Điều kiện để được cho và nhận gan: Sau ghép gan sống được bao lâu?

Ghép gan là một phẫu thuật thay thế gan đã mất chức năng bằng gan khỏe mạnh ở người chết não hoặc người sống hiến tặng. Đây là phương pháp duy trì sự sống cho những bệnh nhân có gan không còn khả năng làm việc.

Theo các bác sĩ khoa Nội ung bướu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City, để có thể thực hiện ca ghép gan, cả người cho và người nhận phải đảm bảo các điều kiện sau:

Người hiến gan

• Bệnh nhân chết não, tim còn đập phù hợp nhóm máu ABO và kích thước gan với người nhận. Các trường hợp không tương đồng về nhóm máu có thể tăng nguy cơ đào thải và các biến chứng khác.

• Người sống hiến tặng thùy gan phải (trong ghép gan người lớn cho người lớn) hoặc phần bên của thùy gan trái (trong ghép gan người lớn cho trẻ em). Tình trạng sức khoẻ tốt, phù hợp về nhóm máu, không mắc các bệnh lý về gan như viêm gan virus, không dùng rượu bia, hút thuốc lá, sử dụng chất kích thích trước quá trình hiến tạng.

• Các trường hợp ghép gan từ người sống sẽ rút ngắn thời gian chờ đợi cho bệnh nhân, thời gian thiếu máu lạnh ngắn đối với phần gan được ghép.

• Các yếu tố nguy cơ có thể gây thất bại cho phẫu thuật ghép gan của người hiến gan bao gồm: Trên 50 tuổi, gan thoái hóa mỡ, tăng men gan, tăng bilirubin, bệnh nhân điều trị dài ngày ở phòng hồi sức cấp cứu, hạ huyết áp cần sử dụng thuốc vận mạch, tăng natri máu, ghép gan cho bệnh nhân nam từ gan nữ giới.

Điều kiện để được cho và nhận gan khi ghép

Điều kiện để được cho và nhận gan khi ghép

Người nhận gan

• Người nhận gan phải đúng chỉ định ghép gan, không mắc các bệnh tim hoặc phổi nghiêm trọng.

• Không mắc các ung thư nào khác ngoài ung thư gan.

• Không sử dụng chất kích thích, rượu bia trước thời gian phẫu thuật.

• Sẵn sàng việc uống thuốc suốt đời sau khi phẫu thuật.

Quy trình ghép gan

• Đối với người cho đã chết, mổ nội soi thăm dò khẳng định việc không có bệnh lý về gan, bệnh lý trong ổ bụng ngăn cản việc ghép, sau đó mổ lấy gan ra.

• Đối với người hiến tạng còn sống thực hiện phẫu thuật cắt thùy hay đoạn gan.

• Gan lấy ra được bảo quản trong dung dịch bảo quản lạnh đến 18 giờ trước ghép; thời gian lưu trữ càng lâu thì tỷ lệ mô ghép mất chức năng và tổn thương đường mật do thiếu máu càng tăng.

• Phẫu thuật lấy gan đã mất chức năng của người nhận và tiến hành ghép gan.

• Sau khi ghép gan cần dùng thuốc ức chế miễn dịch để ngăn ngừa tình trạng đào thải mảnh ghép. Các thuốc thường dùng là các kháng thể đơn dòng kháng thụ thể IL-2 được sử dụng vào ngày ghép, các thuốc ức chế calcineurin (cyclosporin hoặc tacrolimus), mycophenolate mofetil và corticosteroid.

Một số biến chứng có thể xuất hiện sau khi ghép gan

• Thải ghép sau phẫu thuật: Hầu hết các đợt thải ghép cấp là nhẹ và tự giới hạn, xảy ra trong 3 đến 6 tháng đầu và không ảnh hưởng đến sự sống còn của tạng ghép.

• Yếu tố tăng nguy cơ thải ghép nếu người nhận trẻ tuổi, người cho lớn tuổi, không trùng hợp kháng nguyên HLA, thời gian thiếu máu lạnh (thời gian gan được lấy ra khỏi cơ thể người nhận) kéo dài, rối loạn miễn dịch.

