Mới 34 tuổi đã bị ung thư “gõ cửa” tới hai lần

Một người bị mắc 2 loại ung thư cùng lúc có thể xảy ra. Xác suất cao hơn nếu một trong hai là dạng ung thư phổ biến. Có những người mắc 2 loại ung thư không phải do di truyền hay di căn...

Một người phụ nữ mới 34 tuổi đã bị ung thư “gõ cửa” tới hai lần nhưng chị vẫn giữ vững nghị lực và sự lạc quan.

Cùng lúc mắc cả ung thư vú và ung thư đại tràng

Chị N.N.N, 34 tuổi, địa chỉ tại Đông Triều - Quảng Ninh đã từng suy sụp khi căn bệnh ung thư 2 lần “gõ cửa” tìm đến. Song với nghị lực của bản thân cùng sự đồng hành của các bác sĩ Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí đã giúp chị vượt qua nỗi sợ hãi, từng bước chiến thắng bệnh tật.

Năm 2021, chị N. đang ở độ tuổi 34, hạnh phúc với tổ ấm nhỏ, cùng chồng chăm sóc hai đứa con thơ và chuẩn bị đón thêm thành viên mới. Cuộc sống tưởng chừng cứ vậy êm đềm trôi qua, thì chị N. như ngã quỵ khi nhận được kết quả chẩn đoán ung thư vú phải, phải cắt bỏ toàn bộ vú phải. Khi ấy chị đang mang thai con thứ ba ở tuần thứ 34.

Chị lo lắng, sợ hãi nghĩ đến cảnh đứa bé trong bụng chưa đủ ngày đủ tháng đã phải đối mặt với biết bao nguy cơ khi chị chấp nhận can thiệp điều trị. Rồi lỡ có chuyện gì xảy ra, hai đứa con nhỏ của chị phải mồ côi mẹ thì sao?

Phẫu thuật nội soi cắt u đại tràng cho bệnh nhân - Ảnh BVCC

Phẫu thuật nội soi cắt u đại tràng cho bệnh nhân - Ảnh BVCC

“Nghĩ đến những điều này mà đêm nào tôi cũng khóc vì thương đứa bé trong bụng và hai con thơ..." - Chị N. chia sẻ. Ý nghĩ ấy khiến chị mất hết niềm tin vào cuộc sống, và chỉ muốn buông bỏ… Cuối cùng, với sự động viên của gia đình và sự tin tưởng vào y học, chị quyết định điều trị, trải qua phẫu thuật lấy thai, truyền hóa chất, phẫu thuật cắt toàn bộ vú phải, nạo vét hạch nách phải, rồi lại xạ trị...

Sau gần 1 năm tuân thủ đầy đủ các đợt điều trị, sức khỏe của chị ổn định, và dần trở lại với cuộc sống bình thường.

Giờ đây chị N. vẫn đang điều trị dự phòng bệnh ung thư theo tư vấn của bác sĩ. Chị luôn chủ động tìm hiểu kiến thức chăm sóc sức khỏe cho bản thân, và chủ động khám sức khoẻ định kỳ.

Đến tháng 9/2024, chị N. soi đại tràng phát hiện polyp đại tràng, được cắt polyp qua nội soi. Khi cầm trên tay kết quả xét nghiệm polyp là ung thư biểu mô tuyến, nỗi sợ và sự hoang mang lại ập về như 3 năm trước. "Bác sĩ nói mình cùng lúc mang 2 bệnh ung thư, không phải do di căn...”, chị N. nhớ lại.

Một người bị mắc 2 loại ung thư cùng lúc có thể xảy ra.

Hình ảnh polyp đại tràng của chị N. (vùng khoanh tròn màu đỏ) - Ảnh BVCC

Hình ảnh polyp đại tràng của chị N. (vùng khoanh tròn màu đỏ) - Ảnh BVCC

Theo Ths. Bs. Phạm Đức Tuấn - Khoa Phẫu trị - Xạ trị & Y học hạt nhân, Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển cho biết, một số loại ung thư liên quan nhiều đến yếu tố di truyền như ung thư vú, buồng trứng, đại trực tràng.

