Thay văcxin 5 trong 1 mới liệu có an toàn?

Dự kiến tháng 6,7 tới đây, văcxin 5 trong 1 mới của Ấn Độ ComBe Five sẽ được triển khai tiêm trên toàn quốc thay thế cho văcxin Quinvaxem Hàn Quốc. Nhiều người lo ngại không biết loại văcxin mới này có đảm bảo an toàn cho trẻ.

Từ tháng 6 trẻ sẽ được tiêm văcxin ComBe Five.

5 loại văcxin chỉ một loại được đăng ký tại Việt Nam

Văcxin Quinvaxem Hàn Quốc được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) tại Việt Nam từ tháng 6/2010 theo diện viện trợ. Hằng năm có khoảng 1,6 – 1,7 triệu trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm đủ 3 mũi văcxin với tỷ lệ đạt 95% trên quy mô toàn quốc. Dự án TCMR đã sử dụng khoảng 41 triệu liều văcxin Quinvaxem tiêm chủng miễn phí cho trẻ dưới 1 tuổi.

Số văcxin Quinvaxem còn lại trong TCMR dự kiến sẽ sử dụng đến hết tháng 5/2018. Nhà máy sản xuất Quinvaxem ở Hàn Quốc ngưng sản xuất văcxin này. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đề xuất thay thế văcxin và Bộ Y tế có đã có kế hoạch chuyển đổi văcxin Quinvaxem bằng loại văcxin ComBe Five do Ấn Độ sản xuất được Bộ Y tế cấp phép lưu hành ở Việt Nam từ tháng 5/2017.

Tuy nhiên người lo ngại loại văcxin mới này có đảm bảo an toàn. Bởi văcxin Quinvaxem từng bị tạm dừng sử dụng năm 2013 sau khi có 43 ca phản ứng nặng sau tiêm. WHO sau đó đánh giá, trong số đó chỉ có 9 trường hợp có thể liên quan đến tiêm văcxin nhưng đều hồi phục. Các ca còn lại không liên quan đến tiêm chủng và chất lượng văcxin. Từ tháng 11/2015, văcxin này được tiếp tục tiêm cho trẻ đến nay.

Trong năm 2017, cả nước ghi nhận 27 ca tai biến nặng sau tiêm chủng, trong đó 14 trường hợp không rõ nguyên nhân, 4 trường hợp do trùng hợp ngẫu nhiên với các bệnh khác; 9 trường hợp còn lại liên quan đến phản ứng của văcxin (bao gồm phản ứng quá mẫn và sốc phản vệ…). Dự án TCMR đã bồi thường theo luật định cho 5 trường hợp phản ứng nặng sau tiêm tại các tỉnh: Sơn La, Lai Châu, Hải Dương, Tuyên Quang và Nghệ An.

Trả lời câu hỏi, hiện tại có 5 công ty sản xuất văcxin 5 trong 1 nhưng lại chỉ có ComBe Five được cấp phép lưu hành ở Việt Nam và Bộ Y tế Việt Nam lựa chọn đưa vào chương trình TCMR, liệu có an toàn cho trẻ?, đại diện UNICEF tại Việt Nam cho biết, khi có thông tin văcxin Quinvaxem ngừng sản xuất, quỹ đã thông báo với Bộ Y tế có một số loại văcxin 5 trong 1 được lựa chọn.

Bộ Y tế cũng ra thông báo nhưng chỉ có công Ty Biological E Ấn Độ xin đăng ký cấp phép lưu hành ở Việt Nam. Việc các công ty tiến hành xin cấp phép là đúng và được nhập vào Việt Nam là do quyền của các công ty, UNICEF công nhận về chất lượng đạt chuẩn quốc tế và đạt tiêu chẩn an toàn của WHO.

Phản ứng được ghi nhận khi thử nghiệm ComBe Five

Trả lời về tính an toàn của loại văcxin mới, PGS.TS Trần Như Dương, Phó Viện Trưởng Viện Dịch tễ TƯ cho biết, ComBe Five đã được sử dụng tại 43 quốc gia trên thế giới và sử dụng tại Ấn Độ (nước sở tại) trên 5 năm với trên 400 triệu liều và đạt tỷ lệ an toàn theo tiêu chuẩn của WHO. Loại văcxin này cũng có thành phần, chất lượng tương tự văcxin Quinvaxem và đã được WHO tiền thẩm định. Tính an toàn và hiệu quả của văcxin ComBe Five tương tự như các văcxin 5 trong 1 có cùng thành phần.

