Cách phòng tránh biến chứng nguy hiểm sau khi ghép gan

Ghép gan là phương pháp điều trị bệnh gan đạt được hiệu quả chữa trị và tỷ lệ sống sót cao. Tuy nhiên sau ghép gan, bệnh nhân sẽ phải đối mặt với nhiều biến chứng nguy hiểm. Vì vậy, cần được chăm sóc hết sức cẩn trọng và tỉ mỉ.

Các biến chứng thường gặp

Nhiễm khuẩn: Giống như hầu hết các loại phẫu thuật khác, phẫu thuật ghép gan thường có nguy cơ nhiễm khuẩn rất cao. Đặc biệt là sau khi ghép gan, bệnh nhân cần phải uống thuốc ức chế miễn dịch để chống thải ghép. Điều này càng khiến cho vết mổ dễ bị vi khuẩn tấn công hơn. Các bác sĩ có thể kê thuốc kháng sinh hoặc kháng nấm cho người bệnh để ngăn ngừa tình trạng nhiễm khuẩn sau ghép gan.

Nguy cơ thải ghép: Cơ chế hoạt động của hệ miễn dịch là tấn công và tiêu diệt các vật thể lạ xâm nhập vào cơ thể. Chính vì vậy, vấn đề lớn nhất sau phẫu thuật ghép gan chính là thải ghép. Do vậy, bệnh nhân cần uống thuốc chống đào thải để cơ thể dung nạp và thích ứng với lá gan mới.

Các vấn đề về đường mật: Đường mật có thể bị rò rỉ dịch mật hoặc tắc nghẽn do ảnh hưởng của ca phẫu thuật ghép gan.

Suy thận: Các thuốc chống thải ghép được dùng sau phẫu thuật có thể là nguyên nhân dẫn đến suy thận. Do vậy, các bác sĩ, ngoài theo dõi tình trạng gan, còn cần theo dõi chức năng của thận để có thể kịp thời đổi thuốc khi cần.

Ung thư da: Da của người ghép sẽ trở nên đặc biệt nhạy cảm với ánh nắng. Hạn chế ra đường từ 10 giờ đến 14 giờ. Bảo vệ da kĩ càng khi đi ra ngoài.

Nguy cơ mắc các bệnh về tim và bệnh mạch vành cao hơn.

Ca ghép gan thành công tại Bệnh viện TƯ quân đội 108 - Ảnh BVCC

Ca ghép gan thành công tại Bệnh viện TƯ quân đội 108 - Ảnh BVCC

Cách chăm sóc bệnh nhân sau phẫu thuật ghép gan

Kiểm tra sức khỏe thường xuyên: Bệnh nhân cần đến bệnh viện tái khám định kì để theo dõi sức khỏe và chức năng của gan mới sau phẫu thuật ghép gan. Những lần tái khám này, bệnh nhân được xét nghiệm máu và đo huyết áp để xác định tình trạng đào thải gan mới, nếu có.

Sau khi ghép gan, bệnh nhân cũng có nguy cơ cao bị mắc các bệnh về tim, mạch vành và xương. Do vậy, bệnh nhân cần đi khám định kì để phòng ngừa, dự đoán và quản lý sớm các bệnh có khả năng phát sinh.

Ăn uống khoa học: Bệnh nhân sau khi ghép gan cần tránh tuyệt đối rượu bia và thuốc lá; Duy trì cân nặng, tránh tăng đường huyết và huyết áp vì chúng rất bất lợi cho lá gan mới; Chọn thực phẩm tươi và sạch, tránh đồ ăn nhiễm khuẩn. Nên ăn chín uống sôi; Tìm hiểu kỹ các thực phẩm nên ăn và thực phẩm cần kiêng sau ghép gan.

Tập thể dục: Tập thể dục giúp bệnh nhân nâng cao hệ miễn dịch, nhanh chóng hồi phục sau phẫu thuật ghép gan. Tuy nhiên, bệnh nhân nên tham khảo ý kiến của bác sĩ và chuyên gia về các bài tập phù hợp cho người ghép gan. Nếu sức khỏe còn yếu, có thể cần đến sự trợ giúp của chuyên viên vật lý trị liệu.

Giữ vệ sinh: Vì ảnh hưởng của thuốc chống thải ghép nên hệ miễn dịch của bệnh nhân ghép gan là vô cùng yếu. Để tránh bị mắc các bệnh truyền nhiễm, bệnh nhân cần giữ vệ sinh cơ thể và vệ sinh nơi ở sạch sẽ.

Khuyến cáo cho các hoạt động thường ngày: Bệnh nhân ghép gan có thể trở lại sinh hoạt bình thường trong vòng 3 tháng sau phẫu thuật. Sau 6 - 12 tháng, bệnh nhân có thể hoạt động thể lực mạnh. Việc phục hồi tùy thuộc vào thể trạng mỗi người. Hãy lắng nghe cơ thể, bạn sẽ biết khả năng hoạt động của bản thân.

Sau phẫu thuật 8 tuần, bệnh nhân có thể quan hệ tình dục trở lại. Tuy nhiên, hãy đảm bảo an toàn tình dục, bởi bệnh nhân sau ghép gan rất dễ mắc các bệnh lây truyền, truyền nhiễm.

Phụ nữ ghép gan cần tránh thai trong năm đầu tiên thực hiện cấy ghép. Khi có dự định mang thai, bệnh nhân cần xin ý kiến bác sĩ và cần được theo dõi chặt chẽ suốt quá trình mang bầu.

BS Lê Trung Hiếu (Khoa Phẫu thuật Gan Mật Tụy, Bệnh viện TWQĐ 108)

Theo Đời sống
Ai có nguy cơ cao mắc bệnh sởi?

Ai có nguy cơ cao mắc bệnh sởi?

Sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra. Đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh sởi là người chưa được tiêm ngừa virus sởi, nhất là trẻ nhỏ rất dễ bị nhiễm bệnh khi tiếp xúc với nguồn lây.
back to top