Ngừng tuần hoàn ngay khi chờ khám
Bệnh nhân NTH, (nữ 32 tuổi, Hải Phòng) không có tiền sử bệnh gì đặc biệt. Trước ngày vào viện khoảng 1 tháng, người bệnh thường xuyên xuất hiện đau đầu, dùng thuốc giảm đau có đỡ. Tuy nhiên, vài ngày trước khi vào viện, đau đầu ngày một tăng, đau không đáp ứng với thuốc giảm đau, không có biểu hiện buồn nôn hoặc nôn, không có các dấu hiệu liệt thần kinh khu trú. Ngày 13/11, trong lúc chờ khám tại Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân đau đầu dữ dội và ngừng tuần hoàn.
Ngay lập tức các bác sĩ đã hồi sinh tim phổi (ép tim ngoài lồng ngực, bóp bóng có oxy qua mặt nạ mặt...) và khoảng 3 phút thì tim bệnh nhân đập lại. Bệnh nhân được tiến hành đặt ống nội khí quản, thở máy, dùng thuốc co mạch và trợ tim, truyền dịch và bồi phụ điện giải.
Sau cú ngừng tuần hoàn, tình trạng của người bệnh rất xấu, hôn mê sâu, đồng tử hai bên chưa giãn nhưng phản xạ với ánh sáng rất kém, huyết động còn ổn định (mạch: 100 lần/phút, huyết áp: 100/60 mmHg) mà không phải dùng thuốc co mạch và trợ tim, không có dấu hiệu liệt nửa người. Kết quả phim CT scan sọ não và phim chụp cắt lớp vi tính đa dãy (MSCT scan) cho thấy vỡ túi phình mạch máu não ở đoạn tận động mạch cảnh trong. Đây chính là nguyên nhân khiến bệnh nhân bị đột quỵ chảy máu dưới nhện dẫn tới ngừng tuần hoàn.
Các bác sĩ đã tiến hành can thiệp nội mạch nhằm bít tắc túi phình động mạch não. Sau 7 ngày điều trị, người bệnh đã hoàn toàn tỉnh táo và có thể nói chuyện được.
PGS.TS Nguyễn Văn Chi, Phụ trách khoa Cấp cứu bệnh viện Bạch Mai cho biết, đau đầu là lý do thường gặp khiến bệnh nhân phải vào khám cấp cứu. Tuy chỉ chiếm 1% tất cả các trường hợp đau đầu, nhưng đau đầu gây ra bởi đột quỵ chảy máu dưới nhện do vỡ túi phình động mạch não lại là một trong những tình trạng có tỷ lệ tử vong hàng đầu (27 – 44%, thậm chí lên tới 65%). Ngoài biến cố chảy máu dưới nhện do vỡ túi phình động mạch não, bệnh nhân còn gặp phải biến chứng ngừng tuần hoàn đã làm cho tình trạng bệnh đã nặng lại càng nặng nề hơn, khả năng sống sót là rất thấp. Tỷ lệ sống sót đối với ngừng tuần hoàn xảy ra bên ngoài bệnh viện là dưới 10% và đối với ngừng tuần hoàn xảy ra trong bệnh viện là dưới 20%.
Nút phồng không cần phẫu thuật
PGS.TS Lê Văn Trường, Viện trưởng Viện Tim mạch. Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 cho biết, phồng động mạch não là tổn thương phồng ra bất thường trên thành động mạch não, tạo ra một điểm yếu dễ vỡ, hay gặp ở vùng nền sọ. Phồng động mạch não tồn tại không triệu chứng trong thời gian dài, và thường được phát hiện khi to lên gây chèn ép các dây thần kinh và tổ chức xung quanh hoặc đã bị vỡ gây chảy máu não. Khoảng 1-2% dân số bị phồng động mạch não, trong đó mỗi năm có khoảng 1% bệnh nhân bị vỡ phồng động mạch não. Khoảng 10-15% số bệnh nhân vỡ phồng động mạch não bị tử vong trước khi đến viện và nếu không được điều trị kịp thời thì có đến 50% tử vong trong tháng đầu tiên sau vỡ túi phồng. Phồng động mạch não có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng thường gặp nhất từ 40-60.
Thông thường khi chưa bị vỡ, bệnh nhân có thể có triệu chứng như đau đầu kéo dài, giảm thị lực, đau sau hốc mắt, sụp mi, giãn đồng tử, liệt vận động nhãn cầu, nhìn đôi... Khi bị vỡ, triệu chứng đầu tiên thường là cơn đau đầu đột ngột, dữ dội và các triệu chứng sau: Buồn nôn và nôn, cứng/đau gáy, nhìn mờ hoặc nhìn đôi, đau trên hoặc sau hốc mắt, giãn đồng tử, tăng cảm với ánh sáng, bại-liệt tay chân, cơn co giật...
Khi đã xác định chảy máu dưới nhện do vỡ phồng động mạch não, bệnh nhân cần được điều trị càng sớm càng tốt để dự phòng bị chảy máu tái phát. Hiện nay, có hai phương pháp chính: Phẫu thuật mổ mở, tìm túi phồng và kẹp ngang cổ túi bằng kẹp kim loại. Can thiệp mạch: là phương pháp không mổ, sử dụng ống thông đi trong lòng mạch nhờ màn hình dẫn đường, đưa ống thông vào lòng túi phồng và nút đầy túi phồng.
Thúy Nga