"Điểm mặt" 8 dấu hiệu cảnh báo thận không khoẻ, cần đi khám ngay

Thận là một trong những cơ quan làm nhiệm vụ xử lý và đào thải độc tố cho cơ thể. Khi cơ quan này phát sinh vấn đề, chúng sẽ “đánh tiếng” ra bên ngoài bằng hàng loạt triệu chứng điển hình.

Thận là bộ phận quan trọng nhất của cơ quan bài tiết nước tiểu. Chúng gồm hai quả nằm cân xứng nhau ở vùng thắt lưng và được nâng đỡ bởi các mô mỡ lân cận.

Mỗi quả thận có khoảng một triệu đơn vị lọc máu. Đại diện trên có khả năng lọc bỏ các độc tố tồn ứ phát sinh do nguyên nhân ngoại sinh hoặc nội sinh. Kết quả của quá trình này là tạo ra nước tiểu chính thức, chúng được quy tụ về bể thận rồi theo ống dẫn nước tiểu đi xuống bóng đái, qua cơ vòng ống đái và bài xuất ra ngoài.

Ngoài chức năng bài tiết nước tiểu, thận còn có khả năng điều hòa thể tích máu nhờ việc kiểm soát lượng dịch ngoại bào. Đặc biệt, bộ phận trên còn được biết đến với vai trò nội tiết nhờ thông qua việc tiết hormone renin giúp điều hòa huyết áp và hormone erythropoietin giúp kích thích tủy đỏ sản sinh hồng cầu.

"Điểm mặt" 8 dấu hiệu cảnh báo thận có vấn đề, cần đi khám ngay - Ảnh minh hoạ

"Điểm mặt" 8 dấu hiệu cảnh báo thận có vấn đề, cần đi khám ngay - Ảnh minh hoạ

Khi thận không khỏe, các chức năng vừa đề cập đến đều bị ảnh hưởng. Chúng có thể giảm đi hoặc bất hoạt hoàn toàn (bệnh lý). Các bệnh lý ở thận rất đa dạng nhưng đáng ngại nhất là suy thận vì vấn đề sức khỏe này diễn tiến âm thầm.

Dưới đây là 8 dấu hiệu cảnh báo thận không khỏe mà rất có thể bạn chưa biết.

Luôn mệt mỏi do thận hoạt động kém

Thận lọc chất thải từ máu và đào thải nó qua nước tiểu. Khi thận không hoạt động đúng cách, chất độc có thể tích tụ lại trong cơ thể. Sự tích tụ này có thể gây mệt mỏi, vì cơ thể phải hoạt động nhiều hơn để cố gắng giữ cân bằng và loại bỏ các chất độc đó.

Ngoài ra, khi thận không hoạt động tốt, có thể xảy ra sự sụt giảm trong sản xuất hormone erythropoietin (EPO), hormone cần thiết cho việc tạo ra hồng cầu. Khi số lượng hồng cầu giảm, lượng oxy được vận chuyển đến các cơ bắp và não bộ cũng giảm theo, dẫn đến cảm giác mệt mỏi, yếu ớt và khó tập trung.

Sưng mặt và bàn chân

Khi thận của bạn không thể loại bỏ tốt natri, chất lỏng sẽ tích tụ trong cơ thể bạn. Điều đó có thể dẫn đến sưng tấy tay, chân, mắt cá chân, cẳng chân hoặc mặt sưng húp. Và protein rò rỉ ra ngoài qua nước tiểu có thể biểu hiện dưới dạng bọng mắt quanh mắt.

Phù nề ở mặt thường xảy ra vào buổi sáng sau khi ngủ dậy và có thể giảm đi trong ngày khi cơ thể di chuyển và thực hiện các hoạt động khác biệt.

Khó thở

Khi bị bệnh thận, các cơ quan của bạn không tạo ra đủ loại hormone EPO, báo hiệu cơ thể sản xuất các tế bào hồng cầu. Không có nó, bạn có thể bị thiếu máu và cảm thấy khó thở. Một nguyên nhân khác là sự tích tụ chất lỏng khiến một người gặp khó khăn trong việc lấy lại hơi thở do chất lỏng tích tụ trong phổi. Trong trường hợp nghiêm trọng, việc nằm xuống có thể khiến bạn cảm thấy như đang chết đuối.

Ngoài ra, khi thận không thể duy trì cân bằng axit-bazơ của cơ thể, có thể phát triển tình trạng nhiễm toan (hay còn gọi là nhiễm độc axit) là tình trạng nồng độ axit trong các dịch cơ thể vượt mức bình thường, xảy ra khi thận và phổi không thể giữ cân bằng pH của cơ thể, có thể kích thích cơ quan hô hấp làm tăng tần suất và độ sâu của nhịp thở (nhiễm toan hô hấp). Điều này cũng góp phần gây khó thở khi bị suy thận.

Ăn không ngon

Bệnh thận có thể gây buồn nôn hoặc nôn và khó chịu ở dạ dày. Điều đó có thể khiến bạn ít thèm ăn. Điều đó đôi khi có thể dẫn đến giảm cân.

Theo Health, khoảng một phần ba số bệnh nhân mắc bệnh thận giai đoạn cuối cũng cho biết có vị kim loại trong miệng, rất có thể là do sự tích tụ các chất thải trong máu, chẳng hạn như ure. Điều này có thể ảnh hưởng đến vị giác của bạn. Mất vị giác là triệu chứng phổ biến khác.

Chuột rút

Chuột rút là hệ quả của tình trạng mất cân bằng giữa chất lỏng và các chất điện giải có trong cơ thể - vấn đề vốn rất thường gặp ở những người mắc bệnh thận. Do đó nếu bạn thấy chuột rút tăng lên, diễn ra thường xuyên và với cường độ mạnh hơn thì hãy thăm khám ngay để làm rõ nguyên nhân.

Phát sinh các vấn đề da liễu

Thận lọc máu kém cũng có nghĩa là chất độc sẽ tích tụ, ứ đọng nhiều trong dịch tuần hoàn. Những thành phần này gây ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều cơ quan nhưng dễ nhìn thấy nhất là qua da. Khi bị nhiễm độc, da sẽ có hiện tượng nổi mẩn đỏ, ban ngứa, khô hoặc bong vảy. Những dấu hiệu này có thể nhầm lẫn với bệnh da liễu thông thường nên bạn cần đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán loại trừ.

Tiểu tiện bất thường

Đây là nhóm dấu hiệu đặc trưng nhất ở những người mắc bệnh thận. Vì cơ quan này làm nhiệm vụ lọc máu, bài xuất nước tiểu nên nếu chúng phát sinh vấn đề thì nước tiểu và thói quen tiểu tiện của người bệnh cũng sẽ có nhiều điểm khác biệt so với bình thường. Cụ thể như sau:

Tiểu tiện nhiều lần, đặc biệt là vào thời điểm đêm muộn.

Nước tiểu đậm hoặc nhạt màu hơn, ít hoặc nhiều hơn hẳn so với bình thường.

Xuất hiện máu trong nước tiểu hoặc có hiện tượng sủi bọt mạnh.

Tiểu khó, căng tức, khó chịu vùng bụng dưới do ứ bế.

Đau lưng

Khi cơ quan thận bị tổn thương, người bệnh sẽ xuất hiện những cơn đau ở vùng thắt lưng lan sang hai bên hông, tương ứng với vị trí của thận. Tất nhiên không phải bệnh thận nào cũng gây đau thắt lưng, hiện tượng trên thường gặp ở những người bị thận đa nang, sỏi thận hoặc viêm cầu thận.

Theo Đời sống
back to top