PGS.TS Trần Như Dương trình bày dự án tiêm văcxin ComBe Five.

Tại Việt Nam, văcxin đã được sử dụng tại thực địa 4 huyện của tỉnh Hà Nam năm 2016: Sau tiêm chủng chỉ ghi nhận một số phản ứng thông thường xuất hiện vào ngày thứ nhất sau tiêm văcxin bao gồm: Phản ứng tại chỗ tiêm đau, quầng đỏ với tỷ lệ từ 5-15%; Sốt  với tỷ lệ 34-39%; Không nghi nhận bất kỳ phản ứng nặng nào sau tiêm chủng. Tỷ lệ phản ứng sau tiêm trong 28 ngày đầu sau tiêm là: đau 70 – 80%; đỏ và quầng đỏ 35,7- 39%; Sưng 28,9-37,6%; Sốt từ 34-39,1%, trong đó sốt cao 2,7 – 3,4%; Kích thích quấy khóc 41,1 – 47,7%; Nôn trớ 1,6 – 6,2 %…Không có phản ứng nặng nào sau tiêm.

PGS.TS Trần Như Dương nhấn mạnh, bạch hầu, ho gà ,uốn ván, viêm gan B, viêm phổi viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib là những bệnh nguy hiểm đến tính mạng trẻ. Văcxin ComBe Five là văcxin phối hợp phòng 5 bệnh truyền nhiễm nguy hiểm này. Lịch tiêm văcxin ComBe Five không thay đổi so với lịch tiêm hiện tại. Trẻ dưới 1 tuổi cần được tiêm đủ 3 mũi văcxin vào lúc 2, 3 và 4 tháng tuổi. Nếu trẻ bị bỏ lỡ lịch tiêm chủng thì cần được tiêm sớm vào thời gian sau đó mà không cần phải tiêm lại từ đầu. Trẻ đã được tiêm 1 hoặc 2 mũi văcxin Quinvaxem thì sẽ được tiếp tục tiêm văcxin ComBe Five liều tiếp theo và không phải tiêm lại từ đầu.

Dự kiến việc chuyển đổi sử dụng văcxin ComBe Five được triển khai tiêm miễn phí tại tất cả các trạm y tế xã/ phường trên toàn quốc và tại một số điểm tiêm chủng dịch vụ trong tháng 6,7/2018. Trước khi triển khai trên toàn quốc, dự án TCMR sẽ triển khai trước tại 4 tỉnh Hà Nam, Bình Định, Kon Tum, Đồng Tháp để có kinh nghiệm triển khai trên diện rộng tại hơn 11.000 điểm tiêm chủng. Các bậc cha mẹ tiếp tục đưa con đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch các văcxin trong chương trình tiêm chủng mở rộng, để phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

Không tiêm văc xin ComBe Five cho trẻ nếu tiền sử có phản ứng mạnh đối với liều tiêm trước hoặc có phản ứng mạnh đối với văcxin bạch hầu, ho gà, uốn ván (DPT) hoặc văcxin viêm gan B như: Sốt cao trên 39ºC trong vòng 48 giờ sau tiêm; Sốc trong vòng 48 giờ sau tiêm văcxin; Khóc dai dẳng trên 3 giờ trong vòng 48 giờ sau tiêm văcxin. Co giật có kèm theo sốt hoặc không sốt trong vòng 3 ngày sau tiêm văcxin. Hoãn tiêm cho trẻ nếu trẻ đang ốm, sốt hoặc mắc các bệnh cấp tính.

Thúy Nga

Theo Đời sống
Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Bệnh liệt mặt, méo miệng xảy ra là do khi cơ thể bị lạnh làm co thắt mạch nuôi dây thần kinh số 7 gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ, phù và chèn ép dây thần kinh ở đoạn trong ống Fallope của người bệnh.
back to top