Sử dụng vắc-xin mới trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng: Những điểm mới cần lưu ý

Việc chọn loại vắc-xin nào để thay thế cho Quinvaxem (được triển khai tại Việt Nam từ tháng 6/2010) là một bài toán rất khó.

Từ cuối năm 2015, thông tin về việc nhà máy sản xuất vắc-xin Quivaxem, vắc-xin 5 thành phần bạch hầu – ho gà – uốn ván – viêm gan B – Hib, tại Hàn Quốc sẽ chuyển đổi dây chuyền và có thể sẽ dừng sản xuất loại vắc-xin hiện tại đã được phía bạn thông báo cho Chương trình Tiêm chủng mở rộng (TCMR).

Việc chọn loại vắc-xin nào để thay thế cho Quinvaxem (được triển khai tại Việt Nam từ tháng 6/2010) là một bài toán rất khó cho dự án bởi để có thể đưa một vắc-xin vào TCMR cần phải đảm bảo những tiêu chí:

1. Vắc-xin phải được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công nhận về chất lượng và khuyến cáo sử dụng.

2. Vắc-xin phải đảm bảo tính an toàn và hiệu lực do nước sở tại sản xuất công bố và được các cơ quan chức năng Việt Nam kiểm định và chấp nhận.

3. Vắc-xin phải đảm bảo về nguồn cung bởi hàng năm cần tới trên 4 triệu liều cho trẻ.

Một tiêu chí khác không nhắc tới nhưng lại cũng không kém phần quan trọng là vắc-xin mới có cùng hiệu lực và cách sử dụng, triển khai như vắc-xin trước để dễ dàng chuyển đổi. Với những yêu cầu như vậy, công tác khảo sát tìm kiếm các vắc-xin có thể thay thế Quinvaxem đã được đưa ra và ComBE Five là một trong số đó.

Vắc-xin phối hợp bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib (DPT-VGB-Hib) có tên thương mại là ComBE Five do Công ty Biological E. Ấn Độ sản xuất có thành phần tương tự như vắc-xin Quinvaxem đã sử dụng trong TCMR, gồm giải độc tố vi khuẩn bạch hầu, giải độc tố vi khuẩn uốn ván, vi khuẩn ho gà bất hoạt (toàn tế bào), kháng nguyên virut viêm gan b và kháng nguyên vi khuẩn Hib.

Vắc-xin ComBE Five.

Vắc-xin phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như bạch hầu, uốn ván, ho gà, viêm gan B và viêm phổi, viêm màng não mủ do Haemophilus influenzae typ b.

Phản ứng sau tiêm của vắc-xin ComBE Five tương tự như những vắc-xin có chứa thành phần DPT, VGB, Hib khác. Tuy nhiên, theo những đánh giá của WHO thì các phản ứng của ComBe Five đều ở mức chấp nhận được nếu không nói là thấp hơn so với vắc-xin truyền thống.

Lịch tiêm vắc-xin phối hợp DPT-VGB-Hib ComBE Five được tiêm cho trẻ dưới 1 tuổi vào lúc 2, 3 và 4 tháng tuổi hoàn toàn tương tự lịch tiêm vắc-xin Quinvaxem trước đây. Nếu liều vắc-xin nào bị bỏ lỡ hoặc tiêm muộn thì cần tiêm càng sớm càng tốt vào thời gian sau đó và không cần phải tiêm lại từ đầu. Chú ý khoảng cách giữa các mũi tiêm tối thiểu là 1 tháng. Như vậy, những trẻ trước đây đang dùng Quinvaxem mà chưa đủ mũi thì hoàn toàn có thể bổ sung bằng vắc-xin mới này.

Để phòng bệnh, tốt nhất trẻ cần được tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch. Việc trì hoãn hoặc bỏ các mũi tiêm của các bậc phụ huynh khiến cho trẻ sẽ bị tiêm chủng muộn, tiêm chủng không đủ mũi. Điều này sẽ dẫn đến trẻ sẽ có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trước khi được tiêm chủng đầy đủ do không có miễn dịch bảo vệ.

