Cục trưởng Cục Y tế dự phòng: “Chỉ vắc-xin của phương Tây mới tốt” là quan niệm sai lầm

Nhiều phụ huynh dấy lên tư tưởng chỉ sử dụng vắc-xin dịch vụ, vắc-xin của phương Tây… Thực hư quan niệm này thế nào là đúng?

PV đã có cuộc trao đổi với PGS. TS Trần Khắc Phu – Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế).

PV: Việc ngừng sử dụng vắc-xin Quinvaxem có liên quan gì đến trào lưu anti vắc-xin trước đó hay không, thưa ông?

PGS. TS Trần Khắc Phu: Trước hết, chúng ta cần hiểu, vắc-xin Quin là vắc-xin phòng bệnh ho gà, bạch hầu, uốn ván, viêm gan B và viêm phổi. Tính đến nay, vắc-xin này đã sử dụng được 42 triệu mũi với những lợi ích đáng ghi nhận.

Trước năm 2010, khi vào bệnh viện, chúng ta rất dễ gặp bệnh nhân mắc ho gà, bệnh hầu nhưng đến bây giờ đã giảm rõ rệt.

Việc chúng ta ngừng sử dụng, thực chất là do vắc-xin chúng ta dùng là vắc-xin do Hàn Quốc sản xuất. Hiện nay, nhà máy này ngừng sản xuất buộc chúng ta phải chuyển đổi.

Với phong trào anti vắc-xin, trào lưu này không chỉ riêng Việt Nam mà có ở nhiều nước và luôn có quan điểm khác biệt giữa nuôi trẻ khoa học và theo tập quán địa phương. Theo tôi, đó là khía cạnh không tốt. Và không phải vì vấn đề đó, chúng ta ngừng sử dụng vắc-xin trên.

PV: Cục trưởng có thể cho biết, tiền lệ Thế giới và Việt Nam đã từng có việc chuyển đổi vắc-xin như trên?

PGS. TS Trần Khắc Phu: Trước đây, trong sử dụng vắc-xin sởi, đã có lúc chúng ta sử dụng vắc-xin sởi của Pháp, sau chuyển sang Ấn Độ, dần dần cũng chuyển sang các nước khác.

PGS. TS Trần Khắc Phu – Cục trưởng Cục Y tế dự phòng chia sẻ về thông tin liên quan đến chuyển đổi vắc-xin

PV: Vậy để tiến hành chuyển đổi vắc-xin, Bộ Y tế đã chuẩn bị những gì?

PGS. TS Trần Khắc Phu: Trước hết tôi phải khẳng định, việc ngừng và chuyển đổi vắc-xin hết sức bình thường. Vắc-xin chỉ như một loại thuốc, nhưng là dạng thuốc đặc biệt. Tất cả vắc-xin, không chỉ riêng Quinvaxem đều phải tiến hành đầy đủ quy trình cấp phép, sử dụng.

Để chuyển đổi vắc-xin Quin, Bộ Y tế đã có kế hoạch về vấn đề này bằng một loại vắc-xin khác đúng thành phần trên, hiệu quả vẫn vậy, được sử dụng rộng rãi trên quy mô nhiều nước.

Việc thay thế cũng dựa trên những nguyên tắc và việc chuyển đổi này đến cuối quý II sẽ triển khai rộng trên cả nước nhưng trước chuyển đổi có làm quy mô nhỏ 4 tỉnh để rút kinh nghiệm.

PV: Nhiều phụ huynh lo ngại trong việc sử dụng vắc-xin Quinvaxem trong thời gian tới, nhất là về việc tiêm và sử dụng giữa 2 loại vắc-xin cũ – mới. Ông chia sẻ quan điểm gì về vấn đề trên?

PGS. TS Trần Khắc Phu: Khi tiến hành chuyển đổi, trong giai đoạn hiện nay vẫn còn vắc-xin cũ, các phụ huynh cần đưa con tiêm chủng tất cả các mũi. Các mẹ cần hiểu, nó đơn giản như việc thay từ thuốc này sang thuốc khác.

Kể cả khi đã chuyển đổi, chúng ta cũng cần tiến hành bình thường, chưa tiêm mũi nào thì tiêm mũi mới, trẻ đã tiêm một mũi, có thể tiêm tiếp mũi vắc-xin mới. Hoàn toàn không có vấn đề gì vì nó đảm bảo đúng thành phần, hiệu quả, an toàn.

PV: Không ít trong số đó khuyên nhau lựa chọn vắc-xin dịch vụ có nguồn gốc tại Pháp, Bỉ… Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

PGS. TS Trần Khắc Phu: Đó là một quan niệm sai lầm. Trước hết phải nói, trong những năm này, rất nhiều nước có dịch sởi bùng phát nhưng Việt Nam mới chỉ gặp rải rác. Để làm được điều đó, nhờ chúng ta triển khai chiến dịch tiêm chủng thành công.

Chúng ta sản xuất loại vắc-xin này bằng công nghệ Nhật Bản, trước đó, ta đã thực hiện thí điểm trong quy mô 4 tỉnh như rất tốt, rất hiệu quả. Như thế cho thấy, vắc-xin nguồn gốc Việt Nam cũng đã có nguồn gốc rất tốt.

Quan niệm của Bộ Y tế là nhìn nhận cơ sở khoa học, tác dụng để triển khai mở rộng. Ngay như sắp tới đây, Việt Nam tiến hành sử dụng vắc-xin MRVAC Sởi – Rubella do Việt Nam sản xuất trên quy mô toàn quốc.

Xin chân thành cám ơn ông!

Theo Hồng Ngọc (Giadinhmoi)

Theo Đời sống
Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Bệnh liệt mặt, méo miệng xảy ra là do khi cơ thể bị lạnh làm co thắt mạch nuôi dây thần kinh số 7 gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ, phù và chèn ép dây thần kinh ở đoạn trong ống Fallope của người bệnh.
back to top