• Viêm gan tái phát sau ghép: Sử dụng thuốc ức chế miễn dịch góp phần gây ra sự tái phát viêm gan virus. Viêm gan C tái phát ở hầu hết các bệnh nhân, thông thường các nhiễm virus không có triệu chứng lâm sàng nhưng có thể gây ra viêm gan cấp và xơ gan.

• Yếu tố nguy cơ tái nhiễm có thể liên quan đến người nhận tuổi cao, kháng nguyên HLA, ung thư biểu mô tế bào gan; người cho tuổi cao, bệnh lý thoái hóa mỡ, thời gian gan lấy ra khỏi cơ thể người cho kéo dài và người cho gan còn sống.

• Gan không hoạt động (xuất hiện 1 - 5% ở bệnh nhân ghép gan).

• Rối loạn chức năng đường mật như: Hẹp ống dẫn mật, rò mật, hẹp miệng nối do thiếu máu, tắc nghẽn đường mật, rò rỉ mật (15 - 20%).

• Huyết khối tĩnh mạch cửa (tỷ lệ dưới 5% bệnh nhân được ghép gan).

• Huyết khối động mạch gan (3 đến 5%) hay gặp ở trẻ em hoặc người nhận các tạng tách ghép.

• Phình động mạch, giả phình và vỡ động mạch gan.

• Sốt, hạ huyết áp, chức năng gan bất thường.

• Chảy máu do vết mổ hoặc các tổn thương mạch máu trong ổ bụng.

• Nhiễm trùng, apxe dưới cơ hoành, rối loạn nhu động ruột,...

• Tác dụng phụ của thuốc chống đào thải: tăng nguy cơ bị nhiễm trùng, nguy cơ mắc phải một số bệnh lý ung thư.

Tỷ lệ sống sau ghép gan

Tỷ lệ ghép gan thành công sống sau khi ghép gan 1 năm: Nếu ghép gan từ người cho sống: 90% và 82% (đối với mô ghép); Nếu ghép gan từ người cho chết não: 90.5% và 85% (đối với mô ghép).

• Tỷ lệ sống sau 3 năm: 79% và 72% (đối với mô ghép).

• Tỷ lệ sống sau 5 năm: 73% và 65% (đối với mô ghép).

• Bệnh nhân ghép gan do suy gan mạn tỷ lệ sống cao hơn so với suy gan cấp.

• Tử vong sau 1 năm thường do nguyên nhân bệnh tái phát (như ung thư, viêm gan nhiễm mỡ không do rượu) hơn là các biến chứng sau ghép.

Tại Việt Nam, lấy số liệu từ 108 ca ghép gan Bệnh viện Trung ương quân đội 108 đã thực hiện trong hơn 4 năm qua, thời gian sống sau 1 năm là 95%, sau 3 năm là 90%. Đây là tỷ lệ tốt so với thế giới.

Riêng với nhóm bệnh nhân ung thư được ghép gan, trên thế giới, 70% bệnh nhân sau ghép khỏe mạnh, không tái phát ung thư, có những nơi lên đến 85-90%. Tại Bệnh viện Trung ương quân đội 108, con số này đang dừng ở mức 88%.

Ca ghép gan đầu tiên ở Việt Nam cho bệnh nhân Nguyễn Thị Diệp, 9 tuổi do bố hiến tặng gan năm 2004 đã sống được 17 năm.

Theo Đời sống
Mất ngủ mãn tính có nguy hiểm không?

Mất ngủ mãn tính có nguy hiểm không?

Mất ngủ mãn tính là tình trạng xảy ra khá phổ biến hiện nay và có thể gặp ở bất cứ lứa tuổi nào. Nếu tình trạng này diễn ra quá lâu có thể sẽ gây ra các bệnh lý nghiêm trọng…. Vậy làm sao để cải thiện tình trạng 
back to top