Đàm hỏa quấy rối tâm sinh bệnh

(khoahocdoisong.vn) - Đông y cho rằng, chứng đàm hỏa quấy rối tâm là do nhiệt sinh đàm, cũng có khi do đàm sinh nhiệt. Đàm là cái hỏa hữu hình, hỏa sinh ra đàm là vô hình, khi khám bệnh phải nghiền ngẫm mà suy luận.

Điều hòa suy thịnh nguyên khí

Khi đàm chưa gây bệnh thì nó là chân âm trong cơ  thể. Hỏa chưa gây bệnh thì chân dương trong cơ thể. Nếu hai cái đó không hòa hợp được thì làm lục đục trong người. Khi đàm gặp hỏa thì bốc lên chèn cổ họng. Khi hỏa gặp đàm thì bốc lên tận phế hoặc lưu lại ở tỳ vị, hoặc thấm vào kinh lạc, hoặc tản ra tứ chi mà đọng lại ở cơ nhục, hoặc tràn lên yết hầu mà sinh ra các bệnh khác nhau.

Khi điều trị muốn thanh cái “tiêu” là đàm. Trước hết phải trị cái “bản” là hỏa. Muốn biết được hỏa mạnh hay yếu thì phải biết được khí thịnh hay suy. Nếu nguyên khí thịnh thì hỏa tất thực, nếu nguyên khí hư thì hỏa tất hư. Điều hòa được sự thịnh suy của nguyên khí thì bệnh sẽ khỏi.

Nguyên nhân sinh bệnh

Chứng đàm hỏa quấy rối tâm là chỉ các chứng trạng do đàm với hỏa cấu kết với nhau quấy rối tâm thần mà sinh bệnh. Phần nhiều người mắc bệnh vốn tình chí uất kết, mừng giận thất thường, dẫn đến đàm hỏa quấy rối ở trên, đàm thấp thịnh ở dưới, thấp uẩn tích lâu ngày hóa thành nhiệt mà sinh ra chứng đàm hỏa quấy rối ở tâm.

Triệu chứng lâm sàng, bệnh nhân hồi hộp, tâm phiền, mặt đỏ, miệng khô, mất ngủ, khi ngủ hay mê sảng dễ kinh sợ. Bệnh nặng thì nói năng lộn xộn, cười khóc thất thường, tiểu tiện vàng đỏ, đại tiện táo khô, rêu lưỡi vàng nhớt, mạch hoạt sác.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Cơ chế bệnh

Chứng đàm hỏa quấy rối tâm thường xuất hiện những chứng bệnh khác nhau. Ở người béo mập vốn có đàm trọc thịnh ở trong. Thấp và trọc cấu kết lâu ngày hóa thành nhiệt mà sinh hỏa, hỏa quấy rối tâm thần ở thượng tiêu. Trong trường hợp người âm hư dương cang, tình tự hay biến hóa, tính tình dễ nóng nảy. Nếu bị kích động từ bên ngoài mà sinh ra uất ức, hóa hỏa.

Lý Đông Viên cho rằng: “Khí hữu dư sẽ sinh hỏa, hỏa vượng thì hun đốt tân dịch thành đàm, đàm hỏa cấu kết với nhau quấy rối tâm thần ở trên, bệnh nhẹ thì tâm phiền, đắng miệng, mất ngủ, nặng thì thần trí bị rối loạn, nói năng lung tung, hỏa thuộc dương, dương mạnh thì phát cuồng”.

Điều trị

- Chứng tâm thần người cao tuổi. Do tuổi cao tình chí không thư thái, hay tức giận làm hại đến can, làm can khí uất hóa hỏa, hỏa nung nấu tân dịch thành đàm, đàm hỏa quấy rối tâm, vít lấp tâm khiếu làm thần khí nghịch loạn sinh ra bệnh. Triệu chứng: tâm phiền hồi hộp, nói năng lẫn lộn, cuồng táo vong động, đại tiện táo bón, rêu lưỡi nhớt, mạch sác. Điều trị: Trừ đàm thanh hỏa trấn tâm an thần.

Bài thuốc: Thiên môn 12g, quất hồng bì 8g, phục linh 8g, đan sâm 12g, đởm nam tinh 8g, liên kiều 8g, câu đằng 12g, mạch môn 12g, thạch xương bồ 8g, huyền sâm 12g, xuyên bối mẫu 12g, viễn chí (bỏ lõi) 6g, phục thần 8g, chu sa (thủy chế) 1,2g (khi thuốc nguội mới cho vào), sinh thiết lạc vừa đủ. Cách dùng: Ngày uống một thang sắc uống 3 lần trong ngày, uống lúc đói.

- Chứng bất mỵ (mất ngủ). Đàm hỏa quấy rối tâm, tâm thần không yên mà sinh chứng mất ngủ, khi ngủ hay mê sảng. Triệu chứng: Bệnh nhân khó ngủ, có khi mất ngủ trắng đêm, tâm phiền, hay cáu giận, đầu lưỡi đỏ, mạch huyền. Điều trị: Thanh tâm khu đàm.

Bài thuốc: Thập vị ôn đởm thang. Bán hạ (chế) 12g, phục linh 8g, nhân sâm 6g, viễn chí  6g, thục địa 8g, trần bì 12g, chỉ thực 8g, hắc táo nhân 12g, ngũ vị tử 6g, chích thảo 4g. Tùy theo chứng trạng của bệnh nhân có thể gia giảm cho thích hợp. Cách dùng: Ngày uống một thang sắc uống 3 lần trong ngày, uống lúc đói.

- Chứng trúng phong. Do tình chí thất thường, lo nghĩ tức giận, ăn uống kém lại không điều độ, uống nhiều rượu bia, hút thuốc lá, cơ thể luôn mệt mỏi là nhân tố dẫn đến âm dương không điều hòa, âm bị hãm xuống dưới, dương nghịch lên trên, dương hóa thành hỏa kèm theo đàm quấy rối mà sinh bệnh.

Triệu chứng: Bệnh nhân bán thân bất toại, miệng mắt méo xệch, nói năng khó khăn, thần thức lơ mơ, miệng khô, trong người phiền táo, đại tiện táo bón, rêu lưỡi vàng, mạch huyền sác. Điều trị: Thanh hỏa giáng nghịch bình can dẹp phong.

Bài thuốc: Thanh can thang. Bạch thược 12g, đan bì 8g, chi tử 8g, đương qui 8g, xuyên khung 6g, sài hồ 6g, Tùy chứng trạng của bệnh nhân mà gia thêm vị cho thích hợp. Cách dùng: Ngày uống một thang sắc uống 3 lần trong ngày, uống lúc đói.   

Theo Đời sống
back to top