“Khai tử” văcxin Quinvaxem trong chương trình tiêm chủng mở rộng

Văcxin Quinvaxem nằm trong chương trình tiêm chủng mở rộng gần 10 năm qua đã chính thức “khai tử”.

Một loại văcxin khác tương đương với Quinvaxem được Bộ Y tế đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng sẽ được bắt đầu thực hiện vào tháng 4/2018 này.

Theo Bộ Y tế trong năm 2018 này, Chương trình tiêm chủng mở rộng sẽ xuất hiện nhiều loại xin mới. Đặc biệt là sự xuất hiện loại văcxin 5 trong 1 thay thế cho vắc xin Quinvaxem được sử dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng tại Việt Nam suốt 7 năm qua dành cho trẻ dưới 1 tuổi.

Văcxin 5 trong 1 (phòng các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib) được Bộ Y tế đánh giá có thành phần và hiệu quả phòng bệnh tương tự như văcxin Quinvaxem.

“Sở dĩ phải “khai tử” văcxin Quinvaxem để thay thế văcxin 5 trong 1 là do nhà sản xuất Berna Biotech đã ngừng sản xuất văcxin Quinvaxem, số văcxin Quinvaxem còn lại dự kiến sẽ sử dụng đến hết tháng 5/2018 trên quy mô toàn quốc. Theo kế hoạch loại văcxin phối hợp 5 trong 1 này sẽ được đưa vào sử dụng trên quy mô nhỏ tại 4 tỉnh, sau đó sẽ đưa vào sử dụng rộng rãi trên quy mô toàn quốc vào cuối quý 2/2018”, đại diện Bộ Y tế cho biết.

Cũng theo Bộ Y tế, ngoài sự xuất hiện loại văcxin 5 trong 1 thay thế cho văcxin Quinvaxem thì còn xuất hiện một loại văcxin mới nữa trong chương trình tiêm chủng mở rộng là văcxin sởi-rubella do Việt Nam sản xuất.

Trong giai đoạn 2014 – 2016, Việt Nam đã sử dụng văcxin sởi-rubella trong chương trình tiêm chủng mở rộng nhưng là văcxin do Ấn Độ sản xuất.

Tuy nhiên, được sự hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản, Việt Nam đã sản xuất thành công văcxin sởi – rubella. Trong tháng 3/2018, văcxin sởi – rubella do Việt Nam sản xuất đã được đưa vào sử dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng tại 4 tỉnh. Kết quả cho thấy, tính an toàn tương tự như văcxin sởi – rubella do Ấn Độ sản xuất.

Chính vì vậy, từ tháng 4/2018, văcxin sởi – rubella (MRVAC) do Việt Nam sản xuất sẽ được sử dụng trên quy mô toàn quốc cho trẻ từ 18 tháng tuổi trở lên trong chương trình tiêm chủng mở rộng.

Riêng văcxin bại liệt tiêm (IPV) bắt đầu từ tháng 8/2018 tới, Bộ Y tế sẽ đưa loại văcxin tiêm này vào chương trình tiêm chủng mở rộng dành cho trẻ từ 5 tháng tuổi. Bên cạnh đó vẫn tiếp tục cho trẻ 2, 3, 4 tháng tuổi uống 3 liều văcxin bại liệt bOPV (văcxin bại liệt 2 tuýp).

Bộ Y tế đề nghị các bậc cha mẹ tiếp tục đưa con đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch các văcxin trong chương trình mở rộng, để trẻ em không bị mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh, đặc biệt mới đây một nghiên cứu cho thấy miễn dịch bảo vệ phòng sởi ở phụ nữ mang thai thấp, Bộ Y tế khuyến cáo các phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đến các cơ sở y tế tiêm văcxin phòng bệnh sởi – rubella để chủ động phòng bệnh cho chính mình và phòng bệnh sởi, hội chứng rubella bẩm sinh với đa dị tật cho con.

Bộ Y tế cũng cho biết sẽ chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tiếp tục nghiên cứu về việc tiêm văcxin Sởi cho trẻ từ 6 tháng tuổi vào cuối năm 2018 này.

An Nhiên (tổng hợp)

Theo Đời sống
Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Bệnh liệt mặt, méo miệng xảy ra là do khi cơ thể bị lạnh làm co thắt mạch nuôi dây thần kinh số 7 gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ, phù và chèn ép dây thần kinh ở đoạn trong ống Fallope của người bệnh.
back to top