Vắc-xin ComBE Five đã được sử dụng tại thực địa 4 huyện của tỉnh Hà Nam năm 2016. Sau tiêm chủng chỉ ghi nhận một số phản ứng thông thường xuất hiện vào ngày thứ nhất sau tiêm vắc-xin bao gồm phản ứng tại chỗ tiêm đau, quầng đỏ với tỷ lệ từ 5-15%, sốt tỷ lệ 34-39%. Không ghi nhận bất kỳ phản ứng nặng nào sau tiêm chủng.

Như vậy, những phản ứng thường gặp khi sử dụng vắc-xin ComBE Five cũng giống như sử dụng vắc-xin DPT-VGB-Hib hiện đang sử dụng trong Chương trình TCMR. Việc chuyển đổi sử dụng vắc-xin 5 trong 1 mới sắp tới đây không có nhiều khác biệt.

Trong thời gian tới sẽ có một số vắc-xin mới sẽ được triển khai trong TCMR như vắc-xin sởi – Rubella (MRVAC), vắc-xin bại liệt tiêm (IPV), vắc-xin phối hợp 5 trong 1 (ComBE Five), vắc-xin bại liệt uống bOPV sản xuất trong nước. Trong đó, vắc-xin ComBE Five do Ấn Độ sản xuất và vắc -xin IPV do Pháp sản xuất được nhập khẩu sử dụng tại Việt Nam.

2 vắc-xin sởi – Rubella và vắc-xin bại liệt uống bOPV do Trung tâm Nghiên cứu sản xuất vắc-xin và sinh phẩm y tế – Polyvac tại Việt Nam sản xuất. Có thể nói đây là thành quả rất lớn của Việt Nam khi chúng ta đã sản xuất được vắc-xin đạt chất lượng và đảm bảo tính an toàn, chủ động cung ứng cho Chương trình TCMR.

Đối với các vắc-xin nhập khẩu vào Việt Nam đều phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt của Việt Nam. Các vắc-xin sử dụng trong TCMR bắt buộc phải được cấp đăng ký lưu hành và đảm bảo đạt được tất cả các tiêu chuẩn theo quy định của Việt Nam và đạt tiêu chuẩn tiền thẩm định của WHO. Từng lô vắc-xin khi nhập vào Việt Nam đều phải được Viện Kiểm định quốc gia vắc-xin và sinh phẩm y tế kiểm định và đạt tiêu chuẩn về an toàn trước khi đưa vào sử dụng.

Trong bối cảnh một số dịch bệnh hiện vẫn lưu hành và một số dịch bệnh có nguy cơ quay trở lại nếu tỷ lệ tiêm chủng đạt thấp, các ông bố bà mẹ cần nhớ tuân thủ tuyệt đối lịch tiêm chủng cho con mình. Hãy tự trang bị cho con mình hành trang tốt nhất là sức khỏe – phòng tránh một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có vắc-xin dự phòng hiệu quả nhất là tiêm chủng vắc-xin đầy đủ, đúng lịch. Tiêm chủng giúp bảo vệ sức khỏe của con bạn và cộng đồng.

Các bậc cha mẹ cũng luôn phải ý thức rằng việc theo dõi sức khỏe của trẻ sau tiêm là rất quan trọng góp phần đảm bảo tiêm chủng an toàn. Các biểu hiện bất thường sau tiêm cần được phát hiện sớm để được xử trí kịp thời và tránh được rủi ro đáng tiếc xảy ra với các bé.

Vai trò quan trọng của việc tiêm vắc-xin 5 trong 1:

Đây là vắc-xin phối hợp phòng các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib, là những bệnh truyền nhiễm phổ biến và nguy hiểm, là nguyên nhân tử vong hàng đầu ở trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt là trẻ dưới 1 tuổi – đối tượng rất dễ mắc những bệnh này ở Việt Nam. Đây cũng là những vắc-xin cơ bản được triển khai tiêm chủng miễn phí trong Chương trình TCMR cho trẻ em dưới 1 tuổi ở hầu hết các nước trên thế giới.

Theo TS.BS. Phạm Quang Thái (Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương) – SKĐS

Theo Đời sống
Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Bệnh liệt mặt, méo miệng xảy ra là do khi cơ thể bị lạnh làm co thắt mạch nuôi dây thần kinh số 7 gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ, phù và chèn ép dây thần kinh ở đoạn trong ống Fallope của người bệnh.
back to top