Cứu thành công sản phụ “Rau bong non trên nền Thalassemia”

Khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông (Hà Nội) cứu thành công sản phụ Bùi Thị Ảnh 32 tuổi, thai 28 tuần lần 2; rau bong non; ngôi ngược; vết mổ đẻ cũ trên nền Thalassemia đã điều trị cắt lách, thiếu máu nặng. Sau 3 ngày cứu chữa sản phụ đã bình phục.
/Uploaded/khds.1cdn.vn/2018/09/16/cuu-300x200.jpg

Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Hà Đông cứu sản phụ rau bong non.

Sản phụ Bùi Thị Ảnh được chuyển từ nhà vào thẳng Khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông trong tình trạng nguy kịch, da xanh, niêm mạc nhợt, huyết áp 80/60; bụng sẹo đường trắng giữa dưới rốn, sẹo mổ cắt lách, cơn co tử cung cứng, âm đạo ra nhiều máu đỏ tươi, tim thai từ 100-124L/P, có nguy cơ tử vong cao.

Qua kiểm tra và siêu âm tại chỗ cho bệnh nhân, càng thấy rõ tình trạng nguy kịch của bệnh nhân, BSCK II Nguyễn Thị Lan, Trưởng khoa Sản báo cáo Lãnh đạo trực và mời các Trưởng khoa: Huyết học – Truyền máu, Hồi sức tích cực, khoa Nhi, khoa Gây mê hồi sức cùng hội chẩn.

Sau hội chẩn dưới sự chỉ đạo trực tiếp của BSCKII Trần Ngọc Cường, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, ê-kíp phẫu thuật gồm: BS.CKII Nguyễn Thị Lan Trưởng ê-kip mổ, bác sĩ Đinh Lương Thái, Ngô Thị Thuyên phụ mổ cùng kíp Gây mê hồi sức, bằng các biện pháp chuyên môn chỉ trong vòng 4 phút thai nhi đã được lấy ra từ bụng mẹ an toàn với cân nặng 1,3kg và được chuyển ngay tới Bệnh viện Nhi T.Ư để tiếp tục theo dõi và điều trị. Trong mổ có nhiều ổ nhồi máu tím ở mặt tử cung, nhiều máu loãng, máu đông ở ổ bụng, bác sĩ phải cắt tử cung bán phần thấp để cầm máu.

Niềm hạnh phúc vỡ òa

BSCK II Nguyễn Thị Lan cho biết: “Đây là ca mổ thành công lớn bởi chúng tôi đã cố gắng hết mình giành lại sự sống cho 2 người cùng 1 lúc và thật may mắn và vui mừng khi cứu được cả mẹ và con vì theo hội chẩn ban đầu khả năng cứu sống mẹ là rất thấp. Giờ đây nhìn sản phụ Ảnh có thể ngồi dậy và trò chuyện với chúng tôi, tôi vui lắm và thấy tự hào về nơi mình đang việc bởi những người Lãnh đạo, những người đồng nghiệp luôn tận tâm, tận lực hết lòng vì sức khỏe người bệnh và không ngừng nâng cao chuyên môn đáp ứng ngày càng nhiều các ca bệnh khó và phức tạp”.

Nói về việc sản phụ Ảnh và em bé được cứu sống, gia đình chị không nén nổi xúc động chia sẻ: “Khi được bác sĩ tư vấn và giải thích nguy cơ của ca mổ gia đình tôi rất lo lắng và chuẩn bị tâm lý xấu. Nhưng thật bất ngờ, khi em gái và cháu tôi đã được cứu sống. Tôi không biết phải gửi lời cảm ơn các bác sĩ như thế nào nữa, ngoài sự biết ơn trân thành nhất và niềm tin tài, đức gửi đến các  bác sĩ Bệnh viện đa khoa Hà Đông.”

Khuyến cáo về bệnh Thalassemia 

Tỷ lệ mắc bệnh Thalassemia là như nhau ở cả nam và nữ. Trường hợp bố và mẹ bình thường nhưng mang gene gây bệnh với từng kiểu đột biến gene khác nhau cũng sẽ dẫn đến nguy cơ sinh con mắc bệnh với những tần số khác nhau.

Nếu bố và mẹ bị bệnh mức độ nhẹ, khi sinh con có 25% khả năng con bị bệnh Thalassemia mức độ nặng, do nhận cả 2 gene của bố và mẹ truyền cho, 50% khả năng con bị bệnh mức độ nhẹ hoặc là người mang gene bệnh của bố hoặc của mẹ truyền cho, 25% khả năng con bình thường.

Nếu bố bị bệnh mức độ nặng, mẹ mức độ nhẹ hoặc ngược lại, khi sinh con có 50% khả năng bị mức độ nặng do nhận cả gen bệnh của bố và gen bệnh của mẹ truyền cho, 50% khả năng con bị bệnh ở mức độ nhẹ do nhận gen bệnh từ bố hoặc mẹ truyền cho.

Bệnh Thalassemia có ba thể là thể nhẹ, thể trung, thể nặng. Trừ những bệnh nhân thể trung, thể nặng có thể nhận biết dễ dàng hơn, những người bệnh thể nhẹ ít có biểu hiện lâm sàng để nhận biết mình mắc bệnh.

Do đó, để tránh những hậu quả do Thalassemia, không chỉ những cặp vợ chồng có người thân trong gia đình từng bị Thalassemia mà cả những cặp vợ chồng trẻ không có biểu hiện bất thường hay không ai trong gia đình từng bị bệnh Thalassemia cũng nên làm xét nghiệm máu tổng quát, kiểm tra xem mình có mang gen bệnh không.

P.Hằng (ghi)

Theo Đời sống
back to top