Tivi, quạt điện, nồi cơm, ấm nước, bàn là… nếu đã quá cũ thì nên đổi cái mới, thay vì cố sửa chữa để dùng lại. Càng không nên mua đồ điện tử cũ bởi những hệ lụy cho sức khỏe và môi trường
TS Trần Văn Thịnh, nguyên Trưởng Bộ môn Thiết bị điện, điện tử, Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, đồ điện tử đã qua sử dụng thì phần lớn là rác thải công nghiệp. Vì thời gian để sử dụng tiếp không nhiều, song việc giải quyết hậu quả khi chúng hỏng hẳn là cả một vấn đề lớn. Các thiết bị điện tử, công nghệ sẽ rất nhanh chóng lỗi mốt do những dòng sản phẩm mới ra đời.
Ngoại trừ giá rẻ, người tiêu dùng chịu nhiều thiệt thòi như không tiện ích, tuổi thọ kém, tốn điện, tốn diện tích… Người Việt Nam có thói quen sử dụng cho đến khi hỏng, không thể sửa chữa được nữa thì mới bỏ. Tuy nhiên, trên thực tế, các nhà sản xuất thường xuyên cải tiến mẫu mã và công nghệ. Vì thế sau khoảng 5 năm là các sản phẩm trở nên lỗi thời. Đó cũng là khoảng thời gian hợp lý để thay đổi đồ điện tử trong gia đình.
Thiết bị điện tử càng cũ thì tổn hao năng lượng càng lớn. Ví dụ như một chiếc tivi màu thế hệ cũ thì công nghệ cao nhất vẫn chỉ là ống hình. Đằng sau chiếc tivi là cả một cục lớn bao gồm các ống hình. Công nghệ này khi phát, đặc biệt là loại tivi ống hình màu, sẽ tạo ra phản xạ màu rất lớn, gây hại cho mắt, đặc biệt là với trẻ em khi xem ở khoảng cách gần. Còn với tivi mới hiện nay như màn hình led hay tinh thể lỏng, plasma… thì nó gần như khắc phục được hoàn toàn nhược điểm này.