Bà Hoàng Thị Mai, người bán bánh và hạt tam giác mạch lâu năm tại khu Nhà Vương, huyện Đồng Văn.
Món cứu đói của người H’Mông
Nếu ai đó có dịp lang thang qua một số phiên chợ thuộc huyện Đồng Văn… sẽ bắt gặp những người dân chuyên làm món bánh tam giác mạch.
Bà Hoàng Thị Mai, người dân sống cạnh biệt thự Nhà Vương, huyện Đồng Văn vừa đưa tay nướng những mẻ bánh cuối cùng phục vụ du khách, vừa kể về món ăn đặc biệt mang thương hiệu của người H’Mông. Theo đó, bánh tam giác mạch được người H’Mông ăn trong những ngày lễ, tết theo cách riêng của mỗi nhà. Khi nói bánh được ăn vào dịp lễ, tết, nhiều người cứ nghĩ đó là món ăn đặc biệt, thuộc loại quý hiếm. Nhưng không. Bánh này chỉ được dùng trong trường hợp thiếu đói. Chẳng hạn như ngày lễ, tết nhưng trong nhà nào đó không có gạo, có thịt để ăn thì người ta sẽ làm món bánh tam giác mạch.
Nhiều người H’Mông không muốn nhắc tên loại bánh truyền thồng này trong những dịp lễ, tết. Bởi nó là hiện thân của sự nghiệt ngã trong cuộc sống, của cái nghèo và túng quẫn.
Vừa đưa những miếng bánh mềm dẻo, nóng thơm lên môi, bà Hoàng Thị Mai cho biết: Ngày xưa, bánh tam giác mạch không ngon như bây giờ. Do người dân dùng nguyên liệu ẩm mốc, và không có đường để cho vào bánh khiến cho loại đặc sản này lạc vị. Nhiều gia đình may mắn mua được vài lạng đường cho vào bánh thôi đã là may lắm và khi ăn, miếng bánh cũng ngon hơn hẳn so với không có đường.
Anh Sùng Seo Tình, người dân xã Xà Phìn, huyện Đồng Văn cho biết: “Gia đình chúng tôi làm bánh tam giác mạch từ hàng đời nay. Mỗi khi hết gạo, đói ăn gia đình tôi lại làm bánh tam giác mạch. Món này cũng có thể ví với cơm trộn khoai sắn của người dân tộc khác. Đó là bánh được trộn với gạo để ăn qua ngày vì thế mà tiết kiệm được khá nhiều lương thực”.
Theo lời anh Tình, món bánh tam giác mạch là thức ăn dự phòng xếp thứ 2 sau món mèn mén của người H’Mông. Có lẽ, ở dải đất cao nguyên lồng lộng gió, nắng rất hợp với loài cây tam giác mạch, cho nên chỗ nào cũng xuất hiện loài cây “đặc sản” miền Tây Bắc. Tam giác mạch mọc trên các sườn đồi, kẽ đá… mà không cần bàn tay chăm sóc của con người.
Đặc sản Đồng Văn
Để làm bánh tam giác mạch, người dân phải phơi hạt khô, sau đó xát ra như thóc để lấy nhân bên trong. Khi làm bánh, người dân sẽ phải nghiền hạt tam giác mạch và gạo tẻ thành bột rồi trộn với đường trắng. Sau khi trộn đều các loại ngũ ngốc này với nhau thì cho nước nóng với lượng vừa phải để nhồi thành bánh theo kích cỡ tùy ý. Khi nhồi thành bánh rồi thì người dân có thể đem hấp hoặc nướng trên than hồng. Lúc chín, bánh tam giác mạch có màu xanh lam, vị na ná như bánh bao và ngọt nhẹ.
Bà Hoàng Thị Mai cho biết: Trước đây, người dân cho đường vào bánh tùy vào sở thích của mỗi người. Nhưng khi đem bánh ra chợ bán cho du khách, thợ làm bánh thường cho lượng đường vừa phải để bánh có vị ngọt nhẹ. Nếu du khách nào muốn tăng vị ngọt thì có thể chấm với sữa đặc có đường. Hiện nay, bánh tam giác mạch khá phổ biến ở Đồng Văn và được người dân sử dụng như món bánh bao, bánh mỳ…
Bánh tam giác mạch được coi là lương thực xếp thứ 2 sau mèn mén của người H’Mông.
