Đái dầm không kiểm soát ở trẻ: Khi nào cần đi bác sĩ?

Mới đây, các bác sĩ Khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện Đại học Y đã điều trị cho bé trai 8 tuổi được chẩn đoán mắc chứng đái dầm không kiểm soát. 

Các bác sĩ chỉ định điều trị bằng điện châm theo liệu trình 30 ngày. Bé tập thói quen uống nước, đi tiểu trước khi ngủ, người nhà không la mắng làm trẻ tự ti. Sau ba tháng điều trị, trẻ không còn đi đái dầm về đêm.

Đái dầm là gì?

Đái dầm là chứng bệnh tiểu tiện không tự chủ, lúc ngủ, xảy ra vào ban đêm hoặc buổi trưa. Thường gặp ở khoảng 10% trẻ em trong độ tuổi từ 5-6 tuổi. Đái dầm có thể xảy ra bất kỳ thời điểm nào trong ngày, nhưng phổ biến nhất là vào ban đêm trong lúc ngủ.

Nếu trẻ vẫn đi tiểu không tự chủ vào lúc thức thì hiện tượng này thường là bệnh lý, không nên coi đái dầm lúc thức và lúc ngủ là giống nhau.

Ở trẻ từ 0-3 tuổi là lúc các em bé chưa tự chủ được ý muốn của bản thân nên tè dầm là chuyện rất bình thường. Khi trẻ lớn lên thêm một chút, lúc có nhu cầu đi vệ sinh các bé sẽ kêu lên để bố mẹ giải quyết giúp. Nhưng đến 5 tuổi trở đi và thường là trên 7 tuổi, các bé vẫn đái tự nhiên vào ban đêm là biểu hiện không bình thường.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Nguyên nhân dẫn tới đái dầm

Theo các chuyên gia y tế, nguyên nhân chủ yếu của chứng bệnh đái dầm lúc ngủ vẫn chưa được rõ ràng hoàn toàn. Tuy nhiên bệnh đái dầm có thể do tình trạng bàng quang chưa trưởng thành vì trẻ còn nhỏ, hoặc do giảm bài tiết vào ban đêm ở một chất nội tiết (còn gọi là hormon) chống bài niệu ở một số trẻ.

Bệnh đái dầm cũng có thể do nguyên nhân tâm lý bao gồm: Trẻ bị căng thẳng về tâm lý như bị cô giáo la mắng, bị bạn bè bắt nạt tách khỏi nhóm, bị ám ảnh lo sợ hay phải thường xuyên chứng kiến những cuộc cãi vã của bố mẹ, cha mẹ ly dị, hoặc mẹ cho ra đời thêm một đứa em... là những yếu tố tâm lý tác động gây tiểu dầm ở trẻ em. Ngủ sâu cũng làm cho trẻ giảm cảm giác đầy bàng quang.

Người ta cũng nói tới nguyên nhân do di truyền, cứ một trong cha hoặc mẹ mắc tiểu dầm lúc còn nhỏ thì 44% trẻ có khả năng bị bệnh hoặc khi cả cha lẫn mẹ mắc chứng này thì 77% trẻ sẽ tiểu dầm.

Ngoài ra còn có những nguyên nhân thực thể chiếm tỉ lệ 1 - 2% như các dị dạng đường niệu, nhiễm trùng tiểu, nhiễm giun kim, suy thận, tiểu đường,... hoặc chứng táo bón cũng gây tiểu dầm ở trẻ.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ khi tình trạng tiểu không tự chủ của trẻ kéo dài dài trên 6 tháng, ở độ tuổi mà trẻ đã có thể kiểm soát được nước tiểu và bàng quang.

Vì tiểu không tự chủ được xem là một hiện tượng khá phổ biến ở trẻ dưới 5 tuổi, liên quan đến sự phát triển và hoàn thiện cơ thể tự nhiên của trẻ. Do vậy, phụ huynh khi phát hiện triệu chứng này ở trẻ, không nên quá lo lắng và vội vàng đưa trẻ đi đến bác sĩ. Thay vào đó, phụ huynh nên cẩn thận quan sát hành vi và biểu hiện của trẻ để xem có thêm những triệu chứng bất thường nào kèm theo hay không.

Đối với trẻ thuộc độ tuổi đã có thể kiểm soát được nước tiểu và bàng quang, hoặc bản thân trẻ đã có thể tiểu tự chủ từ trước đó, bất chợt xuất hiện 1 – 2 cơn tiểu không tự chủ thì bố mẹ cũng nên tiếp tục quan sát. Với các trẻ này, bố mẹ nên tập trung nhiều vào sức khỏe tâm thần của trẻ, tìm hiểu xem trẻ có những ức chế hoặc khúc mắc nào chưa được giải tỏa dẫn đến ảnh hưởng tâm lý hay không.

Cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ khi triệu chứng tiểu không tự chủ ở trẻ em đã kéo dài 6 tháng. Bên cạnh đó, nếu trẻ có những biểu hiện bất thường khác kèm theo, phụ huynh cũng nên đưa trẻ đến thăm khám với bác sĩ để được chẩn đoán phát hiện bệnh nguyên phát kịp thời.

Theo Đời sống
back to top