Đi săn trứng cá tỳ bà

(khoahocdoisong.vn) - Có thể khẳng định, đặc sản miền Tây không gì phổ biến bằng món cá. Nhưng nếu thèm một thứ mồi nhậu đặc biệt thì phải kể đến trứng cá tỳ bà.

Cá hình cây đàn

Cá tỳ bà hay còn có tên gọi khác đúng với “nghề” của nó là cá dọn bể. Người miền Tây gọi là cá lau kính. Cá tỳ bà cũng có nhiều loại, trong đó cá tỳ bà màu nâu đen được xem là loài hoang dã và có tốc độ phát triển nhanh nhất. Cá tỳ bà cũng chia thành nhiều chủng loại khác nhau, trong đó nhiều nhất là loài màu nâu đen sống hoang dã nơi sông hồ nước ngọt hoặc nước lợ.

Đầu to, miệng rộng, vây lưng cao, cứng và thẳng đứng, vây ngực rộng và xòe trông khá giống với cây đàn tỳ bà. Nhiều người còn gọi vui là “cá mặt quỷ”. Cá tỳ bà trước đây nguyên là một loài cá cảnh được nhập về từ Đài Loan, Singapore, Malaysia... Hoặc có tay chơi sang hơn thì nhập hẳn từ Nam Mỹ về.

Cá tỳ bà chuyên ăn rêu, tảo bám trên đá hoặc giáp xác và sinh vật nhỏ tầng đáy. Nó còn ăn luôn các chất bẩn do các loài cá khác thải ra. Chính vì vậy mà có một thời dân chơi cá cảnh coi cá tỳ bà như một “nhân viên” lau chùi bồn cá cảnh đắc lực. Có lẽ cũng từ đó, cá tỳ bà còn có thêm tên nữa là cá dọn bể.

Tuy nhiên, sau khi giới chơi cảnh kiểng nước ta nhập máy hút cặn bẩn, loài cá này cũng dần bị ghẻ lạnh. Giá bán cá tỳ bà rẻ như cho, lại thêm hình thù xấu xí nên người ta đem thả ra sông. Không ngờ chỉ sau một thời gian ngắn, cá tỳ bà sinh sôi nảy nở ngoài sức tưởng tượng.

Cá tỳ bà hay còn có tên gọi khác đúng với “nghề” của nó là cá dọn bể.

Cá tỳ bà hay còn có tên gọi khác đúng với “nghề” của nó là cá dọn bể.

Nỗi ám ảnh của ngư dân

Cá tỳ bà có khả năng thích nghi với môi trường sống rất mạnh, lại là loài ăn tạp nên càng sinh trưởng nhanh. Chúng đẻ trứng quanh năm và khả năng trứng nở lên tới 70%. Đặc tính của cá tỳ bà cũng rất hung dữ. Mỗi khi phát hiện thức ăn, cá tỳ bà sẽ giương những chiếc vây nhọn khiến các loài cá khác không dám đến gần.

Mỗi khi nguồn thức ăn trong khu vực chúng sinh sống gần cạn kiệt, cá tỳ bà lại đu bám những loài cá khác để hút chất nhầy. Chúng đặc biệt thích “đu bám” các loài cá da trơn, hoặc vảy có nhiều chất nhầy và di chuyển chậm như cá tra, ba sa, chép, mè... Những con cá khác này lâu dần đều có phản xạ kém rồi kiệt sức mà chết.

Nhiều nơi khác nếu có cá tỳ bà xuất hiện, các loài cá khác sẽ bỏ đi. Chính vì thế, có một độ, những ngư dân dạo dọc sông Hậu, sông Tiền phải khóc dở mếu dở vì không tìm thấy nguồn cá.

Không chỉ sinh sống ngoài kênh rạch, cá tỳ bà còn xâm nhập vào các ao nuôi. Anh Sáu Đài, một chủ ao ở xã Bắc Sơn (Trảng Bom, Đồng Nai) than thở: “Giá cá nuôi thì ngày một chững lại, tiền mua thức ăn thì tốn kém mà đống cá lau kiếng nó lọt vô ao nữa thì cực lắm. Chúng ăn khoẻ gấp đôi cá thường”.

Đến mùa nước lũ, nhiều chủ ao phải be bờ, gia cố ao thật chắc chắn nhưng vẫn nơm nớp lo sợ cá tỳ bà lọt vào. Sự phát triển quá nhanh của cá tỳ bà khiến người ta liên tưởng đến nạn ốc bươu vàng nhiều năm trước. Chúng cũng được xem là loài xâm lấn nguy hiểm với môi trường.

Cá dọn bể khi trưởng thành có chiều dài từ 60 – 80cm và nặng trên 1kg. Nhưng phần vì thân to mà ít thịt, phần vẻ ngoài dữ tợn nên không ai dám ăn. Có những mẻ lưới vó cất lên 3 phần thì có 2 phần là cá tỳ bà. Nhiều người tiếc rẻ đem về băm nhỏ làm thức ăn cho vịt hoặc nấu cám cho heo.