Mỗi ngày thu 600 ngàn đồng
Mặc dù trước đây, bánh tam giác mạch chỉ được dùng vào những ngày thiếu đói, nhưng rồi, đời sống người dân trên cao nguyên đá dần được nâng lên. Dù còn lắm gian nan, nhưng cái ăn, cái mặc không còn là áp lực trong ngày. Nhiều gia đình chỉ làm bánh tam giác mạch theo kiểu ăn chơi, rồi khách du lịch thấy lạ, nhờ dân bản làm để thưởng thức vị lạ chốn cao nguyên, thành thử, món ăn của dân nghèo lại trở thành thứ đặc sản được nhiều người yêu thích.
Bà Hoàng Thị Mai hồ hởi khoe: Do bán hàng ở trước cửa Dinh thự họ Vương, nơi có đông khách du lịch nên mỗi ngày bà bán được 300 chiếc bánh tam giác mạch. Mỗi chiếc bánh được bán với giá 20 ngàn đồng. Tính ra, mỗi ngày bà thu về 600 ngàn đồng. Nếu trừ các khoản chi phí, bà Mai còn lãi được hơn 300 – 350 ngàn đồng.
“Có hôm, nhiều đoàn khách du lịch đặt mua cùng lúc đến 300 – 400 chiếc bánh, tôi làm không kịp. Khách thường mua về làm quà biếu hoặc ăn tạm khi đói. Những ngày là phiên chợ, số lượng bánh tam giác mạch được bán ra nhiều gấp đôi ngày thường, giúp bà con thu về số tiền 8 – 9 triệu đồng mỗi tháng. Với mức sinh hoạt ở vùng cao nguyên này thì thu nhập như vậy đã được gọi là khá”, bà Mai cho biết.
Ngoài bán bánh, bà Mai còn bán hạt tam giác mạch. Mỗi ống tam giác mạch được bán với giá 10 ngàn đồng. Nếu đem chế biến thành bánh thì mỗi ống làm được 5 cái bánh. Đặc điểm của loại hạt này là độ nở gần giống như bánh mỳ nên đảm bảo người bán bánh không bị lỗ. Không những thế, mỗi ống hạt tam giác mạch được bà Mai cùng các thương lái mua lại của dân bản với giá từ 6 – 7 ngàn đồng nên đảm bảo khi bán lại vẫn lãi 3 – 4 ngàn đồng.
Ngoài bà Mai, một số hộ dân bán bánh tam giác mạch cũng có thu nhập thuộc loại khá thời gian gần đây. Chị Giàng Giảo Phỉn người huyện Đồng Văn cho biết: Mỗi ngày, gia đình chị bán được khoảng 150 – 200 chiếc bánh tam giác mạch cho khách du lịch. Số tiền thu được mỗi tháng chị dùng để mua xe máy, sách cho 2 đứa con ăn học và còn tích cóp được tiền sửa chữa nhà cửa.
Chị Phỉn mới bán bánh tam giác mạch cho khách được gần 3 năm nay. Trước đây, chị chỉ làm bánh để phục vụ nhu cầu của gia đình. Sau đó, vì thấy nhiều người bán loại bánh truyền thống này được nhiều tiền nên chị học theo. Vốn ban đầu bỏ ra chỉ có 30 ngàn đồng dùng để mua đường trắng và 10 ống hạt tam giác mạch mà gia đình dự trữ được. Sau đó, chị trích hẳn một nửa số tiền thu được từ bán bánh để tiếp tục mua đường và hạt tam giác mạch để bán bánh lâu dài. Đến nay, gia đình chị đã có thu nhập ổn định mỗi tháng khoảng 4 – 5 triệu đồng.
“Ngoài thu nhập từ bán bánh, mỗi khi khách muốn chụp ảnh người dân tộc thì phải trả cho tôi 10 – 20 ngàn đồng. Thỉnh thoảng có khách nước ngoài sau khi chụp ảnh còn cho tiền nhiều hơn. Mỗi tháng, tôi được khách du lịch cho 200 – 300 ngàn đồng từ việc chụp ảnh”, chị Giàng Giảo Phỉn cho biết.
Dương Phi Long