Đại mạch, tiểu mạch chữa đau dạ dày, mất ngủ

i mạch, tiểu mạch là ngũ cốc cung cấp lương thực nhưng lại giàu dược tính nên biết cách ăn và phối hợp sẽ là vị thuốc chữa nhiều bệnh.

Đại mạch bổ dưỡng và trị nhiều bệnh.

Đại mạch, tên khoa học Hordeum vulgare, là một loài thực vật thân cỏ, cung cấp loại ngũ cốc quan trọng cho trữ lượng lương thực trên thế giới. Đặc biệt, đại mạch lại giàu dược tính nên được sử dụng làm thuốc.

Đông y cho rằng, đại mạch có vị ngọt, tính hơi hàn, có tác dụng ích khí kiện tỳ, thanh nhiệt hết khát, thích ứng sử dụng cho các chứng như đầy bụng, khó tiêu, nóng nhiệt, miệng khát…Lấy 30g đại mạch rang qua rồi đem xay thành bột, uống mỗi lần 6g, chiêu với nước còn ấm.

Công dụng của Đại mạch nha còn nhiều hơn như kiện tỳ, hòa vị, giúp tiêu hóa, thư can, lí khí, vực sữa. Do đó Đông y thường sử dụng để chữa trị chứng kém ăn, tiêu hóa kém, đầy bụng hay đau vú do tắc sữa gây nên.

Chữa tiêu hóa kém do dạ dày yếu: Đại mạch 15g, Thần khúc 25g, sắc lấy nước uống, chia làm 2 lần trong ngày. Có thể uống 3 – 5 ngày liền.

Tiểu mạch (lúa mì), theo Đông y có vị ngọt, tính mát, có tác dụng dưỡng tâm ích tỳ, thanh nhiệt, trừ phiền, lợi tiểu, hết khát. Thích hợp sử dụng cho các chứng thần chí bất an, đánh trống ngực, mất ngủ, hội chứng thời kỳ mãn kinh ở phụ nữ và tiểu tiện không thông…

Cho tiểu mạch ngâm vào nước, những hạt tiểu mạch nổi lên trên mặt nước gọi là “Phù tiểu mạch” một vị thuốc mà trong lâm sàng Đông y thường dùng nhiều.

Vị thuốc này có vị ngọt, tính hàn, được sử dụng làm an thần, dứt mồ hôi trộm, sinh tân dịch, dưỡng tâm khí nên được làm thuốc chữa các chứng hư nhiệt, ra nhiều mồ hôi, ra mồ hôi trộm, miệng khô, lưỡi rát, hay bứt rứt khó ngủ.

Chữa chứng mất ngủ, thần chí bất an, hội chứng thời kỳ mãn kinh ở nữ: Tiểu mạch 100g, Cam thảo 30g, Đại táo 15 quả, sắc chia ra 2 lần uống vào buổi sáng và tối.

Chữa chứng phiền nhiệt, tiêu khát khô miệng: Tiểu mạch 30 – 60g, nấu thành cháo loãng chia ra 2 – 3 lần uống trong ngày.

Chữa bị bỏng: Lấy Tiểu mạch sao đen xay thành bột mịn hòa với dầu mè (dầu vừng) bôi lên vết bỏng.

Món ăn có tác dụng ôn ấm, bổ dưỡng: thịt bò 200g, tiểu mạch lượng vừa đủ đem nấu cháo ăn hàng ngày.

BS Hoàng Xuân Đại (chuyên gia Bộ Y tế)

Theo Đời sống
back to top