chất giá trị dinh dưỡng gạo huyết nhung có đúng như đồn thổi?

Gạo có màu đỏ do chứa hàm lượng sắt cao

Theo ghi nhận của KH&ĐS, gạo huyết nhung có giá bán khá đắt (khoảng 900.000đ/kg) và quảng cáo chủ yếu trên các trang mạng xã hội thay vì bán rộng rãi ngoài các cửa hàng.

Gạo có tên huyết nhung với màu sắc là đỏ và được quảng cáo với nhiều tác dụng như tăng cường sinh lý ở phái nam, tăng cường sức đề kháng cho cơ thể, giúp phòng chống bệnh tật và điều quan trọng nhất là kích thích trẻ ăn ngon miệng, giúp trẻ phát triển toàn diện hơn…

Đi kèm với những công dụng, người bán còn cho rằng, gạo được trộn lẫn huyết nhung nên có giá trị dinh dưỡng cao.

Giá trị dinh dưỡng gạo huyết nhung

Gạo huyết nhung được bán với giá rất cao.

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Hoan, nguyên Giám đốc Viện Nghiên cứu Lúa, Học viện Nông nghiệp Hà Nội, giá trị dinh dưỡng gạo huyết nhung thực chất không phải là mới. Đây là một giống gạo có màu đỏ, không phải như những lời quảng cáo là do thấm huyết nhung nên có màu này. Màu đỏ này tượng trưng cho việc có chứa nhiều sắt và không phải vì thế mà có nhiều chất dinh dưỡng khác cao hơn các loại gạo thông thường.

Trước đây nước ta cũng đã có gạo huyết rồng, bào thai hồng với màu đỏ tương tự. Khi hàm lượng sắt cao sẽ giúp bổ máu chứ không có các tác dụng như tăng cường sinh lý, chống bệnh tật, giúp trẻ phát triển toàn diện… Hiện nay, gạo huyết rồng vẫn tồn tại và được nhiều người dùng, còn gạo bào thai hồng giảm đi do hạt gạo cứng trong khi nhu cầu ăn gạo mềm càng ngày càng được ưa chuộng.

“Tên gạo hay cách giải thích là thấm huyết nhung hươu nên có giá trị dinh dưỡng cao nhằm mục đích nâng giá sản phẩm lên. Đây là cách bán hàng đánh vào tâm lý sính ngoại của nhiều người dân. Nếu thấm huyết nhung hươu vào gạo không những không hiệu quả mà gạo còn dễ hỏng, gây độc cho người dùng. Đối với tên gọi, gạo huyết rồng sẽ có giá trị cao hơn. Bởi, rồng là con linh vật cao nhất, huyết rồng có giá trị hơn cả huyết nhung”, PGS.TS Nguyễn Văn Hoan cho biết thêm.

“Hiện tình trạng thực phẩm xách tay vào nước ta rất nhiều nhưng chất lượng không được rõ ràng, không có kiểm nghiệm của các cơ quan chức năng. Vì thế, khi sử dụng người dân cần chú ý để không mua phải sản phẩm không rõ chất lượng, thậm chí có tính độc hại nhưng vì lợi nhuận nên được quảng cáo sai, thổi phồng. Cần mua gạo còn được đóng gói kín, có dấu kiểm nghiệm của các cơ quan chức năng”.

PGS.TS Nguyễn Văn Hoan 

Ăn gạo huyết nhung không bằng mớ xà lách

PGS.TS Nguyễn Văn Hoan cũng cho hay, nhiều người cho rằng, giá trị dinh dưỡng gạo huyết nhung cao nên không dám ăn nhiều, tuần ăn một hai lần với vài thìa, trộn cùng gạo thường vì sợ nhiều chất, tốn tiền.

Trên thực tế, giá trị dinh dưỡng gạo huyết nhung hay gạo huyết rồng nói riêng dù hàm lượng sắt cao cũng chỉ ở tính bằng mg (miligam). So với rau xanh hay hoa quả tươi, hàm lượng sắt cũng như vitamin có trong đó còn nhiều hơn cả việc ăn một yến gạo.

“Ví dụ, so với một mớ xà lách cũng đã hơn về hàm lượng sắt hay vitamin của cả cân gạo này. Vì thế, muốn bổ sung dinh dưỡng không phải cứ ăn gạo là đủ mà cần có sự linh hoạt bằng bổ sung các thực phẩm khác bên ngoài như rau xanh, sữa, hoa quả… Gạo chủ yếu để bổ sung hydrat carbon, không thiên về bổ sung vitamin hay các chất khác”, PGS.TS Nguyễn Văn Hoan chia sẻ.

Hiền Dung

Theo Đời sống
back to top