Lặn sông mò trứng

Theo ngư dân các tỉnh miền Tây, cá tỳ bà có tập tính đào hang đẻ trứng vào mỗi kỳ sinh sản. Bằng cái đầu to và đôi vây cứng, chúng đào đất rất nhanh và sâu. Các hang được đào bên mép bờ kênh rạch dưới các rặng cây rậm rạp. Tuy nhiên cũng có những con đẻ trứng ngay dưới đáy sông hoặc lòng kênh.

Các dòng kênh lớn như Mặc Cần Dưng, Vịnh Tre, Cây Dương, Long Xuyên, sông Vàm Nao... được xem là nơi cá tỳ bà cư ngụ dày đặc. Vì vậy, theo kinh nghiệm xem con nước, trẻ em miền Tây thường bơi ghe dọc mé kênh và rồi lặn thùm xuống những chỗ đáy nước đổi màu.

Trứng tỳ bà có màu vàng ươm như lòng đỏ trứng gà. Các trứng nhỏ được kết dính với nhau bằng chất nhầy đặc biệt tạo thành chùm vài trăm quả. Vào kỳ sinh sản, mỗi con cá tỳ bà có thể đẻ đến hơn 6.000 quả trứng. Có những chùm trứng to như quả trứng ngỗng, lại có những chùm trứng nhỏ chỉ bằng quả sung.

Mỗi hang, cá tỳ bà thường chỉ “cất giấu” một chùm trứng. Nhưng cũng có những trường hợp người mò tìm thấy 2 - 3 chùm nữa. Bởi hang đấy được những con cá tỳ bà khác mượn chỗ.

Càng những nơi nước đục, lặng và có nhiều tán cây dại rợp bóng che phủ, cá tỳ bà càng tìm tới đào hang đẻ trứng. Đặc biệt, cá tỳ bà càng thích đẻ trứng ở những triền sông nơi có nhiều rễ cây đâm xuống. Bởi khi cá con nở, chúng có thể tự tìm lấy thức ăn là những loài sinh vật phù du sống quanh rễ cây.

Ở những khu vực này, nếu trúng đậm người ta có thể thu được cả thúng trứng cá chỉ trong 1 giờ đồng hồ tìm kiếm. Những chùm trứng vàng ươm như sáp ong được đem về chế biến thành món đặc sản vừa ngon lại bổ dưỡng.

Đặc sản nhớ đời

Theo bà con khu vực Đồng Tháp Mười, trước đây không ai dám ăn cá tỳ bà, nhưng thấy heo gà ăn đều lớn nhanh nên mấy tay bợm nhậu mới thui rơm ăn thử. Thật không ngờ, thịt cá tỳ bà lại chắc và thơm ngọt hơn cả thịt gà vườn. Đặc biệt ngon nhất là phần trứng vừa bùi lại thơm.

Các bà nội trợ nếu thích cải thiện bữa cơm cho gia đình, có thể đem cá hầm với nước dừa hoặc nấu canh chua; hoặc phi lê thịt cá rồi nướng thơm ăn kèm bánh tráng và rau sống. Còn trứng cá tỳ bà được các ông sành nhậu chế biến theo nhiều món khác nhau như: chiên giòn, nướng trui, om sả, áp chảo. Món nào cũng được nhận xét là béo ngậy, ngon bá cháy và... tốn rượu.

Trứng cá sau khi được rửa sạch có thể để nguyên chùm cho vào nồi luộc cùng với lá sả và cây sả đã đập giập. Đây là cách chế biến trứng tỳ bà nhanh gọn và đơn giản nhất. Trứng cá luộc chín chấm với muối tiêu chanh ăn có vị bùi, dai và lạ miệng không kém gì những món trứng cá đắt tiền khác.

Tỉ mỉ hơn, trứng cá tỳ bà lại được tách rời ra khỏi chùm sao cho không giập. Rửa sạch để ráo rồi cho thêm trứng gà đã đánh nhuyễn, trộn bột rồi chiên giòn. Món này có thể ăn kèm cơm nóng hoặc làm mồi nhậu đều rất hợp.

Ông Tư, một lão ngư ở Ninh Kiều (Cần Thơ) vẫn quen gọi cá tỳ bà là cá lau kiếng thì cho rằng: “Trứng cá lau kiếng nướng mỡ hành lên còn thơm hơn cả thịt của nó nữa, mà lại giàu đạm. Ăn no bụng chứ không thấy no miệng đâu. Nhậu trứng cá lau kiếng đêm ngủ quên sầu mấy chú ơi”.

Trứng cá tỳ bà bây giờ đã thành đặc sản miền Tây. Thậm chí thực đơn của những nhà hàng nổi tiếng ở Ninh Kiều (Cần Thơ), Long An, Đồng Tháp.... trứng và cá tỳ bà đều xuất hiện trong danh mục thực đơn và được khách hàng đón nhận.

“Cá lau kính hay còn gọi là cá tỳ bà... tên khoa học là Hypostomus punctatus; có nguồn gốc từ Nam Mỹ, được nhập vào nước ta qua đường kinh doanh cá cảnh. Sau khi phát tán ra môi trường tự nhiên chúng phát triển rất nhanh. Một con cá mỗi lần đẻ 5.000 - 6.000 trứng. Chúng có khả năng cạnh tranh thức ăn với các loài khác và gây mất cân bằng sinh thái”, PGS.TS Võ Sĩ Tuấn – Viện Hải dương học.

Theo Đời sống
back to top