Đái dầm là tình trạng tiểu tiện không tự chủ trong khi ngủ. Theo y học hiện đại, đái dầm ở trẻ em xuất phát từ nhiều nguyên nhân: là do thần kinh chưa ổn định, do tâm lý, do ký sinh trùng, do di truyền...
Theo y học cổ truyền, đái dầm ở trẻ em căn nguyên thường là do thận, tỳ, phế khí hư, làm cho không thông điều thủy đạo. Còn gọi là dạ niệu, di niệu....
Đái dầm tuy không phải là bệnh lý nguy hiểm, nhưng nó gây căng thẳng cho nhiều phụ huynh. Các em bé mắc chứng đái dầm thường mặc cảm mình có điều gì đó không ổn, có tâm lý tự ti, xấu hổ.
Đông y có nhiều bài thuốc trị bệnh đái dầm ở trẻ em khá hiệu quả. Nếu trong gia đình có trẻ nhỏ bị mắc chứng đái dầm, có thể dùng phương pháp chữa sau:
*Xoa: Xoa vùng đan điền (Vùng dưới rốn, vùng hạ vị, vùng bàng quang). Xoa theo chiều kim đồng hồ từ 30 đến 40 lần, làm sao da vùng đó hồng lên là được.
Xoa, xát vùng thắt lưng từ 30 đến 40 lần, đến khi da hồng lên là được.
*Vỗ: Vỗ 2 bên thắt lưng 5 đến 7 cái.
*Bấm, day các huyệt : Phế du, tỳ du, bàng quang du, quan nguyên, khí hải, trung cực, tam âm giao, túc tam lý. Các huyệt luân phiên nhau.
Có thể châm bổ các huyệt trên. Nếu trẻ ngủ kém bấm huyệt nội quan, thần môn. Nếu trẻ ngủ sâu ly bì bấm huyệt bách hội. Điều trị 1 đến 2 lần trên 1 ngày, mỗi đợt từ 10 đến 12 ngày.
Vị trí các huyệt: Huyệt nội quan: Cách đường chỉ cổ tay phía trong khoảng 3 bề ngang ngón tay, giữa 2 đường gân (xem hình vẽ để xác định đúng vị trí huyệt).
Huyệt nội quan. |
Huyệt thần môn: Ở phía xương trụ, nằm trên lằn chỉ cổ tay, nơi chỗ lõm sát bờ ngoài gân cơ trụ trước và góc ngoài bờ trên xương trụ.
Huyệt thần môn. |
Huyệt túc tam lý: Trên mặt trước của cẳng chân, cách đầu gối bên ngoài 3 thốn, điểm giữa vị trí tiếp nối 2 phần xương cẳng chân (một thốn khoảng bằng chiều dài đốt cuối của ngón cái).
Huyệt bách hội: Gấp 2 vành tai về phía trước, huyệt ở điểm gặp nhau của đường thẳng dọc giữa đầu và đường ngang qua đỉnh vành tai, sờ vào đó thấy 1 khe xương lõm xuống.
Huyệt phế du: Dưới gai đốt sống lưng 3, đo ngang ra 1,5 thốn.
Huyệt tỳ du: Dưới gai sống lưng 11, đo ngang ra 1,5 thốn .
Huyệt bàng quang du: Ngang đốt xương thiêng 2, cách 1,5 thốn, chỗ lõm giữa gai chậu sau và xương cùng.
Huyệt bàng quang du. |
Huyệt khí hải: Lỗ rốn thẳng xuống 1,5 thốn.Huyệt quan nguyên: nằm ở vùng hạ đan điền, trên đường trục giữa cơ thể, dưới rốn 3 thốn (khoảng 7 -8cm).
Huyệt trung cực: Thẳng dưới rốn 4 thốn hoặc trên bờ xương mu 1 thốn.
Huyệt tam âm giao: Huyệt tam âm giao ở vùng mặt trong của cổ chân. Tính từ đỉnh xương mắt cá trong, huyệt nằm cách vị trí bằng chiều rộng của 4 ngón tay.
Các bà mẹ không biết lấy huyệt có thể chỉ cần xoa day cũng có kết quả
Khi sử dụng phương pháp day, xoa, bấm huyệt, dùng bài thuốc uống kết hợp sau: Đẳng sâm 8g, bạch linh 8g, bạch truật 8g, hoài sơn 8g, kim anh tử 8g, tang phiêu tiêu 8g, ích trí nhân 4g, kê nội kim 6g, sắc uống. Chú ý: Ích trí nhân không được dùng liều cao
Đặc biệt, ăn thêm: Gan gà trống 1 cỗ, kê gà 2 cái (1 bộ), mộc nhĩ 3 cái, nấu làm thức ăn hằng ngày. Mỗi đợt điều trị từ 10 đến 12 ngày.
BSCKII Nguyễn Kim Hùng, BV Đa khoa Hùng Vương, Phú Thọ