Chứng Tâm Phế khí hư do tâm thần bị hao tán

(khoahocdoisong.vn) - Đông y cho rằng, cái thần của năm tạng đều thuộc về tâm (tim), khi tâm lo lắng thì phế (phổi) phải phản ứng theo, nếu lo lắng nhiều thì dương khí căng thẳng, dinh khí và vệ khí ngày càng hao mòn làm liên lụy đến phế.

Trong Đông y, Tâm chứa thần, Phế chứa khí, đó là hai tạng dương, nếu vui mừng đột ngột nhiều quá, hoặc buông thả về tình dục thì làm thần khí hao tán, tinh thần kiệt quệ, không thuốc nào cứu nổi.

Nguyên nhân bệnh

Chứng tâm phế khí hư thường do nội thương mệt nhọc, hoặc tâm và phế mắc bệnh kéo dài làm công năng của hai tạng tâm và phế đều suy nhược, dẫn đến phế khí bất túc, tâm khí hao tổn. Hoặc do các tạng khác mắc bệnh liên lụy đến hai tạng này mà sinh bệnh.

Cơ chế bệnh

Hai tạng tâm và phế đều ở trong lồng ngực, tâm chủ huyết, phế chủ khí toàn thân, trông coi về hô hấp. Khí là soái của huyết, Khí hành thì huyết mới hành, ngược lại huyết tải khí đi nuôi cơ thể nên Đông y gọi “Huyết là mẹ của khí”, khí và huyết đều hóa sinh lẫn nhau.

Khi tâm khí hư thì không giúp cho phế khí tuyên phát, dẫn đến phế khí cũng hư theo, ngược lại khi phế khí hư không dồn rót vào mạch máu của tâm, dẫn đến tâm khí cũng hư theo. Chứng tâm phế khí hư thường gặp ở người cao tuổi, nhất là những người ho suyễn lâu ngày. Khi khí cơ của tâm và phế không đủ, công năng bảo vệ bên ngoài sút kém, người bệnh dễ cảm mạo, khi gặp thời tiết lạnh bệnh tình càng nặng thêm.

Tâm phế khí hư ảnh hưởng đến công năng tuyên phát và phân bố của phế, làm cho tân dịch ngưng tụ lại mà thành đàm ẩm (mỡ trong máu cao). Khi tâm khí hư ảnh hưởng đến tâm dương, làm tâm dương hư yếu, không ôn hóa được thủy dịch mà sinh ra chứng phù thũng, cho nên chứng này thường kiêm cả đàm ẩm, thủy thấp, hư thực lẫn lộn.

Chứng tâm phế khí hư còn làm cho sự vận hành của huyết yếu ớt, dẫn đến chứng ứ huyết làm môi miệng tím tái. Chứng tâm phế khí hư sớm muộn sẽ ảnh hưởng đến tỳ và thận. Do tỳ hư liên lụy đến thận, hoặc vì khí hư tâm dương không làm ấm áp được thận dương, làm thận khí hư suy, khi thận không nạp được khí, sinh ra chứng đoản hơi ho suyễn làm cho bệnh tình nặng thêm, cuối cùng khí thoát ở trên, khiến cho âm dương chia lìa đe dọa tính mạng của bệnh nhân.

Điều trị

Bổ phế dẹp suyễn ích khí dưỡng tâm. Bài thuốc: “Bổ phế thang gia giảm”: nhân sâm 12g, hoàng kỳ 12g, tử uyển 8g, thục địa 16g, ngũ vị tử 4g, tang bạch bì 12g. Cách dùng: Tùy chứng trạng của bệnh nhân có thể gia thêm các vị khác. Ngày uống một thang, sắc uống 3 lần trong ngày, uống trước khi ăn hoặc lúc đói.

Người mắc chứng hư lao dẫn đến tâm phế khí hư: Do tâm phế khí hư dẫn đến tông khí (khí của thức ăn đồ uống kết hợp với khí trời để sinh ra khí và huyết) không đủ, khí không thúc đẩy được huyết vận chuyển làm tim mạch vô lực mà sinh bệnh.

Triệu chứng: Bệnh nhân đoản hơi, hồi hộp, tiếng nói nhỏ, mặt nhợt nhạt, tự ra mồ hôi, đêm ngủ không yên, hay mỏi mệt, sức yếu, ho thở gấp. Điều trị: Bổ ích khí của tâm phế. Bài thuốc: “Bảo nguyên thang” phối hợp với “Bổ phế thang gia giảm”. Nhân sâm 12g, nhục quế 6g, hoàng kỳ 12g, chích thảo 4g. Cách dùng: Ngày uống một thang, sắc uống 3 lần trong ngày, uống trước khi ăn, khi thuốc còn ấm.

Do Tâm phế khí hư sinh ra chứng tự hãn (tự ra mồ hôi). Mồ hôi là dịch của tâm. Phế hợp với bì mao, khi tâm phế khí hư, bì mao đóng không kín, dịch của tâm tiết ra ngoài sinh ra chứng tự hãn. Triệu chứng: Bệnh nhân ra mồ hôi, sợ gió, hoặc ra mồ hôi mà tâm hồi hộp, ngủ không yên, hay cảm mạo, rêu lưỡi trắng, mạch tế nhược.

Điều trị: Dưỡng tâm, ích khí cố biểu. Bài thuốc: “Ngọc bình phong tán” phối hợp với bài “quế chi cam thảo thang”. Hoàng kỳ 12g, phòng phong 8g, bạch truật 12g, quế chi 8g, cam thảo 4g. Tùy chứng trạng của bệnh nhân có thể gia giảm cho thích hợp. Cách dùng: Ngày uống một thang, sắc uống 3 lần trong ngày, uống sau khi ăn.  

 Do tâm phế khí hư sinh quyết chứng (tay chân run hoặc co giật). Bệnh nhân thể trạng hư yếu, hay mệt mỏi, trí tuệ không minh mẫn, thường do khí của tâm phế thoát ra ngoài, hoặc hãm xuống dưới. Triệu chứng: Bệnh nhân đoản hơi, thở ngắt quãng, ra mồ hôi, tay chân lạnh, sắc mặt trắng nhợt, có khi bị ngất xỉu. Điều trị: Ích khí cố thoát: Bài thuốc: “Tứ vị hồi dương ẩm”. Nhân sâm 20g, phụ tử chế 8g, bào khương 12g, cam thảo 6g . Tùy chứng trạng của bệnh nhân có thể gia thêm một số vị cho thích hợp. Cách dùng: Ngày uống một thang, sắc uống 3 lần trong ngày, uống sau khi ăn.

  TTND.BS cao cấp Nguyễn Xuân Hướng (Nguyên Chủ tịch Hội Đông y VN)

Theo Đời sống
back to top