Mặc dù gia đình chị N. có người mắc bệnh ác tính, nhưng theo y văn nghiên cứu và qua các kết quả xét nghiệm không thấy có yếu tố di truyền ở trường hợp này. Bác sĩ nói thêm, một người bị mắc 2 loại ung thư cùng lúc có thể xảy ra. Xác suất cao hơn nếu một trong hai là dạng ung thư phổ biến.

Trường hợp người bệnh N. phải được đánh giá sức khỏe toàn diện. Các bác sĩ Bệnh viện đã tiến hành hội chẩn nhiều chuyên khoa: Sản, Ung bướu, Giải phẫu bệnh, Chẩn đoán hình ảnh để lên kế hoạch điều trị cho người bệnh.

Phương án tối ưu được đưa ra cho chị N. là phẫu thuật cắt buồng trứng và phần phụ hai bên (mục tiêu cắt nội tiết điều trị bệnh ung thư vú lần trước), kết hợp cắt thêm đoạn đại trực tràng, nạo vét hạch.

Khi không còn buồng trứng, đồng nghĩa với lượng estrogen, progesterone cơ thể sẽ giảm dần, thời kỳ mãn kinh đến sớm. Người bệnh không chỉ đánh đổi sức khỏe qua 2 cuộc đại phẫu cùng lúc, mà còn phải hứng chịu biến chứng mãn kinh như cáu gắt, thay đổi tâm trạng, tăng cân, thay đổi sắc tố da, khô âm đạo, nguy cơ loãng xương…

“Tôi có chút buồn, e ngại khi mất hết “gia tài” của người phụ nữ. Tuy nhiên, việc mất cân bằng nội tiết, tăng cân, sắc đẹp sẽ bị ảnh hưởng… không quan trọng bằng việc mình phải sống khỏe để chăm lo cho các con. Thế nên tôi quyết định nghe theo tư vấn của các bác sĩ”, chị N. giãi bày.

Ngày 13/9, ca đại phẫu cắt buồng trứng, phần phụ hai bên và cắt đoạn đại trực tràng, nạo vét hạch cho chị N. được diễn ra. Hai ngày sau mổ, chị đã bắt đầu tập đi. Tâm trạng vui vẻ, lạc quan hơn khi gánh nặng được trút bỏ.

Các bác sĩ phẫu thuật cho chị N.

Kết quả giải phẫu bệnh sau phẫu thuật của chị N. là ung thư đại tràng sigma giai đoạn I (pT1bN0M0), đây là giai đoạn sớm, Chị N. có niềm tin mình sẽ chiến thắng bệnh “K cộng” vì phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm và lựa chọn phương án phẫu thuật triệt để ngừa ung thư.

Sau 5 ngày điều trị người bệnh ổn định và được ra viện. Cũng nhờ điều trị ở giai đoạn sớm, sau phẫu thuật chị N. không phải điều trị hóa chất, chị N. được khám định kỳ theo dõi theo hẹn.

Vậy là sau nhiều năm, nhờ nghị lực của bản thân cùng niềm tin vào sự tiến bộ của y học cùng với trình độ chuyên môn các bác sĩ Bệnh viện Việt Nam -–Thụy Điển Uông Bí, chị N. không chỉ hồi phục tốt mà còn trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều người.

Giờ đây những giây phút yêu thương và cơ hội chăm sóc gia đình nhỏ của chị lại được thắp lửa hy vọng. Cuộc sống đôi khi có những thứ không được như mong đợi, nhưng chỉ cần không buông xuôi, có niềm tin và nghị lực, chúng ta sẽ làm được những điều tưởng chừng không thể.

Theo Đời sống
Con buồn bã đừng chủ quan với trầm cảm ở trẻ

Đừng chủ quan với trầm cảm ở trẻ

Trẻ bị trầm cảm không chỉ ảnh hướng đến tâm trạng mà còn tác động đến sức khỏe thể chất, chất lượng cuộc sống, học tập và các mối quan hệ xã hội. Các triệu chứng trầm cảm của trẻ em và người lớn không có nhiều khác biệt.
back to top